III. LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ VIỆT NAM TỪ CỔ ĐẠI ĐẾN CẬN ĐẠ
3. Các giá trị chủ đạo trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam
Qua các thời kỳ lịch sử, sự phát triển tư tưởng chính trị Việt Nam khá phong phú và kết đọng lại ở các giá trị chủ đạo như là động lực chính yếu trong sự tồn tại và phát triển của dân tộc.
Một là, Toàn dân đồng tâm hiệp lực dựng nước và giữ nước dưới sự lãnh đạo của một tổ chức tiên tiến
Chống thiên nhiên và chống ngoại xâm là hai nhiệm vụ nặng nề, chỉ có thể được giải quyết bằng sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc. Thực tế lịch sử đã chứng minh, khi nào dân tộc không thống nhất, đất nước bị chia cắt thì nhân dân điêu linh. Một dân tộc đất không rộng, người không đông mà luôn đối chọi với cường địch nên toàn dân phải đoàn kết lại để huy động tối đa tiềm lực mọi mặt tiềm tàng trong nhân dân, lũy thừa sức mạnh của từng người và sức mạnh của cả cộng đồng lên để đủ sức đương đầu với thách thức cam go, dám chiến đấu và biết chiến thắng đối với từng kẻ thù và mọi kẻ thù. Nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi phải có tổ chức tiên tiến mới đủ sức đại diện dân tộc, mới tập hợp và lãnh đạo được nhân dân hành động chung đối phó với kẻ thù gian xảo. Lịch sử cũng chứng minh khi chính quyền không đại biểu được cho dân tộc thì đất nước lầm than.
Hai là, Tự lực tự cường xây dựng và phát triển nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia ngang tầm thời đại
Từ những bài học của sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc đã chứng minh rằng, chỉ có thể vươn lên bằng sức mạnh của chính mình, những giá trị của nhân loại chỉ có thể phát huy được tác dụng khi gia nhập vào giá trị của dân tộc và được dân tộc nội sinh ra giá trị mới. Người Việt Nam không xem nhẹ tác nhân bên ngoài, sự hợp tác và giúp đỡ của người khác nhưng bao giờ cũng xem chính sức mạnh của dân tộc mình mới là nhân tố chủ đạo đóng vai trò quyết định nên đã nỗ lực bản thân, tự vươn lên, tự mình quyết định vận mệnh và chủ quyền quốc gia dân tộc mình mà vượt qua tất cả. Kẻ thù đến xâm lược nước ta, chúng thường ở trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao và mạnh hơn ta nhiều mặt. Muốn đối chọi với chúng, chí ít cũng phải mạnh bằng chúng ở những mặt cơ bản. Cho nên, phải biết khai thác mọi lợi thế của mình, tận dụng những phương tiện vật chất và tinh thần do chúng đem đến chuyển thành vũ khí cho ta và tiếp thu những giá trị của nhân loại nội sinh ra giá trị mới để vươn mình lên ngang tầm thời đại là yêu cầu sống còn của dân tộc.
Ba là, Thực thi nền chính trị nhân bản vì con người, vì quốc gia dân tộc
Thực tế lịch sử dân tộc đã chỉ ra rằng, chỉ có nền chính trị chăm lo đến con người, đại diện cho quyền lợi của quốc gia dân tộc mới hợp đạo lý của con người Việt Nam, mới tập hợp và khơi dậy được sự đồng tâm hiệp lực của cả cộng đồng chống lại giặc ngoại xâm và chế ngự thiên nhiên. Dân tộc và giai cấp luôn đứng trước thử thách sống còn của giặc ngoại xâm và tai họa của thiên nhiên nên một nền chính trị thuần tuý phục vụ cho lợi ích của giai cấp sẽ trở thành xa lạ với quảng đại chúng dân; sẽ không huy động được sức mạnh của toàn dân để vượt qua thách thức. Thiên nhiên khắc nghiệt, kẻ thù hung hãn và tàn bạo, con người phải nhân bản, phải thương yêu, che chở và nương tựa vào nhau mà tồn tại và
chiến đấu. Chính nhân bản còn là vũ khí vô cùng lợi hại để chiến thắng kẻ thù và là phương thức cơ bản để nhân hóa chính mình. Cho nên, đường lối chính trị “Khoan dân” - “Nhân nghĩa” đã tạo nên thế trận lòng dân vững chắc cho những cuộc chiến tranh nhân dân mang tính lịch sử của dân tộc.
Bốn là, Người lãnh đạo chính trị Việt Nam phải có Đức và có Tài mà đức là gốc
Người lãnh đạo chính trị phải là người yêu dân, bảo vệ dân, chăm lo cuộc sống cho dân từ vật chất đến tinh thần; biết “khoan thư sức dân”, khoan dung và độ lượng; không chỉ biết chăm lo cho những thế hệ hôm nay mà còn phải biết “tính kế ngàn đời cho con cháu về sau”; biết đối nhân xử thế, nho nhã và lịch lãm, thấu lý mà đạt tình, phải trái phân minh, nghĩa tình trước sau trọn vẹn; gần gũi với mọi người, gắn bó và tận tụy với việc nước. Dũng cảm và kiên cường, mưu trí và linh hoạt, thông minh và sáng tạo; có bản lĩnh trước kẻ thù, biết tiến lùi đúng lúc đúng chỗ, biết địch biết ta, biết thời biết thế; “biết tĩnh như núi” đồng thời “biết động như biển”, “thắng không kiêu, bại không nản”; biết nhân nhượng, thỏa hiệp khi cần nhưng mục tiêu chiến lược là vì lợi ích quốc gia dân tộc thì không bao giờ thay đổi - “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; dám hiến dâng cuộc đời vì quốc gia dân tộc, vì cuộc sống của con người.