a. Khang Hữu Vi (1858 - 1927)
Dựa trên cơ sở tiến hóa luận của Đacuyn (Darwin), Khang Hữu Vi cho rằng, mọi sự vật trên đời đều luôn biến đổi, “biến đổi là đạo Trời”. Từ đó, ông phê phán quan niệm thủ cựu, không thấy giá trị của biến đổi, hoặc biến đổi theo kiểu nhỏ giọt, cục bộ. Tuy hô hào nhiều biến đổi nhưng Khang lại không thừa nhận sự nhảy
vọt mà xem “sự biến đổi của xã hội trải qua “Tam thế” là: “Cư loạn thế”, “Thăng bình thế” và “Thái bình thế” chứ không thể vượt cấp được. Ở “Cư loạn thế”, xã hội còn chưa có sự giáo hóa; ở “Thăng bình thế”, xã hội loài người đã dần dần có giáo hóa - hai thời kỳ này được gọi chung là “Tiêu bang” (theo ông là thuyết của Khổng Tử). Sau cùng và cao nhất là, ở “Thái bình thế”, xã hội loài người hoàn toàn được giáo hóa. Cứ như vậy, xã hội loài người tuần tự mà tiến, đi đi lại lại mãi. Vào thời Mậu Tuất, ông cho rằng xã hội Trung Quốc đang quá độ từ “Thăng bình thế” sang “Thái bình thế”. Về cuối đời, ông tự phê phán cái gọi là “Tả khuynh” của mình vì thực ra xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ may lắm là từ “Cư loạn thế” bắt đầu chuyển sang “Thăng bình thế”. Vì vậy, ông tự thấy mình đã sai lầm khi bắt “em bé” Trung Quốc phải nuốt miếng bánh “Quân chủ lập biến” trong khi nó không thể nào nuốt nổi. Sai lầm của Duy Tân Mậu Tuất chính là ở chỗ đó.
Trong “Đại đồng thư”, Khang Hữu Vi đã phác thảo bức tranh lãng mạn về “Thế giới đại đồng” chủ yếu dựa vào “Xuân thu tam thế” của Khổng Tử và chấm phá thêm màu sắc nhân quyền của phương Tây hòa lẫn với Cơ Đốc giáo và Phật giáo. “Thế giới đại đồng” của ông không phải là xã hội thủ công, nông nghiệp mà là xã hội sản xuất cơ khí, của cải dồi dào đủ sức đáp ứng nhu cầu con người. Trong xã hội đó, dân chủ được thực hiện: tự do cá nhân, nam nữ bình đẳng, ai nấy đều làm việc, tài sản công hữu, gia đình không còn, nhà nước cũng không có, biên giới bị xóa bỏ, không còn quân đội, hình phạt cũng dẹp bỏ, văn hóa giáo dục cực kỳ phát triển… Nói chung, đó là một xã hội mà con người sống sung sướng, không còn đau khổ - con người thực sự là con người, giá trị con người (bản tính tự nhiên) được đánh giá đúng mức.