III. LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ VIỆT NAM TỪ CỔ ĐẠI ĐẾN CẬN ĐẠ
a. Hoàn cảnh địa lý chính trị
Đất nước được thiên nhiên ưu đãi trên nhiều mặt, tài nguyên không phong phú và dồi dào, thuận tiện phát triển một nền kinh tế hùng mạnh. Song, thiên nhiên cũng không kém phần khắc nghiệt, thiên tai địch họa ập đến thường xuyên đe dọa đến cuộc sống hiền hòa của các thế hệ người sống trên đất nước Việt Nam. Cho nên, cuộc đấu tranh chống lại thiên tai và khai thác sự trù phú của tự nhiên để cải thiện, nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần của cả cộng đồng luôn là thử thách đến sự tồn vong trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
Đất nước ở vào vị trí quan trọng của vùng Đông - Nam - Á. Đây là nơi gặp gỡ của các luồng giao lưu kinh tế, văn hóa ở phương Đông, cũng là nơi đụng độ của các bộ lạc trên đường di chuyển và là địa bàn chiến lược lợi hại mà bọn xâm lược các thời đại đều thèm khát chiếm lấy để bành trướng. Từ khi dựng nước cho đến nay, dân tộc ta phải chống ngoại xâm gần như thường xuyên, đã phải tiến hành 18 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc cùng hàng trăm cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng. Họa mất nước có khi kéo dài hàng chục, hàng trăm năm, thậm chí lâu hơn và thời gian chống ngoại xâm cộng lại đến trên 12 thế kỷ. Ngoại xâm là mối đe dọa thường xuyên nguy hiểm nhất đối với sự sống còn của dân tộc ta. Vì vậy, chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia dân tộc trở thành quy luật sống còn của người Việt Nam.