IV. TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ CHỦ ĐẠO CỦA CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN VÀ HỒ CHÍ MINH
a. Tư tưởng yêu nước thương dân yêu thương con ngườ
Cuộc đời, các trước tác và hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh luôn thể hiện một tình yêu nước nồng nàn và tình yêu thương dân sâu sắc. Yêu nước phải thể hiện thành thương dân, không thương dân thì không có gì để nói về yêu nước cả. Dân là số đông trong dân tộc, phải làm cho số đông đó ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, sống tự do, hạnh phúc. Từ lòng yêu nước, thương dân truyền thống, Hồ Chí Minh đi đến xây dựng Đảng Cộng sản và một nền chính trị của dân, do dân và vì dân mà tư tưởng luôn thấu triệt là, khi nước độc lập rồi thì phải biết thương dân nhiều hơn và cụ thể hơn mà nhất là cán bộ, phải biết làm công bộc cho dân; những cán bộ nói là yêu nước mà không thương dân, “đè đầu cưỡi cổ dân” là điều không thể chấp nhận được.
Hồ Chí Minh tha thiết yêu thương con người với tất cả mọi người nhưng không phải là tình thương trừu tượng chung chung mà trực tiếp là nhân loại cần lao, trước hết, là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân; trong đó, trọng tâm là người lao động nghèo khó của Việt Nam. Sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng giai cấp và giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh là một quá trình đồng thời và tương hỗ lẫn nhau và cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam không chỉ giải phóng dân tộc và cần lao Việt Nam mà còn trực tiếp góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng cần lao của thế giới.
Sự thống nhất giữa nước, dân với Đảng và con người đã làm cho Hồ Chí Minh là hiện thân của người cộng sản trong quan hệ với nước, với dân, với nhân loại; phản ánh một đặc tính của giai cấp công nhân với tư cách là người đại diện cho dân tộc và nhân loại tiến bộ, xu thế tiến bộ của thời đại và sự nghiệp của người cộng sản. Điều này được thực hiện không dừng lại trong nội tâm và xu hướng hành
động với tư cách cá nhân mà còn với tư cách là một lãnh tụ Cộng sản, lãnh tụ của cách mạng, lãnh tụ của dân tộc Việt Nam; không những biểu hiện ra trong việc xây dựng, hoàn thiện chế độ chính trị của xã hội, thể chế nước nhà mà còn thể hiện đậm nét trong thực hiện các mối quan hệ quốc tế.