Tuổi của nghệ thuật

Một phần của tài liệu Ebook Câu chuyện hội họa (Trang 51 - 53)

Những ý nghĩ lặt vặt, đứt nối, rời rạc, thường đến với tôi trong những lúc xem tranh.

Khi nhìn những hình vẽ của trẻ con, những hình vẽ chưa hề ảnh hưởng ở một kỹ thuật, một luật lệ nào, hình thể của chúng không khuôn nắn theo mẫu mực, tất cả chỉ do trí nhớ và tưởng tượng tạo ra. Nét vẽ giản dị, hình vẽ ngây ngô nhiều khi đến phi lý. Có người bảo là do bàn tay vụng về non nớt chưa làm được theo ý muốn. Có người nhất định bảo là sự diễn tả trung thành những ý nghĩ ngây thơ của tuổi trẻ.

Vì thiếu sự học hỏi về kỹ thuật nên chúng chưa diễn đạt được đúng ý nghĩ nên một đôi khi đường nét hình thể màu sắc có tạo ra cân đối, điều hòa thì đó cũng chỉ là do tình cờ vô ý thức. Có thể là đẹp, là mỹ thuật nhưng chưa phải là nghệ thuật. Không thể bàn đến nhiều, vì không có gì để mà bàn.

Cho rằng những hình vẽ của trẻ con là một sự diễn tả trung thành của ý nghĩ ngây thơ, và nếu đúng như vậy, thì tư tưởng của trẻ con là như thế nào? Chúng đã có đủ thời giờ để thu góp sự hiểu biết về cuộc đời. Chúng đã có đủ thì giờ để thành một người với đầy đủ ý nghĩa một con người hay chưa? Có một câu nói đã trở nên tầm thường, bởi người ta đã nhắc đi nhắc lại mãi: “Trước khi thành một nghệ sĩ anh phải thành một con người”.

Làm một con người không phải là điều khó; nhưng cũng không phải chỉ biết kiếm ăn, tìm uống là đã thành người. Và trong một bức họa, vẽ lên cái hình thể, cái thân xác một người chưa hẳn là đã vẽ đúng về con người. Nghệ sĩ cũng là con người tự tìm hiểu về con người. Bởi nghệ thuật là con người cộng vào với thiên nhiên tạo vật để tạo thành một cao đẹp hơn, một thiên nhiên lý tưởng hơn cái thiên nhiên sẵn có.

Người làm nghệ thuật không có thể hành hạ con người, bóp méo thiên nhiên, chỉ tại vì thù giận sự có mặt của mình ở trong cuộc đời, hoặc bởi đã quá coi thường hay khiếp sợ thiên nhiên.

Một nghệ sĩ chân chính cũng đã đủ thay mặt cho cả dân số trên thế gian này. Hắn chính là thiên nhiên, vì hắn đã tạo ra được một thiên thiên của riêng hắn. Nhưng một bức họa cũng không phải là riêng của một Van Gogh cộng vào với thiên nhiên mà do trăm ngàn họa sĩ vô danh hay hữu danh từ trước cùng với Van Gogh cộng với thiên nhiên để tạo thành một bức họa ký tên Van Gogh.

Nếu Picasso là họa sĩ đầu tiên trong lịch sử hội họa, thì chắc chắn ông đã vẽ khác.

Và nếu Matisse từ nhỏ chưa hề được xem một bức họa, đọc một trang sách thì có lẽ ông ta cũng đã không vẽ được như vậy.

Nhưng nếu làm hội họa không có mục đích sao chép cho đúng thiên nhiên, thì nhất định cũng không phải sao chép lại của một người khác, đi “nhờ” vào một con đường vạch sẵn. Đã từng có một Braque, hội họa không cần đến một Braque giả hiệu. Những thiên tài là những chiếc đầu máy của chuyến xe, những toa hàng suốt đời chỉ tìm chỗ để nối đuôi.

Những người mới bước chân vào hội họa, lúc đầu tất nhiên là học hỏi các bậc thầy. Họ nhẫn nại sao chép hàng tháng, hàng năm, ngày này qua ngày khác, không phải để bắt chước giống thầy, nhưng cốt một ngày nào đó nhìn vào bức họa họ đã có một chút của họ trong đó, kỳ cho đến lúc cái chất “thầy” đã biến đi nhường chỗ cho cái chất “ta”. Và công việc tiếp tục mãi đến lúc, mình sửa chép lại mình, để tự phá vỡ đến khi tìm được cái “ta”[1]. Cho đến khi ngơ ngác nghe thiên hạ nói lên: “Chính hắn, đây rồi”. Nhưng hắn có tin ai bao giờ, hắn nghi ngờ ngay chính cả mình. Những lời khuyến khích, ủng hộ có bốc hơi trong chốc lát, thì cũng tựa như một chút men nồng. Lòng hoài nghi, hắn cúi đầu lê bước trong cô đơn hiu quạnh và chợt nghĩ đến những con nhộng cô đơn trong những chiếc kén tù hãm. Hắn mỉm cười khi nhớ đến những câu thiên hạ kết án: “Nằm trong tháp ngà”. Sự thực thì làm gì có một chiếc tháp ngà mà nằm, và hắn lại nghĩ đến những cái kén, những con nhộng: biết bao nhiêu con nhộng đã chết đi vì không cắn nổi chiếc kén dày

để hóa thân thành kiếp bướm.

Những con nhộng thực là đáng thương, nhưng còn đáng thương hơn nữa là thứ nhộng mắc chứng bệnh tưởng tượng, suốt ngày nằm trong chiếc kén mà kêu la: “Ta là bướm đây”. Hắn muốn cười nhưng một ý nghĩ chua xót đã ngăn lại...

Hóa thành kiếp bướm để làm gì? Cũng không biết nữa, nhưng có lẽ là sự nhớ tiếc những khoảng trời xanh rộng rãi, những mây tím lang thang, những đỉnh núi cao, những đồi hoa đẹp, những dòng sông, những bãi cát.

Thân bướm yếu đuối, cánh bướm mỏng manh đã ngợp với ý nghĩ, đi cho cùng vũ trụ. Thoát cái vỏ kén chật hẹp được tung mình vào khoảng không gian vô tận, bướm cảm thấy mình nhỏ bé, bất lực và cô đơn.

Bèn nảy ra ý nghĩ trở lại nằm trong vỏ kén; không phải để kêu lên: “Ta là bướm đây” nhưng để than rằng: “Ta đã từng là kiếp bướm”.

1960

[1]

Một phần của tài liệu Ebook Câu chuyện hội họa (Trang 51 - 53)