Những khoảng cách

Một phần của tài liệu Ebook Câu chuyện hội họa (Trang 67 - 68)

Nói đến chuyện bức tranh là nói đến cái đẹp, nói đến cái đẹp là nói về những cái có thể nhìn thấy được; dần dà tiếng đẹp được đem dùng một cách rộng rãi. Những gì không trông thấy cũng gọi là đẹp: tâm hồn đẹp, ý tưởng đẹp, người Tây Phương còn nói: bài thơ đẹp, bản đàn đẹp. Cái đẹp bỗng có cả hồn lẫn xác; xác thì nhìn thấy song hồn làm sao nhìn cho ra. Thời buổi ngày nay mấy ai còn tin vào cái hồn. Có những kẻ chủ trương con người chỉ là do vật chất kết hợp như mọi loài cầm thú, chết đi là hết, cát bụi trở về cát bụi. Cái khối thịt biết ăn biết thở được đánh giá theo sức mạnh, mạnh được yếu thua; già đòn non nhẽ, “không cần lý sự gì cứ đánh cho bỏ mẹ nó đi”, cho hết vào tù. “Khối thịt” được định giá theo sức mạnh của mã lực như một cái máy... Thế là cuộc đời lại có thêm những cái máy bằng xương bằng thịt phụ thuộc cho những cái máy bằng sắt thép. Chỉ khác một điều là có máy đực máy cái, máy cái được đánh giá theo cái cân cái thước, vòng ngực vòng eo, mông to mông nhỏ.

Định nói về cái Đẹp mà sao tôi cứ mãi vòng vo; song thực ra nói về cái đẹp của xác thì dễ mà nói về cái đẹp của hồn thì quả là “đẹp không thể tả”.

Công việc làm nghệ thuật là “thu tất cả về một mối”, còn công việc nói năng viết lách lại là chia cắt cái đẹp ra trăm ngàn mảnh; cái xác cái hồn, cái cũ cái mới, cái quốc tế cái dân tộc. Trong công việc sáng tạo, người nghệ sĩ không làm gì khác hơn, mới lạ hơn là nhờ tác phẩm để hàn gắn lại cuộc đời đã quá tả tơi rách nát bởi những phân chia. Hắn phải vượt khỏi những khoảng cách mới có thể xóa bỏ được những khoảng cách. Khoảng cách giữa nghệ thuật và kỹ thuật, giữa con người và thiên nhiên, giữa con người và con người.

Tuy nhiên trong công việc làm cụ thể ở bức tranh, trước hết vẫn là phải có được cái đầu óc dân chủ thực sự; không thể kỳ thị màu sắc, không thể chỉ lựa chọn lấy những màu sắc sáng chói nhất, rực rỡ nhất mà phải đặt mọi màu sắc hình nét trên cùng thang giá trị, tóm lại là phải làm thế nào để mọi sự trở nên đẹp đẽ hơn, trong cái thế tương quan hỗ trợ. Màu sắc khi còn nằm trong ống sơn tạm chia ra đẹp xấu song khi nằm trên bức tranh, thì mọi màu mọi vẻ, bình đẳng bình quyền. Thứ nữa, người họa sĩ không quên rằng: mình tạo ra bức tranh bằng màu sắc đường nét, bằng sự vật cụ thể, chứ không phải bằng những danh từ trừu tượng, ý tưởng của mình dù có cao siêu vĩ đại nhất loài người thì quần chúng thưởng ngoạn cũng chỉ có thể nhìn ngắm đánh giá nó qua việc làm cụ thể là bức tranh. Cái hình thức đã xấu xí chẳng bao giờ có thể do từ một nội dung đẹp. Với cái chân lý “cũ rích” đó, nhiều người thường hay quên lãng, nên cái Mỹ thường thiếu cái Chân, mà đã thiếu chân thì bức tranh không đứng vững được.

Sau hết, người nghệ sĩ trên con đường nghệ thuật cũng vẫn là một con người, có cái yếu đuối của một con người, ngoài đôi chân thất thểu dấn bước ngoài đôi mắt yếu kém trông nhìn, cũng còn cần đến một cái gì soi đường dẫn lối song không thể trông nhờ dựa dẫm vào những chủ thuyết này nọ mà người đời bày đặt ra. Cái giúp ta là cái tính bản Thiện, chỉ là sự yêu thương, trìu mến con người và cảnh vật và cũng chính từ cõi giới của yêu thương người thưởng ngoạn mới nhìn ra vẻ đẹp, nơi đó mọi ngăn cách đã được xóa bỏ, cái đẹp hình thức và cái đẹp tinh thần chỉ còn là một.

Ở thành phố Amsterdam, người ta đang làm lễ kỷ niệm nhà danh họa Van Gogh; thiên hạ khắp nơi đang đổ về Amsterdam, để dự cuộc triển lãm tranh ông song chắc là không phải chỉ riêng chiêm ngưỡng đôi giày rách, cái ghế cũ kỹ trong họa phẩm.

Một phần của tài liệu Ebook Câu chuyện hội họa (Trang 67 - 68)