Gặp lại Nguyễn Trung tại Paris

Một phần của tài liệu Ebook Câu chuyện hội họa (Trang 80 - 81)

Tôi đã quen biết anh qua một số tranh anh gửi đến triển lãm ở Sài Gòn vào những năm xa xưa. Cuộc triển lãm hằng năm chung cho các họa sĩ vào mỗi đầu mùa Xuân nên lấy tên là Triển lãm mùa Xuân.

Ngày ấy tôi không đến phòng tranh với tư cách một người thưởng ngoạn thông thường, nhưng với nhiệm vụ tìm kiếm những tài năng mới, do ban tổ chức giao phó. Trong số hàng trăm bức tranh gửi đến, những bức họa của anh đã cho tôi sự ngạc nhiên thích thú. Tách biệt khỏi những bức tranh khác bằng màu sắc thật đơn giản; nét vẽ và hình khối đã vượt xa thói nhìn quen thuộc cổ điển. Anh sử dụng chất liệu sơn dầu dễ dàng phóng túng như người ta dùng mực tàu ở loại tranh thủy mặc. Nhân vật ở tranh anh đoan trang khả ái trong chiếc áo mờ ảo như sương khói. Cặp mắt làn môi chỉ là nét bút thoáng qua hòa hợp với khuôn mặt nhẹ nhàng vẻ đẹp Đông Phương.

Những ngày tháng đã qua đi, những đổi thay đã xảy đến; kể đã gần ba chục năm, tôi vẫn nhớ rõ những hình ảnh ấy. Ngày hôm nay tôi bước vào phòng tranh thật khiêm nhượng, giữa kinh thành nghệ thuật ồn ào náo nhiệt này. Nhân vật trong tranh anh cũng vẫn người thiếu nữ năm xưa, nay nàng sửa soạn điểm trang hơn; được đặt vào một không gian tráng lệ hơn với những vùng ánh sáng rực rỡ trau chuốt hơn. Khách thưởng ngoạn ngày hôm nay hẳn sẽ bị quyến rũ bởi vẻ huy hoàng của họa phẩm. Song nếu khách chỉ dừng chân lại ở vẻ đẹp đó thì thật quả vô tình với tâm sự người họa sĩ tài ba này. Riêng tôi có cái may mắn gặp lại người thiếu nữ năm nào trong những họa phẩm mới của anh; vẫn những cử chỉ duyên dáng nay đã ngưng đọng trong một tư thế cân nhắc kỹ lưỡng, cố tình cách điệu. Đôi mắt đã mở lớn dường như chẳng muốn nói lên điều gì, song thật sự đã nói với tôi rất nhiều trong sự câm lặng.

Tranh Nguyễn Trung phần lớn đề tài nhân vật, số còn lại vài ba bức tĩnh vật; song ở cả hai loại đề tài anh đã dùng rất nhiều cá như những họa tiết trang trí cho bức tranh. Những con cá ngũ sắc óng ả trong suốt như chất pha lê, cá nằm ngang cá nằm dọc, cá lơ lửng trong không gian, cá treo trên vách, cá trong giấc mơ, cá quấn quít người đẹp như loài thú thuần dưỡng, cá trên tay một cái bóng trao gửi một cái bóng cùng choàng một tấm vải trắng lạnh lẽo như chiếc khăn liệm; tất cả những con cá được vớt ra khỏi nước.

Nhìn ngắm hơn hai chục bức tranh của anh tôi tưởng như lạc vào cơn mộng mị; bàng hoàng như khi đón nhận mối kinh hoàng trong họa phẩm của Soutine; chất siêu thực mơ mộng trong tranh của Chagall, vẻ kỳ ảo trong thế giới của Dali. Tranh Nguyễn Trung ngày hôm nay đã trải qua nhiều đổi thay, không chỉ để trao tặng cho người thưởng ngoạn những chất vị ngọt ngào của cái đẹp tạo dựng bởi kỹ thuật; những họa phẩm ấy mượn cái đẹp của hình hài để có thể nói được những điều mà bao nghệ sĩ muốn nhắn gửi người thưởng ngoạn: “Cái đẹp ở tác phẩm nghệ thuật không thể là món đồ trang sức cho cuộc sống, nó từ cuộc sống mà thành, nhào nặn bởi cuộc sống với tất cả nỗi vui buồn”. Còn cái đẹp khách quan và thuần khiết từ thiên nhiên?

Tôi nhìn lại bức tranh người thiếu nữ cầm đóa hoa, những cánh hoa đã rụng hết, cho dù hoa có còn tươi tốt thì vẻ đẹp của hoa cũng đã tiềm ẩn tính chất phù du hư ảo cõi giới nhân gian này.

Toàn bộ tác phẩm nghệ thuật của anh chẳng cần đợi đến những nhà phê bình chuyên nghiệp danh tiếng thế giới đánh giá. Cái giá trị thật sự của nó đã từ bức họa người con gái năm xưa mà toàn thể người yêu mến nghệ thuật và nghệ sĩ trong nước đã đón nhận với tất cả lòng mộ mến. Cầu chúc anh khi trở lại đất nước, lòng tin tưởng về nghệ thuật của mình sẽ vững chắc hơn nữa.

Một phần của tài liệu Ebook Câu chuyện hội họa (Trang 80 - 81)