Những giấc mộng lớn và những giấc mộng con

Một phần của tài liệu Ebook Câu chuyện hội họa (Trang 79 - 80)

Nếu tác phẩm văn chương nghệ thuật phản ảnh cuộc sống, thì cuộc sống của con người không phải chỉ có bon chen, kiếm ăn tìm uống, mà còn bao gồm cả những phút giây mơ mộng. Chính sự mơ mộng làm cho con người khác với mọi loài sinh vật. Cũng chính từ những cơn mơ giấc mộng chúng ta mới có thể tạm dẹp mọi ước muốn vô bờ bến về vật chất, để nhận được những tín hiệu của nghệ thuật từ tác phẩm. Thi sĩ Tản Đà trong những văn thơ của ông đã nói cho chúng ta, đâu là giấc mộng lớn, đâu là giấc mộng con. Nhà danh họa Chagall đã từng lấy những giấc mộng con của ông để đưa ta đến cơn mộng lớn. Tác phẩm của nhà danh họa ấy dù có mang lấy hình ảnh của quê hương ông hay cảnh trí của nơi nào khác, điều đó người thưởng ngoạn cũng không cần biết và cũng chẳng là điều quan trọng. Thật ra người nghệ sĩ cũng chẳng thể tưởng tượng ra được một giấc mơ nào khác hơn là từ cuộc đời. Song hắn không hề toan tính đem tất cả những khổ đau, lầm than, những đổ vỡ, tàn phá ở cuộc đời vào trong họa phẩm cũng như những muộn phiền lo âu, những tật xấu của cá nhân hắn, để ta thưởng ngoạn. Và chính cả những người thưởng ngoạn có ý thức cũng chẳng ai đi tìm những khổ lụy trong bức họa. Họ tìm đến tác phẩm là tìm một cái gì khác hơn những cái đã nhìn thấy ở cuộc sống hàng ngày. Cái mà họ tìm kiếm là những giấc mơ của chính họ.

Nhờ sáng tạo nghệ thuật mọi nỗi ưu tư lo lắng được hóa giải, trở nên nhẹ nhàng đẹp đẽ hơn, cái nhìn của ta sẽ trong sáng hơn thanh thản hơn. Chúng ta đón nhận dễ dàng những tín hiệu nghệ thuật. Từ tác phẩm, tín hiệu phát sinh như một nguồn ánh sáng, luôn thay đổi, di động từng giây phút từng khung cảnh và tùy theo tâm trạng người thưởng ngoạn; nó không phải như những ký hiệu chết cứng.

Sự mơ mộng là biểu hiệu của tự do, như cánh chim tung hoành trên bầu trời vô tận bao la, như chiếc lá bay trong gió phiêu du, như dòng nước trôi không bến bờ định trước và con người trong cuộc hành trình trên trái đất với bước chân vô định. Nghệ thuật cho phép người nghệ sĩ sáng tạo dưới muôn hình muôn vẻ. Những nhân vật trong tranh không còn là cô gái cục mịch quê mùa, không phải là thiếu phụ quý phái cũng chẳng còn là người đàn bà nết na đức hạnh hay cô gái làng chơi, hình ảnh đã biến đổi sang hình sắc thực đã thành mộng. Cây cọ nét bút chẳng làm công việc của kẻ minh họa, cũng chẳng phải để kể lể thay cho cô gái quê hay gái tỉnh về nỗi lầm than đau khổ của một cuộc đời vất vả, của một cuộc tình duyên trắc trở; bởi vì người nghệ sĩ không thể làm được công việc của một người viết tiểu thuyết, hắn cũng chẳng thể dùng cây cọ mà viết nổi một thiên phóng sự tả chân hiện thực về phong tục tập quán của một xã hội và hắn cũng chẳng phải là kẻ du tử lang thang khắp đó đây để ngâm đọc những chiến công huyền thoại hòng kiếm ăn.

Những kẻ tù đày đã bị tước lột hết mọi thứ, duy còn lại được những giây phút mơ mộng, những giấc mơ. Giấc mơ là tự do và cũng là niềm tin của con người.

Làm thế nào cấm đoán được sự mơ mộng? Làm thế nào mà kết tội những giấc mơ của người nghệ sĩ? Không thể có bạo lực uy quyền nào xóa bỏ được giấc mơ của con người.

Một phần của tài liệu Ebook Câu chuyện hội họa (Trang 79 - 80)