Những con chim sẻ

Một phần của tài liệu Ebook Câu chuyện hội họa (Trang 81 - 82)

Nhiều bậc danh họa khi đã đạt tới sự điêu luyện, đều ước mơ vẽ lại được nét vẽ hồn nhiên như con trẻ, những đường nét trong sáng như ngọn cỏ đường mây, ánh trăng dòng suối.

Vẽ được như con trẻ, có thể là tạm rũ bỏ những nhọc nhằn cay đắng vướng víu ở đầu ngọn bút, là gạn lọc những bụi bặm của cuộc sống ở trong màu mực để tâm tư được trong sáng hơn mà nhìn thấy cuộc đời đích thực.

Vẽ như con trẻ, nhưng làm thế nào còn giữ được tấm lòng con trẻ? Từ khi rời khỏi quê hương đã bao lần tôi “thấy” mình lang thang trong thành phố cũ, cái thành phố quen thuộc và mến yêu ấy...

Bước chân lưu lạc của tôi đã đặt trên bao mảnh đất lạ, những đô thị giàu có, những kinh thành ngựa xe như nước, những ruộng đồng phì nhiêu thực phẩm thừa dư. Tôi đã mến yêu tất cả, không phân biệt, không thành kiến. Thành phố nào mà chẳng được tạo nên bởi muôn vàn nhọc nhằn và hãnh diện của con người, dòng sông ngọn núi nào chẳng là của đất trời. Tôi đã chấp nhận tất cả niềm đau khổ và hạnh phúc, cái đẹp và cái xấu; song dù tấm lòng có rộng mở tới đâu chăng nữa thì cuối cùng tâm tư vẫn dìu dắt bước chân về chốn cội nguồn. Chỉ có ở mảnh đất ấy tôi mới nhận thấy, cảm thấy mọi sự thuộc về mình và mình thuộc về mọi sự.

Buổi sáng hôm nay, nhìn ra mảnh vườn nhỏ, thấy đàn chim sẻ nô đùa. Những con chim sẻ ở nơi quê tôi giờ này chúng làm gì? Ở nơi đâu thì chim vẫn là chim, là sự bay lượn, là mây là gió, là ánh nắng tự do. May mắn chim chưa phải mang thông hành căn cước, chưa phải kê khai lý lịch, chưa gọi nhau là Jean là Jacques, là Nguyễn là Trần. Những con sông ngọn núi đã hân hạnh được gắn cho những tên gọi mỹ miều. Con người không tạo ra thiên nhiên, song vẫn thích đặt tên cho muôn loài muôn vật. Đặt những cái tên quả là tiện lợi cho sinh hoạt cuộc sống nhưng đôi khi những danh từ cũng đã bóp méo cái nhìn vo tròn sự thật.

Vẽ như con trẻ, có thể là tạm tháo gỡ danh từ ra khỏi sự vật, hủy bỏ đi cho chúng những căn cước lý lịch; để lòng mình dễ dàng nhập vào đàn bướm, hòa vào ánh trăng, để cái nhìn không bị cản ngăn bởi luật tắc, khỏi bị hạn chế bởi đường mòn ngõ cụt. Vẽ như con trẻ là “vẽ mà không biết mình vẽ”.

Vẽ như con trẻ phải chăng còn là giấc mơ trở về cội nguồn của thời tạo thiên lập địa. Những hình vẽ của bọn trẻ con nguệch ngoạc bằng than bằng gạch trên những bức tường, những hình nét non dại trên mặt bàn của một lớp học ở bất cứ địa phương nào, cũng đã gặp gỡ những đường nét vụng về của những con người tiền sử vẽ trên vách đá. Sự cách biệt của nền văn minh nhân loại kể đã trải qua hàng ngàn vạn năm; song con người cá nhân vẫn phải tự mình tập đi từ bước chân chập chững.

Hình nét của một Matisse, một Chagall, hay một Thạch Đào, một Mễ Phế dù có con trẻ tới đâu chăng nữa thì cũng vẫn là mượn lời con trẻ để nói lên câu chuyện của người lớn.

Thời đại của những chủ thuyết, những công thức, những ký hiệu, trí óc điện tử liệu có thể thay thế cái bản chất sinh vật của loài người?

Tôi tin tưởng một ngàn năm sau, những đứa bé vẫn là một đứa bé, nó sẽ vẫn vẽ ra những nét vẽ của trẻ con, những nét vẽ của con người.

Một phần của tài liệu Ebook Câu chuyện hội họa (Trang 81 - 82)