Nói đến nền hội họa của một xứ sở là nói đến tác phẩm nghệ thuật; mà nói đến tác phẩm nghệ thuật Việt Nam, thì những họa phẩm của Nguyễn Gia Trí, đã có những giá trị quan trọng, về mặt lịch sử cũng như về nghệ thuật.
Năm 1924 trường Mỹ thuật Hà Nội được thành lập, song công việc chuẩn bị, sửa soạn mãi đến năm 1926, trường mới thực sự giảng dạy khóa đầu tiên. Cho đến năm 1931, là đợt đầu của những sinh viên ra trường.
Trước khi thành lập trường Mỹ thuật, Việt Nam đã có những sinh hoạt nghệ thuật về kiến trúc, điêu khắc, tranh ảnh, đồ gốm, vân vân... song chỉ là những sinh hoạt dân gian, lẻ tẻ chưa có hệ thống tổ chức. Dù vậy, các công trình do những triều đại trước để lại cũng đã nói lên được cái cảm quan nghệ thuật của dân tộc Việt.
Trường Mỹ thuật đã giúp chúng ta rất nhiều trong công việc tổ chức và kỹ thuật. Chỉ với thời gian chưa đầy hai mươi năm, dân chúng thủ đô Hà Nội đã hãnh diện với những tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Việt, trưng bày tại phòng triển lãm “Salon Unique 1943”.
Ngày đó đã đánh dấu bước đầu của sinh hoạt nghệ thuật Việt Nam sau này. Cái đinh của cuộc triển lãm là những tác phẩm sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
So với lịch sử hội họa của nước Pháp, hơn ta chừng vài thế kỷ, thì hai mươi năm học hỏi kể thật quá ngắn nếu dân tộc đã không có sẵn một cảm quan nghệ thuật. Sự học hỏi về kỹ thuật trong hai mươi năm là quá đủ, để ta có thể sáng tạo theo cảm quan đặc thù của mình. Thật ra, người Pháp không chỉ dẫn cho ta về kỹ thuật để ta vẽ giống họ.
Sử dụng kỹ thuật của người để nói lên cảm quan nghệ thuật của mình, là ước vọng và cũng là mối quan tâm của những người làm nghệ thuật đứng đắn.
Tầm quan trọng đối với những tác phẩm nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí là anh đã sử dụng sơn mài một cách thành công, để nói lên được cái cảm quan của riêng anh và của dân tộc. Từ kỹ thuật sử dụng sơn mài để làm những bức tranh trang trí, bức câu đối hoành phi, và các đồ mỹ nghệ, Nguyễn Gia Trí đã khám phá đưa khả năng sơn mài vào công việc sáng tạo nghệ thuật.
Từ chất sơn dầu đến chất liệu sơn mài tính chất khác nhau nên kỹ thuật có khác biệt. Nói đúng ra thì về kỹ thuật cho đến cảm quan về nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã giữ được những nét đặc thù, ít phải vay mượn.
Khi có dịp được nhìn ngắm những họa phẩm của Nguyễn Gia Trí, tôi nhận thấy anh đã làm chủ được chất liệu sơn mài. Tôi nói với anh điều ấy, thì anh cười: “Mình có làm chủ đâu, phải hiểu biết tính chất của nó, như tính tình người bạn, đôi lúc cũng phải theo khả năng của nó chứ”.
Bước vào tranh anh, người ta sẽ bước vào một cõi giới khác lạ, sự vật trong tranh không còn là cái này cái kia; danh tính sự vật đã được xóa bỏ; cây cỏ và con người không còn ở thể vật chất; tất cả trở nên rực rỡ linh động trong suốt của chất pha lê pha trộn lẫn bạc vàng. Những vùng bóng tối ánh sáng tạo nên bởi màu nâu cánh gián hòa trong màu trắng bạc, gợi ra những nhân vật chỉ còn bóng dáng, bay lượn rong chơi trong không gian; nhắc nhở đến những nhân vật trong họa phẩm của Chagall. Tranh anh mang nặng tính siêu thực. Trong cõi giới siêu thực ấy, mọi lý luận, mọi trói buộc, mọi xung đột, do cuộc sống gây nên, đều được hóa giải. Người thưởng ngoạn sẽ nhìn thấy vẻ toàn vẹn của đời sống.
Sau những ngày tháng năm năm 1975, tôi thường tới thăm anh tại căn nhà ở ngõ hẻm đường Công Lý cũ nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Năm tháng và thời cuộc đã thoáng ghi trên nét mặt. Riêng nụ cười và cái nhìn
vẫn thư thái linh động. Anh rất ít nói; và không thích tiếp xúc với người lạ. Có lần tôi đùa anh: “Người ta bảo gặp anh rất khó”. Anh cười hỏi lại tôi: “Có bao giờ anh bấm chuông mà thấy tôi đi vắng đâu?”. Anh rất dè dặt trong sự giao tiếp; song giữa bạn bè, những cuộc chuyện trò thường sôi nổi và cởi mở.
Trong những ngày tháng mà đời sống miền Nam bị xáo trộn, sự giao thiệp và đi lại của anh còn hạn chế hơn nữa. Kể từ đó anh không còn nghĩ đến việc sáng tác. Nơi xưởng sơn mài của anh, vật liệu ngổn ngang, những bức họa đang làm dở được che lại. Tôi đã trông thấy trên tường một bức sơn mài lớn khoảng mười hai thước vuông, vẽ gần xong. Anh cho biết bức ấy của một nhà doanh nghiệp đặt anh; song lúc đó ông đã đi Pháp. Anh rất bận tâm về chuyện giải quyết bức họa. Tôi bàn với anh, liên lạc với người đặt vẽ và giúp anh chụp lại bức họa bằng một cuốn phim màu. Sau đó được anh cho biết người đặt tranh đã nhường quyền sở hữu bức họa cho anh. Khi tôi rời khỏi đất nước bức họa vẫn còn ở tình trạng chưa hoàn tất. Ngoài ra còn một số tranh khổ nhỏ. Những bức phác họa anh vẽ rất nhiều, phần lớn trên loại giấy báo, loại giấy rẻ tiền nhất, có khi là những mặt sau đã viết chữ rồi. Tôi tỏ ra ngạc nhiên về chuyện đó thì anh nói: “Nhìn thấy thứ giấy trắng tốt, tôi tiếc không muốn vẽ”. Tôi hỏi anh, tại sao anh lại chọn sơn mài để sáng tác, anh cho biết, không phải là một sự lựa chọn, mà chỉ là chuyện tình cờ. Và anh tâm sự: “Ngay cả chuyện làm nghệ thuật, cũng là định mệnh; tôi sống trong một gia đình làm nghề thêu phẩm phục triều đình, từ nhỏ nhìn quen những màu sắc, hình vẽ rồng mây, những đường thêu chỉ vàng, chỉ bạc rực rỡ, có lẽ tất cả điều đó ảnh hưởng đến sở thích”.
Hôm đến từ biệt anh để đi Pháp, anh tiễn tôi ra tận cổng, nhìn tôi đạp mãi chiếc xe gắn máy không chịu nổ, anh còn đùa: “Nó không muốn cho anh đi đấy”. Hôm nay ngồi viết lại những dòng này, được biết sức khỏe anh đã giảm sút, nhiều lần phải chở đi cấp cứu. Song hình ảnh cuối cùng về anh mà tôi đã mang theo: một bậc nghệ sĩ đáng kính đã giúp tôi tiếp tục sáng tạo.