Một vài ý nghĩ nhân xem loại tranh Tết

Một phần của tài liệu Ebook Câu chuyện hội họa (Trang 72 - 74)

Hồi còn nhỏ có những con vật tôi rất sợ hãi, là chuột và cóc. Sự sợ hãi không biết từ đâu tới, tới vào lúc nào, chỉ thấy tự nhiên mà có, bám riết lấy tôi. Mọi lý lẽ xác đáng, mọi giải thích khôn khéo cũng không thể làm mất đi được.

Một ngày gần Tết, mẹ tôi đưa từ chợ về mấy bức tranh Tết, trong số đó có bức tranh đám cưới chuột, ông đồ cóc dạy học. Nhìn thấy những con chuột thổi kèn, cưỡi ngựa, những con cóc quạt nước pha trà, có con bị đòn chắc vì làm biếng học; bỗng tôi cất tiếng cười vang thích thú; thấy chuột cóc cũng đáng yêu và từ đó tôi hết sợ chúng.

Để e m làm gió

Sơn dầu 92cm x 73cm

Khi con người sợ hãi vật gì, thì không thể ưa thích, đã không ưa thích thì cũng không thấy là đẹp. Lý lẽ đó đặt ra cho tôi nhiều câu hỏi. Cái đẹp có thật ở nơi sự vật hay từ cái nhìn của tôi?

Phải chăng là Những hình sắc trong bức tranh đã hóa giải được sự sợ hãi? Hay sự Nhân Cách Hóa

những con vật do người vẽ bức tranh đã cho tôi thấy chúng gần gụi với tôi, với con người, giúp cho lòng thương yêu nảy sinh để tôi nhìn ra mọi vẻ đẹp?

Ở phạm vi hội họa, sự lựa chọn hình sắc và đề tài của người họa sĩ, khi từ ý thức khi do vô thức, không hề là sự ngẫu nhiên. Sự chọn lọc trước hết do lòng yêu mến hình sắc và những sự vật gần gụi với mình. Cézane đã chọn lựa những trái táo, để vẽ nên bức tranh tĩnh vật nổi tiếng, Utrillo đã thành công với đường phố Paris và Modigliani đã ca tụng vẻ đẹp của người phụ nữ Tây phương trong họa phẩm của ông. Từ lòng yêu mến thiết tha đối với cảnh vật quen thuộc trong xã hội mà mình sinh ra và lớn lên, đã giúp người nghệ sĩ nhìn ra muôn vàn hình sắc rực rỡ, đẹp đẽ. Song chỉ có cái tính chất nhân bản ở tác phẩm mới có thể làm cho con người gần gụi nhau hơn.

Thường là lòng yêu mến bao la của người nghệ sĩ không hề có sự phân biệt; song cũng là điều tự nhiên, nếu niềm tâm sự của họ chỉ có thể nhờ ở sự vật gần gụi quen thuộc hàng ngày để gửi đến người thưởng ngoạn những tà áo dài, những cây chuối bờ tre, những con ngõ hẹp đã gây niềm xúc động và tạo nguồn cảm hứng cho văn chương, thi ca và nghệ thuật Việt Nam, cũng là điều hết sức tự nhiên. Phát huy và biểu hiện được những nét đặc thù của dân tộc mình, luôn luôn là khát vọng của bất cứ người nghệ sĩ nào.

Nhìn lại những bức tranh Tết, trong loại tranh dân gian của ta, có nhiều điểm tương đồng với những loại tranh dân gian của các dân tộc khác ở cách vẽ hồn nhiên vụng về bởi chưa ảnh hưởng, gò ép trong một khuôn mẫu, một trường phái nào. Tranh dân gian thì dân tộc nào cũng có, song tranh của ta dưới hình thức mộc bản, sự phổ biến được rộng rãi và nhất là được sự mến yêu ưa chuộng của mọi từng lớp trong xã hội;

không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, trí thức hay lao động. Đó là điều khó đạt được của bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào.

Cũng chính vì điều đó làm cho các nhà nghiên cứu nghệ thuật ở nước ngoài phải quan tâm tìm hiểu. Những công trình nghiên cứu của họ đã nêu lên những nét đặc thù về hình sắc, về cảm quan đối với cái đẹp của dân tộc Việt Nam.

Vai trò của loại tranh dân gian, không thể thiếu vắng khi đề cập đến lịch sử hội họa Việt Nam cũng như những tác phẩm nghệ thuật mà chúng ta đã góp phần xây dựng.

Mọi lời giải đáp về cái Đẹp chỉ có thể tìm thấy ở tác phẩm nghệ thuật.

Một phần của tài liệu Ebook Câu chuyện hội họa (Trang 72 - 74)