Một cuộc gặp gỡ

Một phần của tài liệu Ebook Câu chuyện hội họa (Trang 84 - 86)

Một hôm ngồi nói chuyện với người bạn họa sĩ, tôi hỏi anh: “Đã lâu lắm, sao không thấy anh vẽ nữa?”. Anh nhìn tôi cười: “Vẽ mãi cái tay đã thành thói quen, cứ mãi một đường nét ấy, một xếp đặt ấy, tôi muốn nghỉ ít lâu”.

Tôi quay nhìn những bức tranh của anh treo trên tường, cũng vẫn những màu sắc quen thuộc, cũng vẫn những đề tài mà anh ưa thích, cũng vẫn những bố cục anh thường sử dụng; có thể là cũng một bút pháp, song mỗi bức tranh vẫn là những niềm tâm sự khác biệt. Tôi đang phân vân về câu nói của anh, thì bàn tay anh run run đặt tách trà xuống bàn, rồi anh nói tiếp: “Không phải tôi muốn tìm kiếm một hình thức mới lạ. Thật ra người vẽ, vẽ cho mình; người xem, xem cho mình. Có gặp gỡ được trong bức họa, thì cũng là trong một giấc mộng nào đó về cái đẹp. Con người ngoài đời đi tìm một con người mộng tưởng, đi loăng quăng như vậy, gặp được vài ba tâm hồn, cái cõi gặp nhau, xứ sở của cô đơn quê hương đích thực; từ đó họ nhìn ra mọi sự”.

Ngoài vườn những đợt gió nhè nhẹ thổi qua khung cửa sổ, ánh sáng ban chiều lấp lánh trên mái tóc bạc của người họa sĩ già; không khí căn phòng thật êm ái, lặng lẽ. Tôi bỗng hỏi anh: “Sự cô đơn là kết quả không ngờ của sự tìm kiếm cái đẹp chăng?”. Trầm ngâm một chút anh nói: “Thực ra mình cũng chẳng định tìm kiếm gì cả. Có một lúc nào đó, bỗng dưng cầm lấy cây cọ, ống sơn mà bôi mà vẽ. Cây cọ xê dịch trên nền vải; lớp sơn từ chỗ này đến nơi kia lúc vẽ ra khi xóa đi. Cái đẹp cái xấu lẫn lộn như màu sơn nét bút. Có lúc mình điều khiển cây cọ, có khi mình chạy theo đường nét màu sắc. Sự chuyển hóa của hình thể màu sắc là thực tại duy nhất, chập chờn ẩn hiện trong lúc mình mê mải. Cho tới khi cây cọ dừng lại, rời khỏi bàn tay, ống màu được xếp gọn, cây cọ được rửa sạch; cuộc phiêu lưu chấm dứt, thì sự cô đơn đã chờ sẵn”.

Bóng tối đã lan dần đến chỗ chúng tôi ngồi. Nhìn lên khuôn mặt anh, tôi thấy những nét nhăn trên vừng trán, trên khóe mắt, ánh sáng lung linh, bóng tối chập chờn vờn lượn trên khuôn mặt người họa sĩ già, những nét thủy mặc mờ ảo; tranh và người cũng chỉ là một.

Tôi nhớ lại một chuyện đã lâu, có lần tờ tạp chí Văn (hồi ở Sài Gòn) đăng bức tranh phụ bản của tôi trên bìa báo, đó là hình vẽ một người con gái trên con đường rợp bóng cây với hàng chữ phụ đề: Đường về chợ Trúc. Báo ra được vài tuần tôi được tòa soạn trao lại một bức thư, trong thư có một đoạn “... chưa được quen biết anh, song nhìn kỹ bức tranh: đường về chợ Trúc, tôi rất xúc động, chắc anh cùng người vùng tôi, khi nào về phép xin ghé thăm anh để cùng được nhắc lại cái chợ Trúc thơ mộng đó...”. Đọc bức thư tôi biết anh bạn chưa quen biết ấy, đã lầm cái chợ Trúc tưởng tượng của tôi với cái chợ nơi quê anh. Thực ra lúc vẽ tôi không định vẽ một cái chợ nào; chỉ khi vẽ xong tôi chợt nhớ tới một ngôi chợ cũ, nên mới có cái tên chợ Trúc.

ngồi viết những dòng này, tôi nhớ lại hàng chữ của anh, nhớ tới lời hẹn ở lá thư từ một nơi chốn hẻo lánh. Thực sự sự cô đơn chỉ có thể ở bên ngoài bức tranh.

Một phần của tài liệu Ebook Câu chuyện hội họa (Trang 84 - 86)