Sáng tạo nghệ thuật

Một phần của tài liệu Ebook Câu chuyện hội họa (Trang 65 - 67)

Đã từ lâu, tôi được nghe câu chuyện, có vị thiền sư chín năm ngồi yên lặng nhìn bức vách đá. Câu chuyện giản dị có thế; song những lời bàn luận giải thích kể hàng trăm pho sách chưa hết ý.

Trong công việc sáng tạo, người họa sĩ không sử dụng hình sắc như nhà văn sử dụng chữ nghĩa. Không hề là những dấu hiệu quy ước, hình sắc không có khả năng diễn đạt chính xác minh bạch như chữ nghĩa. Hơn nữa vai trò của nghệ thuật không là sự “minh họa” cho tư tưởng, nó không chú trọng đến công việc “tải đạo” như văn chương.

Đối diện khung vải trắng, người làm nghệ thuật cố vượt khỏi thế giới của chữ nghĩa. Hắn tạm tước bỏ danh tính sự vật, để bước vào cõi giới của hình sắc đơn thuần, ở đó sự vật chẳng còn hình tướng ý nghĩa như trong cuộc sống bình thường. Mối bận tâm duy nhất của hắn là làm thế nào tìm được thế hòa hợp quân bình cho sắc màu hình nét do sự hướng dẫn của cảm quan thẩm mỹ. Vùi đầu trong cơn sáng tạo, giây phút ấy không còn vấn đề nội dung và hình thức.

Thái Tuấn trước giá vẽ

Đó là khía cạnh tích cực của công việc sáng tạo. Song dù muốn dù không, trong quá trình sáng tạo sắc màu đường nét sẽ khai mở, đánh thức những suy tư, những tâm sự cùng mọi ảnh hưởng mà nghệ sĩ đã thu nhận từ cuộc sống. Hết thảy những điều đó, có để lại những dấu ấn qua sắc màu hình nét, bút pháp trên tác phẩm thì cũng chỉ là sự phản ứng tự động; đôi khi vượt ra ngoài “ý muốn” nghệ thuật của tác giả. Có thể qua những vết tích ấy người ta sẽ tìm thấy những giá trị khác nhau; giá trị về lịch sử, về tài liệu, về đạo đức, về chính trị, vân vân...

Đó là khía cạnh tiêu cực của công việc sáng tạo đối với nghệ sĩ. “Trong thế kỷ hai mươi này, tôi có nghe nói về nhà danh họa Malevitch; ông đã vẽ một bức họa nhan đề “Carré blanc sur fond blanc”.[1]

Tranh ông không vẽ gì cả chỉ một khoảng trắng vô biên. Có thể là ông đã mong tự xóa bỏ hết dấu vết của mình. Các nhà phê bình nghệ thuật khôn ngoan đều hết lời ca ngợi vẻ đẹp của bức họa. Riêng quần chúng thưởng ngoạn khi đứng trước họa phẩm đều yên lặng kính cẩn, như vị thiền sư nhìn ngắm bức vách đá trên ngọn núi cao.

Trừu tượng

Sơn dầu 92cm x 73cm

Trong chốn luận bàn nghệ thuật, thường ý sinh ra lời song cũng đôi lần lời đẻ ra ý.

Orléans 1991

[1]

Một phần của tài liệu Ebook Câu chuyện hội họa (Trang 65 - 67)