Này em, em có biết

Một phần của tài liệu Ebook Câu chuyện hội họa (Trang 83 - 84)

Đứa bé cúi xuống mảnh giấy, cây bút chì màu trong bàn tay xinh xắn đang tô vẽ những hình nét ngây thơ vụng về. Nét mặt nó hân hoan vui sướng lạ thường, có thể nó đã đặt bước vào cái cõi giới kỳ lạ mà người ta gọi là nghệ thuật rồi chăng? Chính sự say mê của nó, đã dẫn dắt tôi vào một thế giới đầy nghi vấn.

“Này em, em có biết là em đang mê mải làm cái việc mà người lớn gọi là Vẽ không? Em tạo ra chim chóc, cây cỏ và cả khoảng trời xanh. Em làm ra Thơ ra Mộng, những cái đang dần dần biến mất trong cuộc sống”.

Chắc chắn là em chưa hiểu được vẽ là gì? Thơ mộng là gì? Và đẹp là như thế nào.

Một ngày nào đó, em sẽ khôn lớn; được những người khôn ngoan chỉ dạy cho biết phải vẽ ra sao, màu mực nét bút phải như thế nào để tới được sự điêu luyện. Họ cũng sẽ hướng dẫn cho em, nên vẽ những gì và những gì chẳng nên vẽ. Người ta sẽ tập cho em suy nghĩ, sẽ đặt ra những câu hỏi: Vẽ để làm gì? Vẽ cho ai? Sứ mệnh của nghệ thuật phải như thế nào?

Học hỏi cho hết những điều giảng dạy đó, cũng thật gian truân vất vả. Song đó chính là con đường khổ hạnh trong sự tu dưỡng. Lạc vào khu rừng rậm đó, em vẫn chỉ là con chim bé nhỏ cô đơn. Khu rừng già đầy hoa thơm trái ngọt, mà cũng chẳng thiếu gì gai góc rắn rết.

Điều quan trọng vẫn là sự lựa chọn sàng lọc ở nơi mình chủ động. Và rồi em cũng sẽ chẳng có gì đáng hãnh diện, về những điều mình đã lượm nhặt được trên quãng đường đi qua; mặc dù những điều đó, đôi ba trường hợp có thể giúp em tạo thành một bức tranh đẹp. Rồi với một cơ may nào đó, em sẽ tiếng tăm lẫy lừng, tiền bạc dồi dào. Em sẽ thấy mình may mắn hơn cả bao bậc tài danh: Van Gogh, Gauguin, Modigliani, v.v. bởi vì em đã được hưởng thụ ngay tức khắc ở cuộc sống, những gì mà các bậc tài danh bất hạnh đó, cho đến khi từ giã cuộc đời cũng chưa hề biết đến.

Cũng rất có thể chất Thơ Mộng do em làm ra chẳng tạo thành danh vọng tiền bạc. Căn nhà tồi tàn chật hẹp của em sẽ chẳng đủ chỗ cho hàng đống tranh vẽ, kết quả của những năm tháng và năng lực đã tiêu hao và cho dù những chi phí vào công việc sáng tác có lớn lao đến đâu chăng nữa cũng xin đừng tính toán hơn thiệt.

Sự sáng tạo đâu phải là một cái nghề. Có coi là nghề mới thành cái nghiệp. Đã không là nghề thì không thể thành nghiệp.

Thời đại chúng ta ngày nay, văn minh tiến bộ, tác phẩm nghệ thuật đã trở thành những món hàng hóa, bán buôn trao đổi. Chẳng hiểu đó là một sự may mắn hay là điều bất hạnh. Đã nhiều lần hình như tôi nghe được những tràng cười khoái chí của các nhà thơ (không bán được thơ). Vâng quả là như vậy, các bạn đã may mắn hơn; song ở đời có kẻ mua tất có người bán, và chẳng phải Tản Đà cũng đã có thời mơ ước gánh thơ lên bán chợ Trời đó sao? Thơ họa cùng một họ hàng, song có kẻ đem thơ nhuộm thành màu thành sắc để dễ bán buôn. Thật ra có những điều tôi chẳng nên nói với em, tôi thành thật xin lỗi.

Riêng có điều này tâm sự cùng em: Khi em đã tiêu phí hết cuộc đời mình vào việc đuổi bắt cái Thiên đàng Thơ Mộng, chỉ cốt gìn giữ sự hồn nhiên trong sáng của một con người, thì dù muốn dù không em đã là một con người nghệ sĩ; chẳng có gì để phải bận tâm.

Một phần của tài liệu Ebook Câu chuyện hội họa (Trang 83 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)