Hình sắc và tư tưởng trong hành động sáng tạo

Một phần của tài liệu Ebook Câu chuyện hội họa (Trang 68 - 70)

Con người bẩm sinh vốn hướng về những lợi ích cho sự sinh tồn thân xác. Đóa hoa này rực rỡ, trái cây này ngon ngọt, âm thanh này êm ái... Cảm giác lựa chọn thay suy luận, cái nhìn thấy đến trước sự hiểu biết.

Bàn về chuyện sáng tác nghệ thuật, Thạch Đào, một danh họa thời nhà Thanh, đã nhận xét: “Sự cảm thụ đến sau sự hiểu biết không còn là cảm thụ trung thực. Kể từ thời cổ đại đến nay, những nhà tư tưởng lớn thường sử dụng hiểu biết để diễn đạt cảm thụ, cũng như họ đã trí tuệ hóa cảm thụ để khai triển những hiểu biết. Phương thức ấy chỉ có thể áp dụng trong một số vấn đề cá biệt; bởi họ vẫn còn dựa vào sự cảm thụ hạn chế và sự hiểu biết giới hạn”.

Thực vậy, căn cứ vào cảm giác thì giác quan cũng đôi khi nhầm lẫn, vào hiểu biết thì hiểu biết chẳng bao giờ cùng. Điều mà nhà danh họa muốn nói, có thể là sự ngẫu sinh ngẫu phát vô cùng nhanh chóng và đồng loạt của cả hình sắc lẫn tư tưởng trong mọi hành động sáng tạo. Những tín hiệu từ tác phẩm nghệ thuật không là những ký hiệu, có thể nhìn thấy và đo lường, như tia lửa phát sinh từ sự va chạm của vật thể đã tạo thành ánh sáng mà dù mọi lời giải thích cũng không thể sáng tỏ hơn.

Xét cho cùng, mọi sự nhầm lẫn của cảm giác, đôi khi có xảy đến cũng là do sự vướng mắc vào “cái bẫy” của trí tuệ. Người thi sĩ nghe tiếng gió rì rào tưởng đâu lời thì thầm của cỏ cây, người họa sĩ ngắm nhìn làn tóc đẹp tưởng như đám mây bay. Cái không cái có lẫn lộn. Cái có vào nằm trong tác phẩm, tuy có mà không thực; và tiếng thì thầm của cỏ cây và làn mây bay đã trở nên có Thực trong sự cảm thụ của muôn người thưởng ngoạn. Làm thế nào có thể tách rời hoa và trái. Tìm cách phân biệt cái có với cái thực là điều không cần thiết đối với sự thưởng ngoạn.

Không có mơ mộng thì chỉ còn cơm với áo. Đi vào cuộc sáng tạo nghệ thuật nào cũng là bước chân vào cơn mộng mị. Không có tưởng tượng thì cũng không thể có nghệ thuật và thưởng ngoạn.

Trong công việc sáng tác, người nghệ sĩ tạm thoát khỏi sự giam cầm của bao sự ràng buộc từ thực tại do trí óc, từ sự vượt thoát ấy tác phẩm được tạo thành. Tất cả những thảm kịch mà nhân loại đã phải chịu đựng; chẳng qua vì có kẻ lấy mộng mị của mình làm thực tại.

Từ nguồn gốc xa xưa mờ mịt, con người đã lạc lõng trong một vũ trụ không bến bờ; quay cuồng theo thời gian không có sự ngừng dứt; đã cố xuyên thủng màn bí ẩn của vũ trụ thiên nhiên bằng hai sinh hoạt. Sự biểu thị bằng hình ảnh là căn bản cho sinh hoạt nghệ thuật, sự biểu thị bằng tư tưởng là căn bản cho sinh hoạt triết học. Cả hai sinh hoạt ấy tuy khác biệt ở hình thức biểu thị song chẳng thể tách rời. Sự phân chia hình sắc và tư tưởng cũng như phân chia cái đẹp của thiên nhiên với cái đẹp do con người làm ra quả thật đã vô tình quên lãng quy luật của sự chuyển hóa; lầm lẫn cái Có với cái Thực.

Người nghệ sĩ như một tên hề trong trò chơi ảo thuật, làm thế nào hắn có thể từ cái Không lấy ra một bông hoa Thật.

Một phần của tài liệu Ebook Câu chuyện hội họa (Trang 68 - 70)