1.4.2.1. Sự ổn định của nền kinh tế
Sự ổn định hay không ổn định của nền kinh tế, của thị trường là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới hoạt động SXKD của doanh nghiệp. Thị trường vốn ảnh hưởng tới việc huy động vốn của doanh nghiệp, thị trường hàng hóa ảnh hưởng tới việc sử dụng vốn của doanh nghiệp. Nếu các thị trường này phát triển ổn định sẽ là nhân tố tích cực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh. Những biến động xấu, không ổn định của nền kinh tế có thể gây nên những rủi ro trong kinh
doanh mà doanh nghiệp phải lường trước, những rủi ro đó có ảnh hưởng tới các lãi suất huy động vốn, chi phí hàng tồn kho...
1.4.2.2. Hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước
Một trong những công cụ của Nhà nước để điều tiết nền kinh tế là các chính sách tiền tệ, các chính sách tài khóa và các luật theo từng ngành, từng lĩnh vực. Doanh nghiệp chịu sự quản lý của Nhà nước do đó phải tuân thủ chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, như vậy mới tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng. Môi trường pháp lý càng rõ ràng, chặt chẽ bao nhiêu thì doanh nghiệp càng thuận lợi trong việc định hướng và thực hiện.
1.4.2.3. Đặc điểm kinh tế kỹ thuật của ngành kinh doanh
Mỗi ngành nghề kinh doanh khác nhau có đặc điểm kinh tế - kỹ thuật riêng và ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực tài chính của doanh nghiệp. Những đặc điểm đó chi phối đến tỷ trọng đầu tư cho các loại tài sản trong doanh nghiệp, nhu cầu VLĐ. Bên cạnh đó, mỗi ngành nghề kinh doanh lại chịu tác động trước những biến động của nền kinh tế vĩ mô. Đối với doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm có chu kỳ kinh doanh ngắn thì nhu cầu VLĐ giữa các thời kỳ trong năm không có nhiều biến động lớn, doanh nghiệp thường xuyên thu được tiền bán hàng nên dễ dàng cân đối thu chi, cũng như đảm bảo nhu cầu vốn lưu động. Đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có chu kỳ kinh doanh dài thì nhu cầu vốn lưu động lớn hơn.
1.4.2.4. Lãi suất
Là yếu tố tác động rất lớn đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp, đây chính là chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp. Trong công tác huy động vốn, doanh nghiệp luôn phải cân nhắc tới yếu tố lãi suất trước khi đưa ra quyết định. Khi lãi suất tăng sẽ tác động làm giảm đầu tư của doanh nghiệp. Ngoài ra, lãi suất tăng cao tác động làm giảm cầu tiêu dùng của xã hội do xu hướng tiết kiệm tăng và tiêu dùng giảm trong phân bố thu nhập các nhân. Từ đó, HĐKD của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng.
1.4.2.5. Lạm phát
Khi lạm phát tăng cao, việc huy động vốn của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn, ngân hàng nhà nước cũng phải thắt chặt tiền tệ để giảm lượng tiền trong lưu thông, nhưng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp rất lớn, ngân hàng chỉ có thể đáp ứng một số ít khách hàng với những hợp đồng đã ký hoặc những dự án thực sự có hiệu quả với mức độ rủi ro cho phép. Như vậy nếu lạm phát tăng cao có thể làm suy yếu, thậm chí phá vỡ thị trường vốn, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Trong chương 1, tác giả đã khái quát được những lý luận cơ bản giới thiệu về tài chính doanh nghiệp, phân tích TCDN bao gồm: khái niệm vai trò của TCDN, quy trình và thông tin dùng trong phân tích TCDN cùng các phương pháp phân tích trong nội dung phân tích TCDN. Đặc biệt tác giả đã đưa ra nội dung phân tích TCDN gồm: Phân tích tài sản nguồn vốn; Phân tích tình hình tạo vốn và sử dụng vốn; Phân tích cân đối tài sản - nguồn vốn; Phân tích kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh; Phân tích các nhóm chỉ tiêu tài chính. Tác giả cũng đưa ra một số nhân tố ảnh hưởng đến tình hình tài chính doanh nghiệp đã được đề cập. Đây là cơ sở nền tảng cho phân tích tài chính doanh nghiệp ở chương 2: Phân tích tình hình tài chính tại Công ty TNHH MTV Trường Thọ Sơn La giai đoạn từ năm 2017 - 2019.
CHƯƠNG 2. PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH TẠI CÔNG TY TNHH MTV TRƯỜNG THỌ SƠN LA