Hạn chế tín dụng là hiện tượng phổ biến đối với nông hộ ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở nông thôn các nước đang phát triển như nước ta. Nguyên nhân của hiện tượng này được các nhà nghiên cứu đúc kết một cách khá đầy đủ, đó là do thông tin bất đối xứng (với hệ quả là lựa chọn sai lầm và động cơ lệch lạc) và chi phí giao dịch. Hạn chế tín dụng ảnh hưởng đến cách thức phân bổ vốn cho yếu tố đầu vào và năng suất nông nghiệp của nông hộ. Một số lượng khá phong phú các nghiên cứu thực nghiệm đã được thực hiện để lý giải và minh chứng cho các khía cạnh này. Mục tiêu của chương này là lược khảo các nghiên cứu có liên quan để củng cố thêm cơ sở lý thuyết và thực tiễn của luận án, đồng thời đảm bảo tính khoa học cho các phân tích và lập luận trong luận án.
2.1 CÁC NGHIÊN CỨU VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA HẠN CHẾ TÍN DỤNG ĐẾNPHÂN BỔ VỐN CHO YẾU TỐ ĐẦU VÀO TRONG SẢN XUẤT CỦA NÔNG HỘ PHÂN BỔ VỐN CHO YẾU TỐ ĐẦU VÀO TRONG SẢN XUẤT CỦA NÔNG HỘ
Sản xuất lúa là hoạt động kết hợp các yếu tố đầu vào (đất, phân bón, nông dược và lao động) để tạo ra sản phẩm. Ở các nước đang phát triển, năng suất của các yếu tố đầu vào tùy thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất của nông hộ – chủ thể quan trọng nhất của sản xuất lúa. Hoạt động sản xuất lúa đã dần chuyển đổi từ quảng canh sang thâm canh với việc sử dụng ngày một nhiều các yếu tố đầu vào, đặc biệt là phân bón vô cơ và nông dược sản xuất trong và ngoài nước, để làm tăng năng suất lúa. Trong phương thức sản xuất đó, lúa sản xuất ra được sử dụng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên khắp thế giới, dẫn đến việc phức tạp hóa các quyết định sản xuất từ việc sử dụng yếu tố đầu vào và lượng sản phẩm đầu ra (lúa) cần có vào những thời điểm nhất định.
Trên nguyên tắc, đất và lao động là hai yếu tố đầu vào căn bản của sản xuất lúa nói riêng và của sản xuất nông nghiệp nói chung. Tuy nhiên, thâm canh trong sản xuất lúa chính là quá trình thay thế hai loại yếu tố đầu vào này bằng vốn. Vốn cho phép nông hộ tăng cường kiểm soát quá trình sản xuất, chẳng hạn như chuẩn bị đất tốt hơn để làm tăng độ màu mỡ thông qua việc sử dụng phân bón vô cơ hay kiểm soát sâu bệnh bằng cách điều chỉnh lượng nông dược sử dụng. Vốn – với vai trò là yếu tố đầu vào quan trọng – sẽ giúp nông hộ khắc phục được sự thiếu hụt của các yếu tố đầu vào để làm tăng năng suất của đất đai và lao động, qua đó làm tăng thu nhập cho nông hộ. Trong phương thức sản xuất lúa truyền thống, nông hộ kiểm soát hầu hết yếu tố đầu vào được sử dụng nhưng trong phương thức sản xuất lúa hiện đại nông hộ hầu như không thể làm điều đó. Điển hình nhất là nông hộ phụ thuộc vào đại lý vật tư nông nghiệp về loại phân bón và nông dược sử dụng để kiểm soát dịch bệnh trên cây lúa do thiếu thông tin thị trường và thiếu kiến thức khoa học cần thiết bởi trình độ học vấn có thể còn hạn chế. Khi đó, chất lượng,
số lượng và hiệu quả (hay giá trị năng suất biên) của yếu tố đầu vào không còn phụ thuộc vào năng lực nội tại của nông hộ mà phụ thuộc vào số lượng vốn mà nông hộ có được cũng như thực trạng thị trường đầu vào – yếu tố hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát của nông hộ. Khi đó, lượng vốn sản xuất thay đổi, hành vi sử dụng yếu tố đầu vào của nông hộ cũng sẽ thay đổi theo, thậm chí rất đáng kể.
Nông hộ sản xuất lúa với phương thức sản xuất hiện đại đáp ứng rất nhanh nhạy đối với các tín hiệu ngoại biên như chính sách của chính phủ (chẳng hạn như quy định hạn chế sử dụng các loại yếu tố đầu vào độc hại) và giá yếu tố đầu vào trên thị trường. Sự liên kết không gian của phương thức sản xuất lúa hiện đại để tận hưởng tính kinh tế quy mô trong việc cung ứng yếu tố đầu vào và bán sản phẩm cũng có ảnh hưởng đáng kể thông qua chuỗi giá trị sản phẩm (lúa gạo) trải dài từ nông thôn đến thành thị và ra tận nước ngoài, chẳng hạn như ở các nước có lượng lúa gạo dôi dư. Hệ quả của hiện tượng này là thu nhập của nông hộ trồng lúa gia tăng, dẫn đến việc thay thế lao động bằng các công nghệ mới và yếu tố đầu vào khác trong sản xuất (máy móc làm đất hay nông dược). Một hiện tượng nữa là sự gia tăng trong áp lực cạnh tranh giữa các nông hộ khi nhu cầu của người tiêu dùng đối với lương thực (và ngay cả thực phẩm) giảm đi do thu nhập tăng, dẫn đến việc cố gắng cắt giảm chi phí sản xuất nên nhu cầu đối với lao động sử dụng trong sản xuất lúa giảm dần. Trong phương thức sản xuất lúa hiện đại, khi một số kỹ năng của nông hô bị thui chột (như chọn giống), một số kỹ năng khác được bổ sung, chẳng hạn như tìm kiếm và sử dụng các loại yếu tố đầu vào mới. Do việc tăng năng suất lao động và năng suất đất đai là điều kiện tiên quyết đối với sự tồn tại của các nông hộ trong phương thức sản xuất hiện đại, việc tiếp cận vốn để đầu tư cho các yếu tố đầu vào và vận dụng kỹ thuật sản xuất mới trở nên hết sức cần thiết. Đó cũng là yếu tố làm thay đổi hành vi sử dụng yếu tố đầu vào của nông hộ trên cơ sở điều kiện nguồn vốn có được (Kochar, 1997).
Theo Kochar (1997), khác biệt trong khả năng tiếp cận tín dụng chính thức là nguyên nhân của khác biệt trong hành vi sử dụng yếu tố đầu vào trong sản xuất giữa các nông hộ. Nếu vì bị hạn chế tín dụng mà nông hộ sử dụng yếu tố đầu vào không hợp lý thì năng suất và sản lượng sẽ bị giảm. Do đó, điều cần thiết là phát triển thị trường tín dụng nông thôn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển nơi cung ứng phần lớn nông sản trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả của việc phát triển thị trường tín dụng nông thôn, thị trường yếu tố đầu vào cũng cần được quan tâm đúng mức bởi thị trường này có ảnh hưởng đáng kể đến năng suất và sản lượng nông sản. Ở những nơi nông hộ sản xuất với quy mô nhỏ, đất đai manh mún, thiếu vốn và hệ thống kết cấu hạ tầng kém phát triển, nhu cầu đối với vốn (lưu động) cho sản xuất của nông hộ mặc dù không lớn nhưng lại khó tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức. Trong trường hợp đó, nhiều nông hộ có thể không vay tín dụng phi chính thức mà có thể vay (mượn) từ họ hàng hay người thân với lãi suất thấp hay thậm chí bằng không hay mua chịu vật tư nông nghiệp. Nông hộ cũng có thể cho thuê bớt đất để có vốn sử dụng cho sản xuất hay hạn chế lượng yếu tố đầu vào cho sản xuất để tránh rơi vào tình trạng nợ nần dai dẳng. Từ