KHÔNG VUI VÌ CẢNH, KHÔNG BUỒN VÌ MÌNH

Một phần của tài liệu Ebook Sức mạnh của tĩnh tâm: Phần 2 (Trang 25 - 27)

Mạnh Tử nói: “Khi nghèo khổ không làm trái với nhân nghĩa, khi phát đạt không từ bỏ đạo lí”. Ngoài ra, Mạnh Tử còn dạy người đời không nên dao động vì thế giới bên ngoài, không làm chuyện trái với lễ nghĩa nhân đức, làm được vậy thì cho dù có tai họa giáng xuống, cũng có thể thản nhiên đối mặt.

Có một lần, Công Tôn Sửu hỏi Mạnh Tử: “Nếu Phu Tử có thể trở thành khanh tướng của nước Tề, phát triển vương đạo chính trị, như vậy nước Tề nhất định sẽ có thể xưng bá chư hầu. Nhưng một khi Người thật sự gánh vác trọng trách này, thì liệu Người còn có thể giữ được tâm trí không hề động nữa không?”

Mạnh Tử đã liệt ra hai phương pháp có thể khiến người ta không động tâm trí.

Thứ nhất là “tri ngôn”. “Tri ngôn” ở đây là để chỉ có thể hiểu và phán đoán một cách chính xác lời nói của người khác. Mạnh Tử nói, nghe thấy lời nói không thỏa đáng thì biết đối phương bị tư niệm che mắt; nghe thấy lời dâm tà thì biết trong lòng đối phương có tà niệm; nghe thấy lời tà ác thì biết đối phương hành sự không theo chính đạo; nghe thấy lời mập mờ thì biết đối phương đang lưỡng lự khó quyết. Cũng có nghĩa là, có khả năng phán đoán sáng suốt thì sẽ không bị những chuyện nhỏ nhặt làm cho lung lạc, càng không để nội tâm của mình bị lung lay. Thứ hai là “tính tình cương trực”, là thứ tự nhiên gặt hái được trong quá trình thực hành theo đạo nghĩa, vì thế, khi tấm lòng ngay thẳng thì tính tình cương trực sẽ tự nhiên mà có.

Trong Luận ngữ có câu chuyện như sau: Khổng Tử đưa các học trò chu du các nước, ở nước Trần bị cuốn vào một cuộc tranh chấp chính trị. Liên tiếp mấy ngày, thầy trò bị kẹt ở nước Trần, không có thức ăn, cũng chẳng thể rời đi. Tử Lộ không kìm được hỏi: “Quân tử lẽ nào đáng bị cuốn vào thời vận bi thảm như vậy sao?” Khổng Tử nghe xong chỉ trả lời: “Bất kì người nào thời vận cuộc đời đều có tốt có xấu, quan trọng là làm thế nào để điều khiển được nó trong nghịch cảnh”.

Đúng vậy, trong cuộc sống chắc chắn sẽ có lúc chúng ta vì gặp chuyện không như ý mà nảy sinh tâm trạng bi quan. Tuy nhiên, chúng ta cần tin tưởng rằng, sự không như ý này không phải là trạng thái vĩnh hằng. Khi mây đen tan biến, gió lành thổi tới, tự nhiên sẽ có ánh nắng chiếu xuống. Vì thế hãy tĩnh tâm chờ đợi ánh nắng, không nên hoảng hốt lúng túng, được thuận lợi đừng kiêu ngạo, gặp nghịch cảnh chớ nản lòng.

Một hôm, có mấy người bạn cùng tới một thác nước lớn để thưởng lãm phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, dòng nước đổ xuống từ độ cao hai ba mươi trượng tung bọt trắng xóa rồi cuốn đi xa hàng chục dặm, cảnh sắc vô cùng tráng lệ. Nơi thác nước chảy xuống tạo thành đầm sâu, nước cuồn cuộn chảy xiết.

Đúng lúc ấy, chợt họ thấy một chàng trai xuất hiện bên sông, nhảy xuống dưới đầm sâu. Mọi người tưởng rằng người ấy nghĩ quẩn, liền vội vàng chuẩn bị ứng cứu. Không ngờ chẳng bao lâu sau, anh chàng này ngoi lên khỏi mặt nước, ung dung lên bờ.

Mọi người bèn đi tới hỏi: “Anh bạn có thể tự do tự tại bơi lội trong nước sâu nguy hiểm như vậy, có bí quyết gì không?” Người này trả lời: “Không có bí quyết gì cả, tôi chỉ bơi theo bản năng, thuận theo tự nhiên mà thôi. Khi nhảy xuống nước, tôi liền để cơ thể mình chìm xuống tận đáy cùng với vòng xoáy mà nước tạo thành, sau đó lại thuận theo dòng nước để nổi lên, chỉ cần thuận theo dòng nước là có thể điều khiển được dòng nước chảy xiết.”

Đúng vậy! Bơi theo bản năng, sống theo bản năng, sống ở đất liền thì yên ổn ở đất liền, sống ở dưới nước thì yên ổn dưới nước, đây chính là thuận theo tự nhiên. Sở dĩ chàng trai này có thể chế ngự được sóng lớn cuồn cuộn đơn giản như vậy, chính là vì anh ta không ước đoán theo chủ quan mà thuận theo tự nhiên, tôn trọng quy luật khách quan của tự nhiên. Cách đối nhân xử thế của con người cũng như vậy, tĩnh

tâm lại, thuận theo quy luật của thế sự vạn vật, tự nhiên sẽ có thể làm chủ được tình thế.

“Không vui vì cảnh, không buồn vì mình”, chính là giúp cho chúng ta giữ được một “trái tim tĩnh” để hiểu được rằng, có một số thứ ta sẽ không thể có được, với những thứ ta không có được thì nên thản nhiên từ bỏ, làm được điều này thì ta mới sống một cách thoải mái vui vẻ. Giữ được một “trái tim tĩnh” còn biểu hiện ở thái độ khi phải đối mặt với danh dự và khó khăn. Chỉ khi biết từ bỏ hào quang đẹp đẽ thì mới có thể bước đi nhẹ nhàng hơn; biết đón nhận khó khăn mới có thể vượt qua trở ngại, đón nhận con đường rộng mở phía trước. Cho dù là thuận cảnh hay nghịch cảnh thì cũng đều là tài sản quý báu mà cuộc đời ban tặng cho ta. Khi biết trân trọng và lĩnh hội được tất cả những điều đó, ta sẽ có thể lĩnh hội được đạo lí sâu xa của hai chữ “yên tĩnh”.

Phạm Trọng Yêm trong Nhạc Dương lầu kí có viết rằng: “Không vui vì cảnh, không buồn vì mình, ở miếu đường trên cao, tất lo cho dân; ở sông nước ngoài xa, tất lo cho vua. Dù tiến cũng lo, lui cũng lo; vậy thì vui được khi nào đây? Tất nói là: Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ vậy!” Phạm Trọng Yêm là người thanh bạch liêm khiết, cuộc sống cá nhân khá cần kiệm, tuy làm quan tới chức tể tướng, nhưng lúc nào cũng yêu cầu nghiêm khắc đối với bản thân và gia thuộc. Năm sáu mươi mốt tuổi, ông nhậm chức Tri châu Hàng Châu, có người kiến nghị ông kiến tạo vườn tược. Phạm Trọng Yêm khéo léo từ chối: “Nếu con người đã có được niềm vui vì giữ đạo nghĩa, thì đến thân thể mình cũng còn chẳng thiết, huống hồ là chuyện cái nhà để ở!” Qua đây, có thể thấy được sự ung dung, thoát tục của ông trong đối nhân xử thế. Ngày nay, câu “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” đã trở thành câu tổng kết sâu sắc về đức tính cao thượng của các nhân sĩ trong lịch sử. Còn “Không vui vì cảnh, không buồn vì mình” cho chúng ta một sự gợi ý đối với vấn đề xử lí buồn vui. Năm xưa Phạm Trọng Yêm viết bài kí này, một là để trùng tu Nhạc Dương Lâu, hai là để khuyên người bạn Đằng Tử Kinh. Đằng Tử Kinh bị người ta hãm hại, giáng chức tới Nhạc Châu, trong lòng bất bình. Phạm Trọng Yêm dùng nghệ thuật trong bài Nhạc Dương Lâu để bày tỏ thái độ xử thế thuận theo tự nhiên của mình, không vì hoàn cảnh khách quan bên ngoài mà nhiễu loạn tâm trí, nhìn nhận mọi chuyện đều bằng con mắt lạc quan, nghĩ thoáng hơn một chút, nhìn xa hơn một chút. Suy cho cùng, mọi sự buồn vui cũng vậy, chúng ta đều nên học cách tự điều tiết, giảm bớt lo lắng trong lòng, tìm niềm vui cho bản thân. Hãy hướng tầm nhìn ra xa một chút, không để mình bị vây hãm trong cảnh ngộ trước mắt, càng không để bị cái lợi nhỏ nhoi mê hoặc, để mình làm một “dòng nước” trong mát, chảy mãi, vô tận, không ngừng…

Một phần của tài liệu Ebook Sức mạnh của tĩnh tâm: Phần 2 (Trang 25 - 27)