TÂM MANG TỪ BI, GIÓ LỚN THỔI CŨNG KHÔNG ĐỘNG

Một phần của tài liệu Ebook Sức mạnh của tĩnh tâm: Phần 2 (Trang 27 - 31)

Trong thiên Nội thiên (sách Trang Tử) viết: “Nếu có sự thiên vị (thân) thì không được coi là người nhân”. Có học giả cho rằng, giữa “thân” và “nhân” có sự khác biệt. Nếu như khái niệm “Nhân” mà Nho gia đưa ra là để chỉ thứ tình yêu thương có giới hạn, trước tiên là người thân, sau đó là “người già cả trong gia đình rồi mới đến người già cả nhà người khác, trẻ nhỏ trong gia đình rồi mới đến trẻ nhỏ nhà người khác”, thì nhà Phật lại nhấn mạnh từ bi bình đẳng, yêu tất thảy chúng sinh trong nhân gian. Vì thế có người nói đùa, nếu mẹ của Khổng Tử và Thích Ca Mâu Ni cùng rơi xuống sông, chắc chắn Khổng Tử sẽ không chút do dự cứu mẹ của mình trước, sau đó mới cứu mẹ của đối phương, còn Thích Ca Mâu Ni thì sẽ bình đẳng, không phân biệt. Do vậy, Trang Tử mới nêu lên quan điểm của mình về vấn đề này. Nói tới đây, tôi chợt nhớ tới một câu chuyện thú vị.

Người nông dân nọ có vợ vừa mới qua đời, để cầu siêu cho vợ, ông thỉnh Vô Tướng Thiền sư tới nhà đọc kinh. Sau khi làm lễ xong, người nông dân hỏi: “Bạch thầy, vong linh của vợ con có được hưởng lợi lạc nhờ buổi lễ này không ạ?” Vô Tướng Thiền sư trả lời: “Phật pháp như con thuyền từ bi, có thể phổ độ chúng sinh; Phật pháp đồng thời cũng giống như ánh mặt trời, có thể chiếu sáng mặt đất, vì thế không chỉ vợ của con được lợi lạc nhờ đó, mà tất thảy chúng sinh hữu tình trên thế gian đều có thể được lợi từ đó”.

Người nông dân tỏ vẻ không vui: “Vợ của con rất yếu đuối, sao có thể để người khác cướp mất phần lợi lạc này của nàng, cướp đi công đức của nàng được? Xin Người hãy cúng lại một lần, lần này chỉ đọc kinh siêu độ cho nàng được không?”

Vô Tướng Thiền sư nhìn thấy tính cách ích kỉ của người nông dân nhưng vẫn mở lòng từ bi để dẫn dắt ông ta: “Con nhìn đi, trên trời tuy chỉ có một mặt trời nhưng lại có thể khiến tất cả cỏ hoa cây cối được chiếu sáng; tuy chỉ có một hạt giống nhưng lại có thể mọc thành cây to, kết ra hàng ngàn hàng vạn quả. Chúng ta cũng có thể dùng tấm lòng từ bi để thắp sáng một ngọn nến, sau đó thắp sáng hàng ngàn hàng vạn ngọn nến khác, thế giới này nhờ đó mà trở nên rực sáng, còn ngọn nến của bản thân con cũng không vì người khác được cùng ở dưới ánh sáng mà trở nên yếu ớt đi. Nếu ai ai cũng có thể hiểu được đạo lí này, thì mỗi người chúng ta sẽ vì sự khai ngộ của hàng ngàn hàng vạn người mà được nhận công đức, chuyện tốt như vậy vì sao không vui vẻ làm? Vì thế, chúng ta nên bình đẳng với chúng sinh trên thế gian bằng một tấm lòng từ bi.”

Mỗi người chúng ta đều khó tránh khỏi có tâm niệm tư lợi, đây cũng là khiếm khuyết trong bản tính của cả nhân loại, nhưng khiếm khuyết này không phải là không thể thay đổi. Chúng ta nên hiểu rằng, thái độ của chúng ta khi đối xử với người khác - xét từ một góc độ nào đó - cũng chính là thái độ của chúng ta đối với bản thân. Nếu mỗi người đều giữ tính ích kỉ, chỉ biết đến mình, thì thế giới này sẽ trở thành một thế giới tăm tối, thiếu tình yêu thương và sự lương thiện.

Nam Hoài Cẩn(14) từng nói: “Văn hóa Trung Quốc đề cao chí công vô tư, ‘không có hình tượng của ta, của người, của chúng sinh, không có cái gì lâu dài cả’(15); cứu độ hết chúng sinh trong thiên hạ, trong lòng không giữ một tư niệm nào. Như thế mới là chí công vô tư thực sự, mới là bồ tát thật sự”.

Một hôm, khu rừng nọ bị cháy, rất nhiều cây cối bị thiêu rụi, các loài động vật buộc phải bỏ đi, chạy tán loạn khắp nơi.

Lúc ấy, một con chim trĩ quyết định cố gắng dùng hết sức mình để dập tắt đám cháy. Nó bay tới dòng sông ở xa, lao mình xuống nước, làm ướt đẫm bộ lông rồi lại bay vào rừng dập lửa.

Cứ như thế chim trĩ bay đi bay lại không biết mệt mỏi, tuy việc làm của nó chỉ như muối bỏ biển, nhưng nó vẫn không tiếc sức lực kiên trì bay tiếp.

Về sau, Thượng Đế cũng chú ý tới chú chim này, liền hỏi nó: “Vì sao con lại làm như vậy?”

Chim trĩ trả lời: “Con muốn dập tắt ngọn lửa, để các động vật trong rừng đều có thể quay về nhà. Tuy con nhỏ bé yếu ớt, nhưng vẫn có sức mạnh của mình, vì sao không thử chứ?”

Thượng Đế lại hỏi: “Sức lực của con nhỏ bé như vậy, chắc chắn không thể dập được lửa. Con định kiên trì bao lâu?”

Chim trĩ quật cường nói: “Con sẽ bay đi bay lại như thế, đến tận khi con không thể bay được nữa”. Chú chim “ngốc nghếch” này đã dùng tấm lòng từ bi của mình để mong cứu được các loài động vật khác trong rừng. Tấm lòng của nó đã vượt qua tình yêu dành cho bản thân, sự tốt bụng của nó cuối cùng cũng làm cảm động Thượng Đế nên không lâu sau đó, Thượng Đế đã tạo nên một trận mưa lớn, giúp chú chim dập tắt ngọn lửa đang thiêu đốt khu rừng.

Lỗ Tấn có câu thơ: “Vô tình vị tất chân hào kiệt, liên tử nhu hà bất trượng phu”. (Vô tình chưa hẳn là hào kiệt, ai bảo thương con không trượng phu). Cả đời ông luôn tâm niệm lí tưởng “lập nhân”, hướng ngòi bút phê phán tới sự nô dịch và áp bức con người trong xã hội. Một đại trượng phu như vậy lại có thể bộc lộ tình cảm thương yêu đối với con cái, chính tấm lòng ấy đã khiến ông càng trở nên đáng kính và gần gũi hơn.

Một hôm, Hoằng Nhất pháp sư tới nhà Phong Tử Khải chơi. Phong Tử Khải mời ông ngồi xuống ghế mây trong vườn. Hoằng Nhất pháp sư khẽ đung đưa ghế mây, sau đó mới từ từ ngồi xuống. Phong Tử Khải cảm thấy khó hiểu, bèn hỏi nguyên nhân. Hoằng Nhất pháp sư cười nói: “Lúc nãy ông không chú ý, giữa hai đầu ghế có mấy con côn trùng, nếu ta ngồi xuống ngay lúc ấy, chắc chắn sẽ đè chết chúng, vì thế phải rung trước để chúng chạy đi”.

Có người cho rằng, đối với công chúng thì quyền lực duy nhất là pháp luật, còn đối với cá nhân thì quyền lực duy nhất chính là lương tâm. Đúng vậy, cho dù mỗi sinh mệnh nhỏ bé đến đâu cũng đều có chỗ đứng riêng trên thế gian này. Hoằng Nhất pháp sư đã dùng trái tim từ bi để xót thương đến cả loài côn trùng nhỏ bé, thực là lòng nhân từ cao cả. Mang trong mình tấm lòng lương thiện không chỉ có thể khiến người khác cũng cảm nhận được sự lương thiện và tốt đẹp của bạn, mà còn có thể giúp bạn có được sự yên bình trong nội tâm.

Một phần của tài liệu Ebook Sức mạnh của tĩnh tâm: Phần 2 (Trang 27 - 31)