TĨNH TỌA TĨNH TÂM

Một phần của tài liệu Ebook Sức mạnh của tĩnh tâm: Phần 2 (Trang 64 - 67)

Các vị Thiền sư đã tổng kết “thiền” là “nguồn năng lượng tốt lành của tự nhiên”. Họ cho rằng, mỗi người từ khi sinh ra đều mang trong mình nguồn năng lượng tốt lành này, nó có thể khiến chúng ta vui vẻ, yên bình, năng lượng này không nên chỉ bó hẹp trong thế giới cá nhân nhỏ bé, mà nên khuếch tán rộng ra với tất cả đại chúng. Con người nhờ được nhận “ân huệ” của tự nhiên ban cho nên mới xuất hiện và sinh tồn, phát triển trên đời này, vì thế nguồn năng lượng này là năng lượng quý báu mà vũ trụ ban tặng cho chúng ta.

Có lẽ lời tổng kết trên khiến bạn cảm thấy có chút khó hiểu, nhưng nếu suy nghĩ kĩ một chút thì bạn sẽ nhận ra rằng, dụng ý của họ chính là bảo chúng ta cố gắng tiếp cận thật nhiều với tự nhiên, dùng cơ thể để cảm nhận năng lượng nguyên thủy của tự nhiên. Cái gọi là “năng lượng tốt lành của tự nhiên” cũng chính là để chỉ “khả năng tự bình thường hóa” - một món quà của tự nhiên ban cho mỗi người. Phương thức tĩnh tọa giúp ta có thể khai thác khả năng “tự bình thường hóa” này, để chúng ta có thể sống thoải mái hơn, đồng thời khi tĩnh tọa, ta còn có thể kết hợp với các phương pháp hô hấp để dẫn dắt bản thân bước vào con đường yên tĩnh và lành mạnh.

Thông qua tĩnh tọa, chúng ta có thể dùng “giới, định, tuệ” trong “thiền” để điều tiết cơ thể, bởi thực ra, tĩnh tọa vốn dĩ là một phương pháp của “thiền”. Ngoài ra còn có đứng thiền, nằm thiền… Nhưng đối với quảng đại quần chúng, có lẽ ngồi thiền là phương pháp điều tiết thân thể thuận tiện và tương đối dễ thực hiện.

Ở Nhật có một vị Thiền giả tên là Ryomin Akizuki, sống thọ 96 tuổi. Khi còn sống, ngày nào ông Akizuki cũng dùng phương thức tĩnh tọa để tu thân dưỡng tính. Ông còn nhấn mạnh, những viên chức ở thành phố với công việc bận rộn đặc biệt thích hợp với việc dùng phương thức tĩnh tọa để thư giãn tâm hồn. Đối với tĩnh tọa, có nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về nó, đó là cần phải chọn tư thế ngồi tập trung sức ở vùng bụng. Thực ra khi tĩnh tọa, tốt nhất là thả lỏng sức mạnh của toàn thân, dồn trọng tâm của cơ thể xuống phía dưới đất, sau đó tập trung toàn bộ ý nghĩ vào vị trí dưới rốn, cảm nhận phần bụng đang chịu áp lực, đồng thời kiên trì không tùy tiện thả lỏng. Dĩ nhiên cũng không được dùng lực quá mức. Nếu phải kết hợp với phương pháp hít thở thì cần vận khí vào đan điền, để toàn bộ cơ thể đạt được trạng thái hít thở sâu.

Tĩnh tọa không chỉ là một phương pháp bảo vệ sức khỏe, cũng không chỉ là tu dưỡng nhân cách và tinh thần, mà còn là một phương thức hữu hiệu khiến chúng ta bước vào cảnh giới tạm thời quên đi được những rối ren của trần thế, an thần tĩnh khí. Sau khi tĩnh tọa, dù phải quay về với những rối ren trong thực tại, ta cũng sẽ không còn cảm thấy buồn bực bất an như trước, mà sẽ đối mặt với tất cả bằng tâm trạng bình hòa.

Phương pháp tĩnh tọa thực tế

Ở đây, chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn một phương pháp tĩnh tọa trong cuộc sống thực tế, khi mệt mỏi hãy thử dùng phương pháp này để xoa dịu tâm hồn.

Điều thân: Lựa chọn một nơi thoải mái, ngồi khoanh chân, thẳng người. Tay phải cầm ngón cái của chân phải, đặt lên đùi của chân trái; sau đó dùng phương thức tương tự đặt chân trái lên đùi của chân phải, khiến hai chân áp sát phần bụng dưới hết mức, hai chân ở trong trạng thái giao nhau. Sau khi hoàn thành động tác trên, điều chỉnh tư thế của toàn thân, tốt nhất là để dáng ngồi có dạng chùy ba góc, nửa thân trên giữ thẳng. Trước tiên đừng vội nhắm mắt, bởi vì một khi nhắm mắt, ý thức sẽ rất dễ rơi vào bóng tối, tĩnh tọa có thể trở thành ngủ! Tư thế ngồi tốt nhất là “mắt nhìn mũi, mũi nhìn tim”.

Điều tức: Sau khi đã điều chỉnh xong tư thế của cơ thể, bạn bắt đầu điều tiết tâm trạng. “Điều tức” ở đây là điều chỉnh hô hấp, để hơi thở bình ổn, từ đó khiến tâm trạng của bản thân dần dần ổn định. “Hô hấp theo kiểu đan điền” là một phương thức hô hấp khi tĩnh tọa. Thời gian hít vào ngắn hơn một chút, lợi dụng áp lực của bụng dưới, từ từ đưa không khí ra từ phía dưới rốn; khi thở ra, cố gắng kéo dài hơi thở. Trong khoảng thời gian không khí đi vào đi ra, cảm nhận đan điền trở nên tràn đầy. Trong quá trình hô hấp, không được dùng lực quá mức mà hãy lượng sức mà làm, đồng thời giữ cơ ở hậu môn trong trạng thái co chặt. Lúc bắt đầu tĩnh tọa, cần chú ý khống chế những điều này một cách có ý thức, qua luyện tập thời gian dài sẽ càng ngày càng thuần thục.

Điều tâm: Điều tâm khi tĩnh tọa cũng có thể kết hợp phương pháp hô hấp “đếm hơi thở”. Khi đan điền hít thở lần đầu tiên, thầm đếm “một”; khi hít thở lần tiếp theo, trong lòng thầm đếm “hai”, cứ tiếp tục như vậy cho đến khi đếm tới “mười”. Sau đó căn cứ vào tình hình cơ thể để lặp lại, dần dần có thể bước vào cảnh giới tĩnh tâm quên mình.

Những vấn đề nhỏ nên chú ý khi tĩnh tọa

Phải có lòng kiên nhẫn. Lúc mới bắt đầu tĩnh tọa rất dễ bị tình trạng tâm trạng không yên, lúc này bạn hãy thử cho bản thân thêm chút thời gian, thông qua tĩnh tọa dần dần xoa dịu tâm trạng bồn chồn.

Phải có niềm tin. Nếu bạn cứ nghi ngờ, sốt ruột thì bản thân sẽ rất khó để có thể bình tĩnh, vậy thì làm sao có thể tĩnh tọa được? Bạn cần phải tin rằng, thông qua tĩnh tọa, nhất định có thể xua đi sự mệt mỏi của cơ thể và sự căng thẳng của tinh thần, sau đó dồn toàn bộ sự chú ý vào đó, như vậy công hiệu của tĩnh tọa sẽ tăng lên gấp đôi.

Khi tĩnh tọa nên lựa chọn trang phục rộng rãi, thoải mái, để từ thân đến tâm đều dễ dàng thoát khỏi sự trói buộc.

Một phần của tài liệu Ebook Sức mạnh của tĩnh tâm: Phần 2 (Trang 64 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)