MỈM CƯỜI, PHƯƠNG PHÁP TĨNH TÂM TỐT NHẤT

Một phần của tài liệu Ebook Sức mạnh của tĩnh tâm: Phần 2 (Trang 70 - 74)

Mỉm cười là quyền lợi mà Thượng Đế ban tặng cho con người, đó không những là biểu cảm đơn giản nhất mà còn là biểu cảm quý báu nhất, đẹp đẽ nhất của loài người. Có người nói cuộc sống chính là một tấm gương, nếu bạn mỉm cười với nó, nó cũng sẽ mỉm cười với bạn; nếu bạn khóc lóc, cuộc sống sẽ trả lại bạn một bộ mặt xấu xí. Dùng phương thức mỉm cười để tĩnh tâm, đơn giản dễ thực hiện nhưng lại khiến con người có được rất nhiều, vậy thì vì sao ta không chịu cười nhiều hơn?

Hôm nay bạn đã cười chưa? Đây là câu hỏi đầu tiên mà chúng ta nên tự hỏi bản thân vào mỗi sáng khi mở mắt.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chứng minh rằng, nụ cười có thể chữa trị đau đớn. Thường xuyên mỉm cười có thể đẩy nhanh hoạt động ở phổi, tăng thêm lượng khí hô hấp, từ đó thúc đẩy tuần hoàn máu, khiến máu có được nhiều oxi hơn, từ đó hỗ trợ ngăn ngừa sự xâm nhập của virus. Đồng thời, không chỉ về phương diện sinh lí, mà mỉm cười còn có thể khiến chúng ta có được lợi ích về mặt tâm lí. Chúng ta đều mang trong mình ước vọng về cuộc sống tươi đẹp, nhưng những người chỉ biết mong chờ suông mà không hành động thì mãi mãi cách hạnh phúc rất xa. Một năm bắt đầu từ mùa xuân, một ngày bắt đầu từ buổi sáng, vì vậy buổi sáng là khởi đầu cho một ngày mới tươi sáng. Khi ánh nắng mặt trời ấm áp hắt vào bệ cửa sổ, nhẹ nhàng vuốt ve khuôn mặt bạn, bạn cảm nhận thấy tiếng gọi của ánh nắng, từ từ mở mắt, đón chào một ngày mới. Thượng Đế ban cho chúng ta mỗi ngày mới, vậy vì sao ta không để mỗi ngày đều có được sự khởi đầu vui vẻ?

Sau khi bừng tỉnh từ trong giấc mộng, chúng ta đứng trước gương, nở nụ cười đẹp nhất, để một ngày bắt đầu trong tiếng cười, một ngày tươi đẹp đang vẫy tay với bạn, tôi tin rằng một ngày có khởi đầu như thế này cũng sẽ có thể được khép lại trong tiếng cười.

Người ta nói, thái độ quyết định tất cả. Trạng thái cuộc sống lí tưởng liên quan tới thái độ của bạn với cuộc sống. Bạn mỉm cười với cuộc sống, cuộc sống cũng sẽ đáp lại bạn bằng một nụ cười. Mỉm cười là “bí quyết” của riêng mỗi chúng ta, cho dù là thuận buồm xuôi gió hay gặp trắc trở, hãy nhớ giữ nụ cười để nội tâm của chúng ta càng bình tĩnh, an định và yêu đời hơn.

Mỗi ngày chúng ta đều phải đối mặt với những chuyện vặt vãnh lớn nhỏ, có xấu có tốt, có dễ có khó, có chuyện cần chúng ta động não giải quyết, có chuyện cần chúng ta phóng khoáng rũ bỏ. Chúng ta hãy từng chút từng chút một gỡ bỏ những thứ dây dưa, rắc rối đang ràng buộc mình. Nếu không thể giữ được một trái tim ung dung, bình tĩnh thì sẽ rất dễ bị sự rối bời của cuộc sống làm cho tâm trạng không yên. Mỉm cười có thể cho chúng ta sức mạnh để đối mặt với cuộc sống, có thể khiến chúng ta có được ám thị tâm lí theo hướng tích cực, giải quyết những vấn đề nan giải trong cuộc sống với thái độ điềm tĩnh và dũng cảm.

Trong cửa hàng bách hóa, một người phụ nữ dáng vẻ nghèo khổ dắt theo cậu con trai bốn tuổi, quần áo cũ kĩ trên người họ rõ ràng là không ăn nhập với cách bài trí hoa lệ nơi đây. Hai mẹ con đi tới cạnh chiếc máy ảnh Polaroid, cậu con trai kéo tay mẹ nói: “Mẹ ơi, chúng ta chụp một tấm đi!” Mẹ cúi người, trìu mến vuốt tóc trên trán con, dịu dàng nói: “Thôi con, quần áo chúng ta mặc quá cũ rồi”. Con trai im lặng một lúc, rồi ngẩng đầu rạng rỡ nói với mẹ: “Không sao, mẹ ơi, chỉ cần chúng ta mỉm cười là được!”

Đúng vậy, không có gì có thể làm xúc động lòng người bằng nụ cười từ đáy lòng, tuy hai mẹ con không có quần áo đẹp đẽ, nhưng nụ cười ngập tràn hạnh phúc của hai người có thể khiến họ chụp ra tấm ảnh đẹp đẽ nhất. Lời của cậu bé thực ra đã nói với chúng ta một chân lí: Chỉ cần mỉm cười, cuộc sống sẽ luôn luôn là mới mẻ. Nếu chúng ta lúc nào cũng sống với vẻ mặt nhăn nhó, dĩ nhiên cuộc sống sẽ u sầu; còn nếu chúng ta sống với thái độ lạc quan, thoải mái, thì cuộc sống cũng sẽ ngập tràn ánh sáng. Cho dù đôi khi có một số thứ không thể thay đổi, có khó khăn và phiền phức mà chúng ta phải đối mặt, nhưng chúng ta cũng

có thể mỉm cười cho qua.

Mỉm cười là biểu hiện bên ngoài của tâm thái bên trong. Đằng sau nụ cười ẩn chứa thái độ nhân sinh lạc quan, tự tin, một phong cách sống chân thành, yên bình và một trí tuệ lớn đối mặt với cuộc đời.

Có một vị Tiến sĩ tâm lí học người Do Thái, trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai không may bị bắt vào trại tập trung quốc xã. Trong trại tập trung, cũng giống như những người bị nhốt khác, ông đã phải chịu đủ mọi sự giày vò vô nhân đạo. Ngày nào cũng có người vì không chịu được sự lăng nhục và giày vò thể xác mà bị điên hoặc chết, dù là người già, phụ nữ đang mang thai hay trẻ nhỏ cũng đều không thoát khỏi sự chém giết điên cuồng. Không khí chết chóc bao trùm trại tập trung, ở đây chỉ có tàn sát và máu, nhân tính và nhân phẩm con người bị chà đạp, khiến người ta phải rùng mình.

Sống trong nỗi sợ hãi như thế, vị Tiến sĩ này cũng phải chịu áp lực tinh thần rất lớn. Ông hiểu rằng, nếu không thể làm chủ được tâm trạng của mình thì sớm muộn cũng có một ngày mình sẽ giống với rất nhiều người khác, khó tránh khỏi kết cục bi thảm vì mất kiểm soát tinh thần.

Ông cũng từng cảm thấy tuyệt vọng. Có một lần, ông và một vài người khác cùng bị tập hợp lại để đưa đi lao động trên công trường. Trên đường đi, ông bất giác nảy sinh ảo giác, ông cảm thấy buổi tối nay mình sẽ không thể sống sót trở về, không được ăn bữa tối ngày hôm nay… ảo giác sợ hãi này khiến ông thốt nhiên tỉnh ngộ: Mình không thể tiếp tục thế này được! Thế là ông tự buộc mình phải quên đi tất cả mọi thứ trước mắt, tưởng tượng bản thân đang trên đường đi diễn thuyết, ánh nắng chan hòa, gió xuân nhè nhẹ, trong giảng đường rộng rãi chật kín các sinh viên đang đợi ông, ai ai cũng tràn ngập nụ cười thanh xuân, sau đó ông rảo bước đi lên bục, diễn thuyết với tinh thần tràn đầy hăng say…

Nghĩ đến đây, khuôn mặt của ông hé nở nụ cười, đây là nụ cười đã lâu ông không có được! Khi ông nhận thấy mình đang cười, ông tin rằng mình nhất định sẽ không chết trong trại tập trung, nhất định có thể sống sót đến ngày được ra ngoài.

Cứ như thế, nhờ vào nụ cười và niềm tin, thực sự ông đã chống chịu được tới lúc được thả. Khi ông bước ra khỏi trại tập trung, các bạn gần như không dám tin con người tinh thần phơi phới, gương mặt đang nở nụ cười trước mắt kia lại vừa mới bước ra từ trong “địa ngục”!

Trên đời này không có chuyện gì là bất hạnh tuyệt đối, chỉ có tâm hồn không muốn mỉm cười mà thôi. Ai cũng khao khát có được một cuộc sống tươi đẹp, tuy nhiên sự tươi đẹp này không thể chỉ dựa vào “ân huệ” mà ông trời ban tặng, chúng ta phải nhớ rằng chỉ có bản thân mình mới là người chèo lái con thuyền cuộc đời mình, do đó chúng ta hãy làm một người cầm lái biết mỉm cười! Vì thế, hãy cười với cuộc đời, để nụ cười trở thành ánh nắng xuyên qua mây đen, mang lại niềm vui, an lành và hạnh phúc cho tâm hồn của chúng ta!

YOGA, DÙNG CÁCH THẢ LỎNG CƠ THỂ ĐỂ LOẠI BỎ "RÁC"TRONG LÒNG TRONG LÒNG

Do tiết tấu cuộc sống hiện đại ngày càng nhanh nên rất nhiều người rơi vào trạng thái mệt mỏi. Sự mệt mỏi này giống như rắn độc quấn quanh người, không thể nào thoát ra được. Muốn thoát khỏi trạng thái mệt mỏi này, yoga là một sự lựa chọn không tồi. Yoga bắt nguồn từ Ấn Độ. Người Ấn Độ cổ đại tin rằng con người có thể hợp nhất với trời, yoga chính là một phương thức giúp họ đạt được trạng thái hợp nhất với trời. Nói một cách tổng thể, yoga thông qua việc nâng cao ý thức để giúp con người phát huy được đầy đủ tiềm năng. Tư thế yoga không quá khó để thực hiện, có thể giúp con người cải thiện năng lực về các mặt sinh lí, tâm lí, tình cảm và tinh thần, là một phương thức vận động đạt tới sự hài hòa thống nhất giữa cơ thể, tâm hồn và tinh thần.

Tác dụng của yoga về tâm hồn và tinh thần chủ yếu là thông qua việc thả lỏng các cơ để từ đó thả lỏng toàn cơ thể. Rất nhiều động tác trong yoga đối với người mới học có vẻ như rất khó, vì thế ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu sơ qua vài phương pháp điều tiết hơi thở. Phương pháp điều tiết hơi thở là động tác yoga đơn giản nhất, cũng dễ dàng đạt được mục đích tĩnh tâm nhất. Công hiệu chủ yếu của nó là thả lỏng cơ thể, học vài phương pháp điều tức dưới đây là có thể nắm được bí mật thả lỏng cơ thể.

Phương pháp thở đều (Sama Vritti)

Giúp cơ thể được thả lỏng hoàn toàn, tăng thêm sức sống cho hệ thống hô hấp và thần kinh.

Phương pháp thực hiện: Lựa chọn tư thế ngồi thoải mái, giữ đầu, cổ, vai thẳng đứng, hai tay trong thế tuệ ấn (cong gập ngón trỏ hai tay để đầu ngón tay chạm vào gốc ngón cái tương ứng, ba ngón còn lại duỗi thẳng và hơi tách ra, lòng bàn tay hướng xuống dưới) đặt lên đầu gối, nhắm mắt, tập trung tâm trí vào quá trình hô hấp, hít vào bốn lần và thở ra bốn lần (có thể nhiều hơn), cảm nhận luồng khí chảy vào và đi ra trong phổi, hít thở tự nhiên là được.

Nói một cách đơn giản, cảm nhận tỉ mỉ hít vào và thở ra chính là phương pháp thở này.

Phương pháp thở thư giãn: Giúp cơ thể được thả lỏng ở mức độ lớn nhất, tập trung vào bản thân, đồng thời tăng cường chức năng của hệ thống hô hấp và thần kinh, giải tỏa u uất, lo lắng…

Phương pháp thực hiện: Ngồi xuống với tư thể thoải mái, giữ đầu, cổ, vai trên một đường thẳng, hai tay đặt trên đầu gối ở thế tuệ ấn, nhắm mắt, hít thở chậm rãi, cảm nhận cảm giác luồng khí đi vào mũi trước, đồng thời hướng lên trên đập vào chóp khoang mũi, sau đó đi vào hai lá phổi. Giữ nhịp thở chậm, tiến hành có tiết tấu, khi hít vào để thành bụng khẽ mở ra, khi thở ra thành bụng co vào, còn khoang ngực bất động. Trong quá trình luyện tập, cùng với sự hít vào, tưởng tượng bạn đang hít năng lượng vũ trụ, sinh mệnh và hơi thở bình hòa vào trong cơ thể; còn theo khí đi ra ngoài là tâm trạng căng thẳng, bệnh tật và tạp chất.

Chú ý: Khi luyện tập phải giữ đầu óc tỉnh táo, loại bỏ tất cả tạp niệm.

Phương pháp thở Kapalabhati

Giúp loại bỏ khí thải trong cơ thể, đồng thời có tác dụng làm sạch não trước.

Phương pháp: Ngồi với tư thế thoải mái, giữ thẳng đầu, cổ, vai, thả lỏng hai tay đặt trên đầu gối, hóp bụng, để khí thải ra ngoài theo khoang mũi, nhanh chóng thả lỏng cơ bụng, lập tức tiến hành lần thở ra tiếp theo, sau đó bắt đầu từ từ tăng tốc độ hít thở, đến khi đạt được tần suất 120 lần/phút. Sau khi hoàn thành một hồi, làm một lần hít thở sâu, từ từ thở ra, cố gắng thải khí trong phổi. Giữ tư thế ngồi, tay trái đặt lên đầu gối trái, dùng ngón trỏ tay phải đan xen ấn vào hai bên mũi, để khí đan xen thông qua hai lỗ mũi trái -

phải thải ra ngoài.

Chú ý: Trong quá trình luyện tập, giữ ngực và hai vai bất động; khi thở ra dùng lực, tinh lực chủ yếu tập trung ở vùng bụng, để tiến hành hít vào chầm chậm; giữ hai lần hít thở không được ngừng lại hoặc nín thở; khi thở ra dùng lực phải nhất trí, nhanh chóng, có tiết tấu.

Phương pháp thở ong kêu (Bhramari)

Giúp nảy sinh ảnh hưởng tích cực đối với tâm lí con người, cũng có tác dụng trong chữa trị mất ngủ. Phương pháp: Ngồi thoải mái, cơ thể hoàn toàn thả lỏng, mắt nhắm, môi khép, răng hở một chút hai lỗ mũi hít sâu và chậm, hít vào nên có lực để cổ họng nảy sinh cảm giác chấn động, đồng thời có thể mang lại cảm giác vô cùng thoải mái cho hệ thống thần kinh; sau đó, nhắm mắt, dùng ngón trỏ tương ứng nhẹ nhàng bịt hai lỗ tai; khi thở ra, phát ra tiếng ong ong khe khẽ liên tục, giống như tiếng con ong phát ra vậy.

Công dụng: Giúp tâm trạng của con người trở nên bình hòa, vui vẻ.

Kiên trì luyện tập một số phương pháp thở trên trong thời gian dài, bạn sẽ phát hiện: Trong việc thở tưởng như đơn giản ấy ẩn chứa sức mạnh thần kì, nó giúp bạn thư giãn cơ thể, nội tâm có được sự yên bình trước đây chưa từng có. Phương pháp thở tuy rất đơn giản, nhưng cũng có yêu cầu nhất định về mặt môi trường, đó là tốt nhất nên tiến hành luyện tập thở tại nơi có không khí trong lành, không có khói bụi. Tuy nhiên trong cuộc sống hiện đại, buổi sáng ngủ dậy muộn gần như đã trở thành căn bệnh khó chữa đối với hầu hết mọi người. Nếu bạn không muốn dậy sớm mà vẫn muốn thông qua phương pháp yoga đơn giản để đạt được mục đích tĩnh tâm, vậy thì bạn có thể luyện tập phương pháp thả lỏng cơ thể dưới đây. Thời gian tốt nhất luyện tập phương pháp này là vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Phương pháp thả lỏng tuần hoàn cơ thể

Đây là phương pháp tĩnh tâm bắt nguồn từ Gurdjieff.

Phương pháp: Nằm ngửa ở bất kì nơi nào bạn cảm thấy thoải mái, nhắm mắt, hít thở sâu, mở to miệng nhả khí, tưởng tượng đang nhả tất cả những lo lắng trong cơ thể ra ngoài, sau đó cảm nhận toàn thân của bạn. Tiếp đó, tập trung chú ý lên chân phải, khiến chân phải căng ra, căng nữa, rồi căng nữa, giống như có một sợi dây thừng đang kéo chân phải của bạn vậy, sau đó đột nhiên thả lỏng. Dùng phương pháp tương tự thả lỏng các bộ phận cơ thể như chân trái, tay phải, tay trái, mặt… Sau khi lần lượt thả lỏng toàn thân, để cơ thể nằm ngửa dang rộng một cách tự nhiên, thả lỏng hoàn toàn.

Chú ý: Khi đứng dậy, trước tiên hoạt động chân tay, sau đó từ từ nghiêng sang một bên, rồi từ từ đứng dậy, không được đứng dậy đột ngột.

Mục đích của phương pháp tĩnh tâm này là thả lỏng các cơ bắp, loại bỏ tâm trạng xấu trong cơ thể, từ đó toàn thân được thả lỏng hoàn toàn. Nó có thể khiến con người tập trung tinh lực vào cơ thể mình, tránh để nhiều cảm xúc làm phiền bản thân, đồng thời cũng hỗ trợ mất ngủ.

Nếu bạn quen dậy sớm thì có thể thông qua phương pháp thở để đạt được mục đích tĩnh tâm. Còn nếu bạn quen dậy muộn thì có thể thông qua phương pháp thả lỏng tuần hoàn để đạt được mục đích tĩnh tâm. Chỉ cần mấy động tác đơn giản là có thể xoa dịu được nội tâm lo lắng, vậy thì vì sao lại không làm? Kiên trì luyện tập những phương pháp kể trên hàng ngày, không chỉ giúp cảm quan của bạn trở nên nhạy bén mà còn nội tâm cũng ngày càng tĩnh lặng, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy sức mạnh của cuộc sống thật sự chảy trong cơ thể mình.

Một phần của tài liệu Ebook Sức mạnh của tĩnh tâm: Phần 2 (Trang 70 - 74)