DÙNG SUY TƯỞNG VỀ CÁI CHẾT ĐỂ XUA ĐI NỖI BẤT AN

Một phần của tài liệu Ebook Sức mạnh của tĩnh tâm: Phần 2 (Trang 60 - 62)

Tôi từng có một người bạn, cô ấy là một cô gái rất giỏi, tự đặt ra yêu cầu cho bản thân phải thành công về mọi mặt, cho dù là phương diện gia đình hay sự nghiệp. Vì thế, mỗi khi thành tích học tập của con gái cô ấy giảm sút hay khi công việc gặp trục trặc, cô ấy đều rơi vào tâm trạng bất an cực độ.

Cô ấy thường nói: “Mình hi vọng cuộc sống của mình luôn luôn tràn ngập hạnh phúc”.

Thực ra, chính cách suy nghĩ này đã dẫn đến những vấn đề về tâm lí của cô ấy. Một khi trong cuộc sống xuất hiện sóng gió thì nỗi bất an sẽ lập tức nảy sinh và len lỏi trong tim cô ấy, tất cả đều do yêu cầu cao đối với cuộc sống hạnh phúc mà cô ấy đặt ra. Chúng ta nên hiểu rằng, cuộc sống không đơn giản chỉ là một quá trình đi lên theo đường thẳng mà nó sẽ có lúc chìm lúc nổi, có sóng gió, có nguy nan, chính những điều không như ý chốc chốc lại xuất hiện ấy mới là thứ giúp ta cảm nhận được sự quý giá của cuộc sống hạnh phúc. Hiểu được điểm này để điều chỉnh tâm thái thì chúng ta mới có thể nắm chắc được hạnh phúc.

Vậy thì, làm thế nào để chúng ta có thể đối mặt với những chuyện xấu? Khi gặp chuyện không như ý, đa số sẽ bất giác cảm thấy tức giận, cằn nhằn, oán trách, đau lòng, đồng thời còn cảm thấy bất an, lo lắng rằng sự việc sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Khi xảy ra tình huống này, trước tiên chúng ta phải có ý thức xoa dịu tâm trạng tiêu cực của bản thân, hít thở sâu một vài lần. Một số sự việc nếu đã xảy ra rồi thì chúng ta phải chấp nhận sự thực. Làm như vậy không phải là trốn tránh, mà là thừa nhận tính khách quan của hiện thực. Có người áp dụng phương pháp chống đối hiện thực, hoặc kiên quyết né tránh, nhưng hành vi này ngoài việc khiến bạn càng đi sâu hơn vào con đường sai trái thì không có bất kì tác dụng nào. Chỉ có thản nhiên chấp nhận hiện thực thì mới có thể khiến bản thân tìm được cách giải quyết đúng đắn với tâm thái bình tĩnh, còn nếu chỉ biết nổi trận lôi đình hoặc tự hủy diệt một cách mù quáng thì sẽ không có bất kì tác dụng nào, ngược lại còn gây ra rất nhiều phiền phức không cần thiết.

Bạn đã bao giờ có cảm nhận như thế này chưa? Khi bạn đang tham gia giao thông, khi đi qua đường, hoặc đi trên con đường vắng vẻ không có người qua lại, đột nhiên bạn nghĩ tới cái chết? Thực ra, đó không phải là một sự việc đáng sợ hãi hay đen đủi, bởi chết vốn dĩ là một trạng thái của con người, là sự nối tiếp của sự sống, vì vậy chúng ta hãy nhìn nhận cái chết một cách đúng đắn, sau đó tự hỏi bản thân: “Nếu hôm nay mình chết, có chuyện gì khiến mình hối hận nhất hay không? Những cuốn sách, bản nhạc, bức tranh mà mình thích… những vật ngoài thân này có còn quan trọng nữa hay không? Những người đã từng khiến mình tức giận, căm ghét lúc này có còn đáng ghét như vậy nữa không? Mình có cần tiếp tục oán hận họ không?” Thực ra, những câu “tự vấn” này rất giống với sự suy tưởng về cái chết, để thông qua sự suy tưởng này, chúng ta có thể loại bỏ nỗi bất an trước mắt, giúp ta nhìn thấu được rất nhiều sự việc, khiến tâm thái của ta bình ổn hơn, dần dần đạt được trạng thái gặp chuyện không hoang mang, luôn ung dung điềm tĩnh.

Bản thân cuộc sống của chúng ta đã tiềm ẩn rất nhiều nỗi bất an. Tuy chúng ta thường cảm thấy sợ hãi hoặc bất an khi đứng trước cái chết, nhưng ai cũng đều sẽ có một ngày đi tới cái chết. Mọi sự trên thế gian luôn không ngừng biến đổi, không ai có thể dự đoán được tương lai sẽ đi về đâu, nhưng ai cũng biết trước một điều, đó là rồi sẽ đến một ngày, chúng ta phải vẫy tay chào tạm biệt tất cả những gì mà ta hằng yêu mến. Vì thế, nếu muốn xua đi nỗi bất an trong lòng thì ta phải thay đổi một cách nhìn mới mẻ để nhìn nhận và đón nhận vạn vật, giống như buổi đầu tiên chúng ta có mặt trên thế giới này từ trong cơ thể mẹ vậy, tò mò và vui sướng khi nhìn thấy tia nắng đầu tiên. Còn những thứ không đáng hồi tưởng và ghi nhớ, hãy để nó theo gió bay đi, để những kí ức về nó “chết đi”.

Trong suy tưởng, hãy tưởng tượng thời khắc mình sắp chết. Nếu như chỉ còn hai tiếng nữa là bạn phải rời khỏi thế giới này, lúc ấy, người bạn nhớ nhất là ai? Thứ bạn cảm thấy trân trọng nhất là gì? Điều mà

bạn hối tiếc nhất là gì? Có còn kịp bù đắp không? Sau quá trình suy tưởng ấy, khi mở mắt ra, bạn sẽ có thể nhìn thấu được rất nhiều sự việc khiến bạn cảm thấy bất an, bạn sẽ nhìn rõ rốt cuộc cái gì mới là quan trọng nhất trong sinh mệnh của mình. Tôi tin rằng thứ quan trọng nhất sẽ không phải là sự đau khổ, không phải phẫn nộ, càng không phải là những dục niệm tầm thường, mà sẽ là một cơ thể khỏe mạnh, một tâm hồn yên bình vui vẻ, người thân, người yêu và bạn bè của bạn. Khi bạn hiểu ra được những điều này, bạn sẽ cảm thấy nội tâm của mình thoải mái bội phần. Hãy vứt bỏ hết những phiền nhiễu không cần thiết để đón nhận ngày mai tràn ngập ánh nắng, bạn nhé!

Một phần của tài liệu Ebook Sức mạnh của tĩnh tâm: Phần 2 (Trang 60 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)