7. Cấu trúc luận văn
3.2.1 Thu hút sự chú ý bằng từ “xin lỗi” hành vi thể hiện tính lịch sự cao
Thu hút sự chú ý là kỹ năng quan trọng trong giao tiếp của bất kì ngôn nữ nào. Trong nhiều trường hợp chúng ta buộc phải làm gián đoạn người
khác khi họ bận làm một việc gì đó. Khi muốn thu hút sự chú ý và bắt buộc phải làm gián đoạn công việc của người khác, để thể hiện thái độ lịch sự chúng ta sẽ sử dụng từ “xin lỗi”. Không chỉ có tiếng Việt sử dụng từ này mà cả tiếng Anh.
Ví dụ: - Xin lỗi, cô ơi cho con hỏi, đường đến Đại học Quy Nhơn đi thế
nào ạ?
- Excuse me! Could you show me the way to go to Quy Nhon
university, please? (Xin lỗi, bạn có thể chỉ giúp tôi đường đến trường Đại học Quy Nhơn được không?)
Khi thực hiện hành vi thu hút sự chú ý bằng từ xin lỗi là người nói đang thực hiện hành vi đe dọa đến thể diện của chính mình và đề cao thể diện của người nghe, chính là một chiến lược lịch sự tích cực.
Như chúng ta đã biết, “xin lỗi” không chỉ thu hút sự chú ý mà còn bao hàm cả mục đích xin lỗi. Vì người nói đã đưa người nghe vào thế bắt buộc phải trả lời, người nói đã trực tiếp làm phiền đến người nghe. Từ việc nhận thức được hành vi cuả mình, người nói chủ động đe dọa thể diện của mình để đề cao thể diện của người nghe, thể hiện sự tôn trọng của mình đối với người nghe, tạo được không khí ôn hòa giúp cho cuộc hội thoại có hiệu quả hơn. Từ “xin lỗi” chủ yếu được sử dụng trong cuộc thoại khi mà cả hai nhân vật không quen biết nhau, là lần đầu gặp mặt hoặc có mối quan hệ không thân. Vì vậy dùng từ “xin lỗi” để thu hút sự chú ý là rất hợp lí, thể hiện tính lịch sự, tạo được ấn tượng tốt lúc ban đầu.
Ví dụ: Khi đến một nơi xa lạ cần phải tìm đường:
(1) Xin lỗi, đây có phải là đường đến Đại học Quy nhơn không? (2) Đây có phải là đường đến Đại học Quy Nhơn không?
Khi so sánh giữ cách dùng từ của hai phát ngôn, rõ ràng chúng ta thấy được hiệu quả của hành vi thu hút sự chú ý “xin lỗi” trong phát ngôn (1), với một
người chưa từng gặp mặt và cần sự giúp đỡ của họ thì từ “xin lỗi” chính là một bước đệm, tạo thiện cảm để nhận được sự giúp đỡ. Ở trường hợp phát ngôn thứ (2) vẫn có thể sẽ nhận được câu trả lời và sự giúp đỡ của người nghe nhưng thái độ thiếu tôn trọng sẽ khiến người nghe không hài lòng. Giao tiếp được xem là thành công khi cả người nói và người nghe thỏa mãn được mong muốn của nhau, ở trường hợp này có thể khiến người nghe cảm giác không được tôn trọng, dẫn đến giao tiếp thất bại, và phát ngôn có thể bị xem là bất lịch sự.
Cách thu hút sự chú ý bằng từ “xin lỗi” không phải xuất phát từ văn hóa của người Việt mà xuất phát từ phương Tây. Ở đây, người ta chỉ dùng duy nhất từ “xin lỗi” (excuse me) để thể hiện sự lịch sự trong giao tiếp.
Ví dụ: - Excuse me, Is this seat free? (Xin lỗi, ghế này có ai ngồi không?) - Excuse me, Is there a post office near here? (Xin lỗi, gần đây có
bưu điện nào không?
Trong văn hóa giao tiếp của người Việt, với sự đề cao tình cảm con người và các mối quan hệ xã hội. Cách thu hút sự chú ý bằng từ “xin lỗi” đã có những biến thể, với cấu trúc phức tạp hơn trong tiếng Anh nhưng tạo ra hiệu quả cao hơn trong giao tiếp. Đó là cấu trúc: Xin lỗi + ngôi đối + ....
Ví dụ: - Xin lỗi, cô ơi cho con hỏi, nhà này của cô Hoa phải không ạ? - Xin lỗi, chú ơi phiền chú, cho cháu gửi túi đồ ở đây một lát. Cách sử dụng tín hiệu “xin lỗi” với ngôi đối giúp tạo dựng mối quan hệ thân thiết giữa người nói và người nghe, rút ngắn khoảng cách giữa các nhân vật đối thoại, thể hiện tính lịch sự mang đặc trưng của người Việt.
3.2.2 Từ hô hiệu – chiến lược lịch sự mang đặc trưng văn hóa phân cấp của người Việt
Trong quá trình phân loại chúng ta đã biết, các từ hô hiệu không thể trở thành tín hiệu thu hút sự chú ý nếu không có sự kết hợp với ngôi đối, và vị trí
bắt buộc của cấu trúc này là luôn nằm ở đầu phát ngôn. Đặc điểm của từ hô hiệu trong tiếng Việt là nó có sự phân cấp rất rõ ràng về tầng lớp, lứa tuổi, vai vế, v.v... của các nhân vật tham gia cuộc thoại.
Khi thực hiện hành vi thu hút sự chú ý với cấu trúc: từ hô hiệu + ngôi đối. Người thực hiện hành vi đang đe dọa nghiêm trọng đến thể diện của bản
thân và đề cao thể diện của người nghe.
Ví dụ: - Lạy cụ, chúng con thành tâm lên tết cụ. (NCH, SVM) - Bẩm cụ, chẳng hay việc lành hay việc dữ? (NCH, SVM)
- Lạy cụ lớn, tiện sĩ tài hèn sức yếu,... (NCH, SVM) - Thưa bà, bây giờ mấy giờ rồi? (NCH, NGNG)
Khác với các ngôn ngữ khác, chỉ thu hút sự chú ý trên cơ sở người nói và người nghe, thường không có sự phân biệt rõ ràng các cấp độ của người nghe. Trong tiếng Việt, văn hóa giao tiếp cuả người Việt, Người nói khi bắt đầu cuộc thoại sẽ tự giác phân cấp cho đối tượng giao tiếp của mình. Từ hô hiệu xuất hiện khi người có vai dưới nói với người có vai trên trong giao tiếp. Khi đó, người nói (người có vai dưới) sẽ tự giác đe dọa thể diện của mình và nâng cao thể diện của người nghe để thể hiện sự tôn trọng của mình với người nghe, chính điều nay sẽ giúp tăng hiệu quả giao tiếp. Trong các nguyên tắc lịch sự khi người nói đe dọa thể diện, hạ thấp thể diện của mình và đề cao thể diện của người nghe thì hành vi đó mang tính lịch sự rất cao.
Việc sử dụng từ hô hiệu trong giao tiếp tiếng Việt dù có giá trị lịch sự cao, nhưng qua đó chúng ta thấy được sự bất bình đẳng trong mối quan hệ giữa con người với con người trong một giai đoạn lịch sử của đất nước.
Ví dụ: Lạy mợ, con không dám cãi lời.
Lời của người ở với vợ của ông chủ. Có thể tuổi tác của người nói và người nghe không chênh lệch quá nhiều, thậm chí người nòi có thể hơn người nghe rất nhiều tuổi nhưng vì sự phân biệt các tầng lớp trong xã hội nên bắt
buộc người nói (người ở tầng lớp dưới) phải sử dụng từ hô hiệu với người nghe khi giao tiếp. Trong giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám điều này là bắt buộc trong giao tiếp.
Các từ hô hiệu tùy trường hợp, mỗi từ sẽ có một mức độ thể hiện sự lịch sự cũng như khoảng cách giữa những người giao tiếp. Mỗi từ lại có một sắc thái lịch sự khác nhau. Trong nhóm các từ hô hiệu “ thưa, bẩm, trình, lạy, báo cáo, tâu,...” , ngoài từ “thưa” được sử dụng ở nhiều đối tượng khác nhau, nhiều mối quan hệ, dùng ở phạm vi rộng thì những từ còn lại như “bẩm, trình, lạy, báo cáo, tâu,..” được dùng trong những phạm vi hẹp.
Thưa: theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (2018), Là từ dùng trước một từ hoặc tổ hợp từ xưng gọi để mở đầu khi nói với người trên hoặc trước đám đông, tỏ thái độ trân trọng, lễ phép. Trong tất cả các từ hô hiệu thì chỉ có
từ “thưa” vẫn còn được sử dụng rộng rãi, dần thay thế cho các từ còn lại. “Thưa” được dùng trong nhiều trường hợp, trong quan hệ gia đình từ “thưa” được những người có vai con, cháu, em dùng gọi những người có thứ bậc cao hơn. Trong các mối quan hệ khác từ thưa cũng dùng trong trường hợp người nhỏ tuổi hơn gọi người lớn tuổi hơn mình.
Ví dụ: - Thưa cụ, cụ cho thầy xứ Quý vào cụ lớn bố đòi. (NCH, SVM) - Thưa thầy, chẳng biết tên này có tội gì mà cụ sai đưa xuống đây
giữ. (NCH, SVM)
- Thưa ba, con đi học mới về!
- Thưa thầy, xin thầy cho con vào lớp, con xin lỗi đã đi học trễ ạ. Từ “thưa” vẫn thể hiện sự tôn trọng, lễ phép của người nói với người nghe nhưng sắc thái trang trọng không quá nặng nề, khoảng cách thứ bậc giữa người nói và người nghe không quá xa. Chính vì điều đó mà hành vi thu hút sự chú ý với từ “thưa” vẫn còn được sử dụng đến tận bây giờ, nó vẫn là một trong những lựa chọn hàng đầu cho chiến lược lịch sự trong giao tiếp.
Những từ còn lại trong các từ hô hiệu như “ bẩm, trình, lạy, bạch, báo cáo...” mặc dù vẫn là những từ thể hiện tính lịch sự rất cao trong giao tiếp, nhưng vì sắc thái phân cấp có phần quá rõ ràng và nặng nề mà hiện nay ít được sử dụng, phạm vi thu hẹp hoặc chuyển hẳng quan một hành vi khác chứ không dùng để thu hút sự chú ý.
Ví dụ: - Bẩm lạy ông bà, hai anh em co ngủ dưới nhà, mà trên nhà trên
thì khóa cửa. (NCH, MCV)
- Bẩm, có thế thôi! (NCH, MCV) - Bẩm bà, bu con đi vắng. (NC, N)
- Lạy ông, chúng cháu có dám nói gì đâu! (NCH, MCV)
- Lạy quan lớn, quả tình con không biết việc cướp đêm qua.
(NCH, TĂC)
- Bạch cụ, có người con trai cụ Sáu xin vào. (NT, VBMT)
Từ “lạy” hiện nay chỉ còn dùng nhiều trong hành vi van xin. Sự thay đổi của xã hội từ chế độ phong kiến quân chủ sang dân chủ khiến cho những từ ngữ này trở nên nặng nề, không còn đảm bảo tính lịch sự. Từ việc những từ ngữ thể hiện tính lịch sự rất cao trong giao tiếp nhưng không còn được sử dụng nhiều trong đời sống hiện nay cho chúng ta thấy được sự phát triển không ngừng của ngôn ngữ, các chuẩn mực giao tiếp luôn thay đổi để bắt kịp với thời đại. Những từ ngữ thể hiện tính lịch sự cao được sử dụng nhiều trong quá khứ không có nghĩa là luôn luôn phù hợp, mỗi giai đoạn thay đổi của xã hội thì cộng đồng ngôn ngữ cũng sẽ có những bước chọn lọc và đào thải những từ không còn phù hợp để tạo ra một hệ thống từ mới phù hợp hơn với hiện thực xã hội.