7. Cấu trúc luận văn
1.3.4 Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ đi kèm hành vi ngôn ngữ
Trong cuộc đối thoại, ngoài các yếu tố ngôn ngữ không thể thiếu như từ vựng và các đơn vị cú pháp, chúng ta khi đối thoại còn sử dụng những yếu tố phi lời hay còn gọi là yếu tố phi ngôn ngữ.
Theo GS. Đỗ Hữu Châu, yếu tố phi lời (non verbal): “Là những yếu tố không phải là những yếu tố kèm lời được dùng trong đối thoại mặt đối mặt”
[8, tr.220].
Các yếu tố được xem là phi lời như: cử chỉ (gesture), khoảng không gian (proxemics), tiếp xúc cơ thể (body contact), tư thế cơ thể và định hướng cơ thể (posture and body orientation), vẻ mặt (facial expression), ánh mắt (gaze). Bên cạnh đó có một số yếu tố cũng được xem là phi lời như tín các tín hiệu âm thanh: tiếng gõ, tiếng kéo bàn, tiếng huýt sáo, tiếng còi, tiếng va đập,...
Các yếu tố cơ thể - vận động được tiếp nhận bằng thị giác. Những yếu tố tĩnh như diện mạo, trang phục... cung cấp những thông tin về giới tính, tuổi tác, dân tộc, thành phần xã hội và ở một mức độ nào đó nhất định thể hiện
tính cách của người đối thoại. Những thông tin này bước đầu tạo ra thiện cảm, hấp dẫn hoặc gây ra phản ứng chối bỏ hội thoại.
Những tín hiệu của cơ thể, của vận động là những tín hiệu xuất hiện trong hội thoại, chúng có thể chậm như sự thay đổi dần khoảng cách, tư thế ngồi của những người trò chuyện. Chúng cũng có thể nhanh như điệu bộ, cử chỉ, nét mặt thay đổi theo từng lượt lời, từng đoạn lời, thậm chí từng từ ngữ được dùng.
Những tín hiệu phi lời tuy không nắm vai trò chính trong cuộc đối thoại nhưng lại là yếu tố hết sức quan trọng, thiếu chúng cuộc trò chuyện sẽ trở nên tẻ nhạt, thiếu tự nhiên thậm chí phải chấm dứt.
Các tín hiệu phi lời làm thành những điều kiện tiên khởi cho cuộc hội thoại. Tín hiệu cung cấp các thông tin cần thiết trước khi bước vào hội thoại như cung cấp thông tin về môi trường hội thoại là nơi công cộng hay riêng tư, là ngoài đường hay trong phòng khách, trên giảng đường hay ngoài công viên,... Các tín hiệu khác như tư thế của người đối thoại hay khoảng cách của người đối thoại cũng rất quan trọng đối với diễn biến của cuộc tương tác. Bản chất thoại trường không phải tự thân môi trường có sẵn mà là do những quy định trong cuộc sống tạo thành, những quy định thành văn hoặc bất thành văn mang tính chất đặc trưng văn hóa, dân tộc bắt buộc người đối thoại phải tôn trọng.
Ví dụ: Khoảng cách giao tiếp giữa nam và nữ tùy theo từng dân tộc lại có những chuẩn mực khác nhau. Ở các nước phương Tây khoảng cách này thường hẹp, không rõ ràng vì người nam và người nữ dù lần đầu gặp mặt vẫn có thể ôm hôn nhẹ vào má thay cho lời chào hỏi. Nhưng ở Việt Nam khoảng cách này lại rất rõ ràng thể hiện mối quan hệ giữa nam và nữ, chỉ cần nhìn qua cử chỉ là chúng ta có thể biết quan hệ của họ là vợ chồng, bạn bè hay lần đầu gặp mặt...
Cùng với không gian tương tác, điệu bộ cử chỉ của người đối thoại cũng xuất hiện trong quá trình hội thoại. Những điệu bộ cử chỉ này cũng mang tính dân tộc, thể hiện đặc trưng văn hóa của từng đất nước, từng dân tộc.
Ví dụ: Trong quá trình giao tiếp, khi tham gia hội thoại người phương Tây thường rất thoải mái trong việc sử dụng các điệu bộ cử chỉ. Nhưng ở người phương Đông thì hoàn toàn ngược lại họ kiểm soát rất chặt chẽ điệu bộ cử chỉ của bản thân khi hội thoại, cố gắng hạn chế tối thiểu và tùy vào từng đối tượng hội thoại mà sẽ có sự thay đổi điệu bộ cử chỉ cho phù hợp.
Từ đây chúng ta có thể thấy các tín hiệu phi lời có một vai trò nhất định trong việc lí giải ý nghĩa của lời nói. Chúng ta biết rằng lời diễn đạt theo câu chữ của phát ngôn là nghĩa trực tiếp, nhưng trong nhiều trường hợp thì nghĩa trực tiếp của phát ngôn không phải là đích cuối cùng của hội thoại. Trong những trường hợp như vậy thì các yếu tố phi lời chính là nhân tố quan trọng giúp chúng ta hiểu đúng nghĩa cuối cùng mà phát ngôn mang lại, giúp các nhân vật giao tiếp hiểu đúng lời của nhau.
Ví dụ: nụ cuời khẩy kèm theo lời khen giúp chúng hiểu rằng đó chỉ là một lời nói mỉa; khi thực hiện các tín hiệu thú hút sự chú ý như thưa, bẩm,.. kèm theo hành động khoanh tay trước ngực thể hiện thái độ tôn trọng của nguời giao tiếp, qua đó ta cũng phán đoán được vai giao tiếp của các nhân vật hội thoại. Giữa người nhỏ tuổi với người lớn tuổi hoặc người có địa vị thấy với người có địa vị cao.
Chính sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố lời và phi lời làm cho ý nghĩa của phát ngôn được sáng rõ và nhấn mạnh. Nhận biết các tín hiệu phi lời ở người đối thoại giúp người nói tìm ra được cách phát ngôn phù hợp cả về nội dung và hình thức, sẽ cảm thấy thoải mái hay gò bó khi giao tiếp, giữ gìn hay buông thả khi nói năng. Từ đó sẽ đưa ra quyết định tiếp tục hay kết thúc cuộc thoại. Tín hiệu phi lời làm tăng hiệu quả khi giao tiếp.
Thông qua tín hiệu phi lời, người ngoài cuộc thoại cũng có thể phán đoán và nhận ra mối quan hệ thực sự giữa những người đối thoại. Như vậy, chúng ta không thể loại bỏ các tín hiệu phi lời khi giao tiếp bằng lời. Ngay cả
khi chúng ta không giao tiếp theo kiểu mặt đối mặt (face to face) như gọi điện thoại, nhắn tin, gửi mail... một số người vẫn có thói quen sử dụng cử chỉ điệu bộ kèm lời nói. Arbercrombie đã từng viết: “chúng ta nói bằng các cơ quan
cấu âm nhưng chúng ta hội thoại với cả cơ thể của chúng ta... Những sự kiện kèm ngôn ngữ xuất hiện song song với ngôn ngữ nói, hòa lẫn vào ngôn ngữ nói và cùng ngôn ngữ nói hình thành nên một hệ thống giao tiếp trọn vẹn... Nghiên cứu về các hành vi kèm ngôn ngữ là một bộ phận của sự nghiên cứu về hội thoại: chỉ có thể hiểu đầy đủ các cách sử dụng ngôn ngữ khi các yếu tố kèm ngôn ngữ được chú ý đầy đủ” [8. Tr223].
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Trên đây là một số vấn đề lí thuyết về Ngữ dụng học được tham khảo và sử dụng làm cơ sở, nền tảng trong việc nghiên cứu của chúng tôi về hành vi thu hút sự chú ý. Những vấn đề lí thuyết về hành vi ngôn ngữ, hành vi ngôn ngữ trực tiếp và hành vi ngôn ngữ gián tiếp góp phần rất lớn trong quá trình làm sáng tỏ đề tài. Nghiên cứu về một hành vi ngôn ngữ không thể đặt nó ngoài hội thoại, lí thuyết về hội thoại là một vấn đề không thể thiếu, tìm hiểu về lời ướm trước là một đặc trưng của hành vi thu hút sự chứ ý mở ra một hướng đi mới cho luận văn. Tín hiệu phi ngôn ngữ (phi lời) được sử dụng cùng hành vi ngôn ngữ thu hút sự chú ý trong giao tiếp là rất thường xuyên và góp phần rất lớn vào việc phản ánh đầy đủ ý nghĩa của hành vi thu hút sự chú ý.
Hệ thống lí thuyết ở chương 1 bước đầu cho chúng tôi cái nhìn khái quát về vấn đề mà chúng tôi đang nghiên cứu. Giúp chúng tôi định hướng được những bước đi tiếp theo trong quá trình tìm tòi và hoàn thiện cho luận văn của mình.
Những nội dung lí thuyết ở chương 1 chính là cơ sở khoa học để chúng tôi khảo sát, phân loại, hệ thống hóa ngữ liệu sưu tầm được. Từ đó đi sâu vào phân tích, nhận xét, đánh giá, nghiên cứu cụ thể, giải quyết thỏa đáng những vấn đề được đặt ra trong yêu cầu của đề tài.
Chương 2: HÀNH VI THU HÚT SỰ CHÚ Ý TRONG TIẾNG VIỆT