Từ “xin lỗi” như một tín hiệu thu hút sự chú ý

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hành vi ngôn ngữ thu hút sự chú ý trong tiếng việt (Trang 54 - 57)

7. Cấu trúc luận văn

2.3.4 Từ “xin lỗi” như một tín hiệu thu hút sự chú ý

Xin lỗi theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (2018) là “xin được tha thứ vì đã biết lỗi” nhưng bên cạnh đó còn có một nghĩa thứ hai nữa “Xin lỗi là một công thức xã giao dùng để mở đầu lời nói khi có việc hỏi người lạ, làm phiền người khác...”.

Khi muốn thu hút sự chú ý của người lạ, người không quen hoặc mới gặp lần đầu để trình bày, hỏi, yêu cầu, thông báo một điều gì đó với thái độ lịch sự, thể hiện thành ý hoặc thật sự cần được giúp đỡ thì người nói thường sử dụng công thức:

Xin lỗi + B + làm ơn cho A ....

A: là từ chỉ người nói (ở ngôi thứ nhất) – ngôi chủ. B: là từ chỉ người nghe (ở ngôi thứ hai) – ngôi đối.

Ở cách thu hút sự chú ý này, ngay từ cách sử dụng từ “xin lỗi” chúng ta đã thấy được ý nghĩa của nó, không chỉ thu hút sự chú ý mà còn bao hàm cả mục đích xin lỗi thật sự. Vì đã đưa người nghe vào thế bắt buộc phải trả lời, khi người nói thực hiện lời thoại của mình là đã làm phiền đến người nghe nên cần thiết có thái độ lịch sự.

Cách thực hiện hành vi thu hút sự chú ý bằng lời “xin lỗi” đã trở thành một nét văn hóa phổ biết trong giao tiếp của người Việt, nhưng thực chất cách nói này không bắt nguồn từ truyền thống của Việt Nam mà được du nhập từ các nước phương Tây (châu Âu, châu Mĩ). Ở các nước phương Tây khi hỏi hoặc muốn bắt chuyện với người lạ thì người ta thường mở đầu bằng từ “xin lỗi”, đó là một nét văn hóa phổ biến và trong tiếng Anh còn có một từ riêng dùng để xin lỗi khi muốn thu hút sự chú ý. Khi họ thật sự muốn xin lỗi vì đã làm sai họ sẽ dùng từ “sorry”, nhưng khi muốn thu hút sự chú ý thì sẽ dùng từ “excuse me”. Ở Việt Nam thì ở cả hai trường hợp đều chỉ dùng chung một từ là “xin lỗi” mà thôi.

Ví dụ: Tiếng Việt: Xin lỗi, tôi có thể giúp gì cho bạn? Tiếng Anh: Excuse me, can I have you?

Trong văn hóa ứng xử của người Việt khi giao tiếp với người lạ thường có cách diễn đạt “Cô ơi, cho con hỏi...”, “Chú ơi, phiền chú....”, “Chị ơi, giúp em...”.. Đây là cách diễn đạt trung hòa với cấu trúc đơn giản.

Ngày nay, sau một quá trình phát triển và hoàn thiện chúng ta đã có một cách kết hợp phức tạp hơn đồng thời thể hiện sự lịch sự cao hơn. Kết hợp giữa kiểu cấu trúc trung hòa của người Việt và từ “xin lỗi”.

Ví dụ: - Xin lỗi, cô ơi cho con hỏi đến bệnh viện đi thế nào ạ?

- Xin lỗi, chú ơi phiền chú đỡ hộ xe của con lên với.

Ở cách kết hợp này tính chất xin lỗi được thể hiện rõ ràng hơn. Nhưng sự thể hiện đó không nhằm mục đích xin lỗi vì làm sai mà là để thu hút sự chú ý chứ không phải để người nghe tha lỗi. Trong tiếng Việt “xin lỗi” dùng với hai chức năng “xin lỗi” vì làm sai và “xin lỗi” để thu hút sự chú ý. Mặc dù hai hành vi ngôn ngữ khác nhau được thể hiện trên cùng một từ ngữ nhưng chúng ta vẫn có thể dễ dàng phân biệt được dựa vào hoàn cảnh giao tiếp và tình huống cụ thể, ở đó ý nghĩa của “xin lỗi” được tường minh. Tình huống: A đang cần thực hiện X hoặc cần sự chỉ dẫn của B về Y trong các trường hợp sau:

+ A thấy hoặc biết B đang có cuộc đối thoại với C,D, E,... + A không biết B có đồng ý cho mình thực hiện X hay không? + B đang bận làm một việc gì đấy hoặc đang suy nghĩ...

+ A cảm thấy yêu cầu của mình là quấy rầy, làm phiền B và gây ra sự không hài lòng của B, nếu không dùng một cách nói khiêm tốn.

+ A và B không quen biết nhau và A cần sự giúp đỡ của B.

Về mặt cấu trúc (công thức) hành vi thu hút sự chú ý thường có hai loại đó là câu hỏi và câu cầu khiến.

Công thức hỏi: Xin lỗi + câu hỏi

Công thức này thường được dùng trong tình huống khách quan khi người nói cần hỏi tên tuổi, hỏi thăm nhà, hỏi giờ, hỏi thăm địa chỉ, hỏi thăm đường v.v...

Ví dụ: - Xin lỗi, anh tên gì nhỉ?

- Xin lỗi, anh bao nhiêu tuổi?

- Xin lỗi, mấy giờ rồi ạ?

Công thức kết hợp cầu khiến: Xin lỗi + câu hỏi + câu cầu khiến

Công thức này được dùng khi người nói cần đến sự giúp đỡ của người nghe. Ví dụ: Xin lỗi, đường lên tháp Bánh Ít đi thế nào ạ bác giúp cháu với. Ngoài ra, trong một số trường hợp như trong các cuộc họp, các cuộc hội thảo với thời lượng làm việc dài hoặc phần phát biểu với nhiều nội dung phức tạp dẫn đến sự mất tập trung của người nghe thì người nói cũng sẽ sử dụng xin lỗi để thu hút sự chú ý.

Ví dụ: - Xin lỗi, mọi người có thể yên lặng một tí được không ạ? Khi người nói chiếm thời lương quá dài, làm mất lượt lời của người khác, sau khi kết thúc phần của mình cũng có thể dùng “xin lỗi” để thể hiện thái độ lịch sự và tôn trong những người tham gia.

Ví dụ: - Xin lỗi, đã làm mất thời gian của mọi người quá nhiều. - Xin lỗi, vì nội dung thảo luận quá dài.

Trong văn hoá giao tiếp của người Việt, có một điều tế nhị cần phải lưu ý đó là không nên cướp lời, ngắt lời của người đang nói, tránh nói khi người khác chưa nói xong. Có nghĩa là tránh sự “dẫm đạp” lên lời của người đối

thoại. Để thể hiện sự lịch sự và thái độ tôn trọng và cho người đối thoại với mình biết mình bắt buộc phải xâm phạm lời họ đang nói người Việt có cách nói thể hiện sự xin lỗi “Xin được đỡ lời ông (bà), anh (chị)”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hành vi ngôn ngữ thu hút sự chú ý trong tiếng việt (Trang 54 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)