Lí thuyết lịch sự

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hành vi ngôn ngữ thu hút sự chú ý trong tiếng việt (Trang 68 - 72)

7. Cấu trúc luận văn

3.1.1 Lí thuyết lịch sự

Lịch sự là một nhân tố quan trọng trong giao tiếp xã hội. Là thuộc tính của phạm trù ứng xử của con người trong giao tiếp, là một nhân tố quan trọng có vai trò điều hòa các mối quan hệ trong xã hội. Lịch sự không chỉ chi phối sự vận động của giao tiếp mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của giao tiếp. Trong lịch sử phát triển của xã hội, đã có rất nhiều các nhà xã hội học, tâm lí học, nhân chủng học quan tâm và chú ý đến vấn đề lịch sự của con người. Nhưng phải đến khi ngữ dụng học ra đời, lịch sự mới được quan tâm một cách đúng mức, trở thành đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học.

Lịch sự, tiếng Anh là: “politeness”, tiếng Pháp là: “politesse” cả hai đều có nguồn gốc từ tiếng La tinh là “politus” có nghĩa là làm cho bằng phẳng, trơn tru, mượt mà. Theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (2018), lịch sự có nghĩa là: có thái độ nhã nhặn, lễ độ khi tiếp xúc, phù hợp với quan niệm và phép tắc xã giao của xã hội. Ví dụ: nói năng lịch sự. Nghĩa thứ hai của lịch sự: đẹp một cách sang và nhã. Ví dụ: ăn mặc lịch sự. Căn phòng lịch sự. Nghĩa của “lịch sự” trong tiếng Việt phần nào có ảnh hưởng và xuất phát từ nghĩa gốc của tiếng La tinh. Lịch sự của người Việt không chỉ là cách ăn nói mà còn có cả cử chỉ, điệu bộ của cơ thể thậm chí cả vẻ bề ngoài cũng cần phải có tính lịch sự. Từ đây ta có thể thấy được đối với văn hóa của người Việt lịch sự là điều không thể thiếu trong giao tiếp, rất được xem trọng và quan tâm nghiên cứu.

Vấn đề lịch sự đã được rất nhiều tác giả nghiên cứu, từ nhiều góc độ khác nhau, dưới đây chúng tôi xin dẫn lại một số quan điểm của các nhà nghiên cứu tiêu biểu.

Tất cả các trích dẫn về các tác giả này chúng tôi rút ra từ tài liệu của TS. Đào Nguyên Phúc (Lịch sự trong giao tiếp tiếng Việt, NXB Chính trị Quốc

3.1.2.1 Lý thuyết của R. Lakoff

Khi nghiên cứu về vấn đề lịch sự trong giao tiếp, R. Lakoff cho rằng trong giao tiếp có hai nguyên lí tổ chức ngôn ngữ đó là nguyên lí diễn đạt rõ ràng và nguyên lí lịch sự.

Nguyên lí diễn đạt rõ ràng gồm bốn quy tắc là lượng, chất, quan hệ và cách thức.

+Lượng: Thông tin đưa ra phải thỏa mãn nhưng không nhiều so với yêu cầu của hội thoại.

+ Chất: Không nói những điều mình tin là không đúng và thiếu căn cứ, không có bằng chứng xác thực.

+ Quan hệ: Những điều nói ra phải có liên quan đến hội thoại.

+ Cách thức: Diễn đạt rõ ràng, khúc chiết, có lí có tình; tránh tối nghĩa, tránh mập mờ.

Nguyên lí lịch sự gồm ba quy tắc:

+ Thứ nhất là không áp đặt: ở đây là không áp đặt đối với người nghe, người nghe có thể hành động theo ý của mình mà người nói không được có bất cứ động thái cản trở nào. Người nói không được dò tìm quan điểm riêng tư hay những điều thuộc về riêng tư của người nghe (gia đình, thói quen, công việc, tình cảm, thu nhập, v.v...), tránh sử dụng ngôn từ thô lỗ, tục tằn, tránh dùng tiếng lóng, thổ ngữ. Quy tắc này phù hợp khi dùng trong phép lịch sự quy thức – giao tiếp quyền lực (người có vai dưới với người ở vai trên). + Thứ hai là để ngỏ sự lựa chọn: Để cho người nghe tự quyết định, tránh được trách nhiệm mang tính áp đặt từ phía người nói. Người nghe tự hiểu và tự suy diễn trước lời đề nghị hay thỉnh cầu của người nói. Quy tắc này phù hợp với lịch sự phi quy thức – giao tiếp phi quyền lực (giữa hai người có quan hệ xa lạ).

+ Thứ ba là thể hiện tình bằng hữu: Dùng trong giao tiếp của những người có quan hệ thân hữu, bằng vai phải lứa, v.v... Người nói và người nghe

có thể nói với nhau mọi chuyện để tỏ ý quan tâm và tin cậy nhau. Họ có thể thoải mái nói và chịu trách nhiệm với lời nói của mình.

3.1.2.2 Lý thuyết của G. Leech

Quan điểm của G. Leech không dựa trên cơ sở thể diện mà dựa vào nhân tố khác của kinh tế học là mối quan hệ giữa tổn thất và lợi ích.

Để bù đắp những tổn thất do lời nói gây ra đối với người nghe, người nói phải sử dụng nguyên lí lịch sự là: giảm tối thiểu cách nói không lịch sự và tăng tối đa cách nói lịch sự. G. Leech cụ thể hóa nguyên tắc này bằng sáu phương châm:

+ Khéo léo (dùng cho hành vi cầu khiến hoặc cam kết): Giảm tối thiểu điều thiệt và tăng tối đa điều lợi cho người.

+ Hào hiệp (dùng cho hành vi cầu khiến hoặc cam kết) : Giảm tối thiểu điều lợi và tăng tối đa điều thiệt cho ta.

+ Tán thưởng (dùng cho hành vi biểu cảm): Giảm tối thiểu việc chê và tăng tối đa việc khen đối với người.

+ Khiêm tốn (dùng cho hành vi xúc tiến): Giảm tối thiểu việc khen và tăng tối đa việc chê đối với ta.

+ Tán đồng (dùng cho hành vi xác tín): Giảm tối thiểu sự bất đồng và tăng tối đa sự tán đồng giữa người và ta.

+ Cảm thông (dùng cho hành vi xác tín): Giảm tối thiểu sự ác cảm và tăng tối đa sự cảm thông, chia sẻ.

Các phương châm của G. Leech hướng vào cả hai phía là người nói và người nghe. Tạo thành một nguyên tắc lịch sự rất đúng đắn. Vì trong quá trình giao tiếp, trong từng cuộc thoại hay ngay cả từng cặp thoại bao giờ cũng gồm hai nhân tố là người nói và người nghe.

3.1.2.3 Lý thuyết của P.Brown và S. Levinson.

P. Brown và S. Levinson xây dựng lý thuyết về lịch sự xoay quanh khái niệm thể diện. Trước đó, khái niệm thể diện đã được E. Goffman xem xét

trong mối quan hệ giữa hoạt động giao tiếp và ứng xử ngôn ngữ. Theo E. Goffman, thể diện là giá trị tích cực mang tính xã hội mà mỗi người muốn người khác nghĩ mình có được trong bối cảnh giao tiếp cụ thể. Từ cơ sở đó, P. Brown và S. Levinson xác định “thể diện là hình ảnh của bản thân trước người khác”.

P. Brown và S. Levinson cho rằng thể diện được tạo nên bởi hai mặt có tính hỗ trợ và gắn kết chặt chẽ với nhau:

- Thể diện âm tính (những sở hữu lãnh thổ theo nghĩa rộng nhất của nó: lãnh thổ cơ thể, không gian và thời gian, các vật dụng, các hiểu biết, các bí mật ...).

- Thể diện dương tính (thể diện cá nhân, tổng thể các hình ảnh tốt đẹp mà các thành viên tham thoại muốn xây dựng và áp đặt trong quá trình giao tiếp).

Trong một cuộc giao tiếp có hai đối tác tham gia sẽ có bốn mặt thể diện xuất hiện. Trong suốt quá trình giao tiếp, các đối tác thực hiện hàng loạt các hành động ngôn ngữ hay ngoài ngôn ngữ. Tuy vậy, phần lớn các hành động diễn ngôn - thậm chí toàn bộ - tạo nên các mối đe dọa tiềm tàng đối với một hoặc nhiều thể diện, dẫn tới khái niệm hành động có tính đe dọa thể diện (Face Threatening Acts - FTA).

Dưới góc độ này, các hành động ngôn ngữ được chia ra làm bốn loại: 1. Các hành động đe dọa thể diện âm tính của người thực hiện (tặng

quà, lời hứa, v.v...)

2. Các hành động đe dọa thể diện dương tính của người thực hiện (thú nhận, tự phê bình, v.v...)

3. Các hành động đe dọa thể diện âm tính của người chịu tác động (thỉnh cầu, câu hỏi riêng tư, v.v...)

4. Các hành động đe dọa thể diện dương tính của người chịu tác động (bác bỏ, phê bình, v.v...)

Mỗi hành động có thể đồng thời nằm trong nhiều loại, mỗi cá nhân đều luôn mong muốn giữ thể diện của chính mình: một mặt cá nhân đó muốn bảo vệ thể diện của mình, mặt khác lại muốn được người khác thừa nhận và yêu quý. Phương tiện để giải quyết mâu thuẫn nội tại này là các đối tác phải biết tự bảo vệ thể diện của mình, đồng thời tránh đụng chạm đến thể diện người khác. Theo Brown và Levinson, các đối tác phải sử dụng các chiến thuật lịch sự khác nhau để đạt mục đích.

Tương ứng với hai mặt của thể diện chúng ta sẽ có hai chiến thuật lịch sự tiêu biểu:

+ Chiến thuật lịch sự tích cực: Hướng về thể diện tích cực của người nghe, hướng đến cái tôi tích cực mà người nghe muốn có cho mình trong giao tiếp. Tạo ra những hành vi phản đe dọa đối với người nghe như: khen, cảm ơn, mời, tặng, v.v...

+ Chiến thuật lịch sự tiêu cực: chủ yếu hướng tới bù đắp một phần thể diện tiêu cực của người nghe, đó là sự né tránh các FTA hoặc giảm nhẹ chúng bằng một số biện pháp thực hiện khi các FTA có tác động đến thể diện tiêu cực. Lịch sự tiêu cực có đặc trưng là sự hạ mình, tính trân trọng và dè dặt, giảm thiểu cái tôi của người nói và tập trung vào mong muốn của người nghe.

Lịch sự là một chiến lược nhằm sửa đổi, giảm thiểu mức độ mất thể diện đã hoặc sẽ xảy ra trong giao tiếp. Cùng với việc liệt kê các hành động đe dọa thể diện, các tác giả cũng đã đề xuất các chiến lược và tiểu chiến lược lịch sự.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hành vi ngôn ngữ thu hút sự chú ý trong tiếng việt (Trang 68 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)