7. Cấu trúc luận văn
2.2.4 Đại từ xưng hô dùng để thu hút sự chú ý
Đại từ là loại từ dùng để trỏ và thay thế sự vật, hoạt động, tính chất của sự việc. Đại từ có quan hệ mật thiết với các lớp thực từ như danh từ, động từ, tính từ. Nhưng nó không phải là thực từ đích thực. Vì bản thân đại từ không có quan hệ trực tiếp với thực tại, nó chỉ có tính chất của thực từ ở chỗ nó phản ánh mối quan hệ giữa khái niệm trong tư duy và trong thực tại một cách gián tiếp. Đại từ cũng không thuộc lớp hư từ. Đại từ chính là lớp từ có tính chất
trung gian giữa thực từ và hư từ, là loại từ trung gian giữa các loại từ cơ bản. Đại từ trong tiếng Việt gồm nhiều loại, trong đó quan trọng nhất và ảnh hưởng trực tiếp đến giao tiếp chính là đại từ xưng hô. Đại từ xưng hô có hai loại: đại từ xưng hô đích thực và đại từ xưng hô lâm thời. Đại từ xưng hô đích thực như các từ: “ tôi, tao, tớ, ta, mày, nó, hắn,, chúng tôi, chúng mày, họ, v.v...”. Đại từ xưng hô lâm thời là những danh từ chỉ người trong quan hệ thân thuộc được lâm thời dùng làm đại từ xưng hô.
Hành vi thu hút sự chú ý trong tiếng Việt thường xảy ra trực tiếp giữa người nói và người nghe cho nên phần lớn đại từ xưng hô thuộc ngôi thứ hai. Trường hợp đặc biệt, chỉ khi đại từ xưng hô kết hợp với từ “đây” mới thuộc ngôi thứ nhất và ở ngôi thứ ba khi kết hợp với từ “kìa”.
Ví dụ: - Tôi đây, mở cửa nhanh đi. - Tây kìa, bọn mày ơi!
Đại từ xưng hô dùng để thu hút sự chú ý đóng vai trò quan trọng trong phát ngôn. Có những tín hiệu hô gọi nếu không kết hợp với đại từ xưng hô thì không trở thành tín hiệu thu hút sự chú ý. Tất cả đại từ xưng hô, một mình đều đảm nhiệm được chức năng thu hút sự chú ý.
Ví dụ: - Mợ ạ, mợ làm thế là phải.
Chúng ta có thể nói: “Mợ, mợ làm thế là phải”. Nhưng không thể nói
“ạ, mợ làm thế là phải”.
Đại từ xưng hô dùng để thu hút sự chú ý hầu hết đều là đại từ xưng hô lâm thời. Được sử dụng linh hoạt, đa dạng. Người sử dụng cần cân nhắc, thận trọng lựa chọn trong giao tiếp để vừa đảm bảo được tính tự nhiên, lịch sự.