MỘT SỐ HÀNH VI NGÔN NGỮ THU HÚT SỰ CHÚ Ý THƯỜNG GẶP

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hành vi ngôn ngữ thu hút sự chú ý trong tiếng việt (Trang 44)

7. Cấu trúc luận văn

2.3 MỘT SỐ HÀNH VI NGÔN NGỮ THU HÚT SỰ CHÚ Ý THƯỜNG GẶP

2.3.1 Thu hút sự chú ý bằng phương tiện là các từ hô hiệu “thưa, bẩm, trình, báo,...”

Những từ hô hiệu khi kết hợp với một từ chỉ ngôi đối, khi mở đầu cuộc thoại sẽ có tác dụng thu hút sự chú ý. Nhưng nếu những từ này đứng độc lập

không kèm ngôi đối và không nằm ở đầu phát ngôn thì không có tác dụng thu hút sự chú ý.

Khác với những từ ngữ thu hút sự chú ý khác thường mang sắc thái trung hòa, không có sự phân biệt cao thấp trong giao tiếp. Các từ hô hiệu có một sự phân biệt rất rõ ràng về tầng lớp, lứa tuổi, vai vế trong cuộc thoại giữa hai nhân vật giao tiếp. Chúng có công thức chung là:

Từ hô hiệu + ngôi đối

+ Thưa: Công thức với từ “thưa” được sử dụng rất rộng rãi trong xã hội,

đặc biệt là trong quan hệ gia đình. Theo sự thay đổi của xã hộ, chế độ xã hội ngày một dân chủ hơn thì “thưa” là một tín hiệu được lựa chon hàng đầu để thay thế cho những từ hô hiệu đã cũ không còn phù hợp như “bẩm”, “trình”, “lạy”... Ví dụ: - Thưa bà, con so. (NCH, OTRR)

- Thưa bà, xe ngày tết vẫn thế,....(NCH, NGNG)

+ Bẩm, trình: Cả hai từ này có nghĩa tương đương nhau, thường được dùng trong cuộc thoại của người có địa vị thấy với người có địa vị cao trong xã hội như quan lại, địa chủ, ông, bà, thầy đồ, v.v...Hai từ này được sử dụng nhiều vào khoảng thời gian trước cách mạng tháng Tám. Từ sau cách mạng tháng Tám công thức chứa hai từ này không còn xuất hiện nữa. Tuy không còn được sử dụng rộng rãi nhưng hai công thức này vẫn còn được lưu giữ trong các tác phẩm văn học trước cách mạng. Thông qua cách sử dụng hai từ

bẩm, trình ta thấy được sự phân cấp rất rõ ràng trong xã hội Việt Nam. Qua đây ta cũng thấy được sự phát triển và bình đẳng hóa của xã hội Việt Nam khi trong thời đại hiện nay không còn xuất hiện cách thu hút sự chú ý này nữa. Ví dụ: - Bẩm cụ, chẳng hay việc lành hay việc dữ? (NCH, SVM)

- Bẩm quan lớn, thế thì hậu quá! (NL, NCX)

- Trình cụ, Báo cáo của bộ ngoại giao. (NDTL, VBLN)

+ Tâu: Công thức thu hút sự chú ý với từ “tâu” chỉ sử dụng ở thời phong kiến, khi nhân dân hoặc quan lại, bề tôi khi giao tiếp với vua, chúa, bề trên,

v.v...Vì hoàn cảnh sử dụng đặc biệt nên ngôi đối trong trường hợp này là các từ chỉ vua, chúa, hoàng hậu, quan lại, công chúa, hoàng tử, v.v...

Ví dụ: Tâu hoàng thượng!

Tâu thái hậu!

Trong một số trường hợp để tăng mức độ tôn kính thì có thể thêm từ “muôn” vào trước công thức.

Ví dụ: Muôn tâu hoàng thượng! Thần thiếp bị oan.

+ Bạch: Đây là một từ ngữ thu hút sự chú ý thể hiện thái độ tôn kính với người trên, và cụ thể ở đây là những người theo đạo Phật, sử dụng trong phạm vi nhà chùa. Vì vậy, ngôi đối ở đây thường là các từ: thầy, hòa thượng, sư cụ, cụ, sư cô,...

Ví dụ: - Bạch thầy, con xin vào lễ Phật. - Bạch cụ, chú Mộc vừa ra vườn sau.

+ Báo cáo: Từ này thường dùng chủ yếu trong quân đội, bắt đầu xuất

hiện trong giao tiếp từ những năm 1945, đây là từ dùng để mở đầu cuộc thoại khi cấp dưới giao tiếp với cấp trên. Các từ chỉ ngôi đối thường là từ chỉ cấp bậc hoặc từ “đồng chí” v.v...

Ví dụ: - Báo cáo tiểu đoàn trưởng, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. - Báo cáo đồng chí, tôi đã trở về.

Công thức này hiện nay đã lan rộng ra phạm vi toàn xã hội không chỉ giới hạn trong phạm vi quân đội. Tất cả mọi người đều có thể sử dụng, một số trường hợp người sử dụng có mục đính tạo không khí vui vẻ cho cuộc thoại.

+ Lạy: Lạy là từ được dùng để tỏ thái độ tôn kính, cung kính của người nói với người nghe; dùng trước từ chỉ người đối thoại khi mở đầu lời nói. Với công thức “Lạy + ngôi đối” không chỉ có tác dụng thu hút sự chú ý mà còn

có tác dụng dùng để chào hỏi và van nài, cầu xin. Vì vậy sự thu hút sự chú ý của công thức này không rõ ràng.

Ví dụ: - Lạy cụ, chúng con thành tâm lên tết cụ. (NCH, SVM)

- Lạy cụ lớn, tiện sĩ tài hèn sức yếu, biết có làm được không.

(NCH, SVM)

- Lạy quan, thôi thì trăm sự nhờ quan. (NCH, BĐC) - Lạy cụ, cụ làm phúc cho con. (NCH, BĐC)

Hiện nay, công thức này đã không còn được sử dụng nhiều và cũng không còn được dùng để thu hút sự chú ý. Cấu trúc này chỉ còn được dùng trong hành vi van xin.

Ví dụ: - Tôi lạy anh, anh tha cho tôi. - Tao lạy mày, đừng ám tao nữa.

Trong quá trình sử dụng cách thu hút sự chú ý bằng cấu trúc “từ hô hiệu

+ ngôi đối” cần chú ý đến việc sử dụng ngôi đối phải tương ứng với từ hô

hiệu. Khi thay đổi từ xưng hô ở ngôi đối sẽ khiến ý nghĩa của câu thay đổi.

2.3.2 Các từ “này, ơi, ê, đâu...”

Chức năng chính của các từ ngữ này theo “cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng” : “Cũng có chức năng phát ngôn, nhuưng những từ như “ơi, ê”... lại có chức

năng khác. Chúng là những từ được dùng trong hành vi “gọi – đáp”. Khi chúng ta cần gọi một người nào đó, chúng ta dùng những từ này hoặc những tổ hợp “anh ơi”, “chị ơi” v.v... và để đáp lại những lời gọi tùy theo trường hợp chúng ta dùng “dạ, “ơi” hoặc “gì thế”, “cái gì” để đáp lại” [7, tr.134].

Về mặt ngữ pháp, các từ này được xếp vào tiểu loại tình thái từ (thán từ). Tác giả “Việt Nam văn phạm” gọi những từ này là “giao hiệu từ” cách gọi này cũng có thể xem là đúng vì chỉ ra được chức năng giao tiếp của các từ nói trên. Ở luận văn này chúng tôi xem xét các từ “này, ơi, ê, đâu, ạ, hỡi, bớ...” với tư cách là một tín hiệu thu hút sự chú ý.

+ Này (nè): Từ này khi dùng để thu hút sự chú ý có thể đi kèm với từ chỉ ngôi đối ở trước hoặc sau nó, hoặc cũng có thể đứng độc lập trong phát ngôn.

Ví dụ: - Này, bảo bác ấy có trốn đi đâu thì trốn. Chứ cứ nằm đấy,

chốc nữa họ vào thúc sưu, không có, họ lại đánh trói thì khổ. (NTT, TĐ)

- Này em ơi! (NCH, OTRR)

- Này, bà trả bao nhiêu? (NCH, NGNG)

- Này! Thằng cháu nhà tôi, đến nay một năm, chẳng có giấy mà gì đấy, ông giáo ạ! (NC, LH)

+ Ơi: Để thu hút sự chú ý với từ “ơi” chúng ta dùng “ơi” kết hợp với từ chỉ ngôi đối đứng trước để kêu gọi, thu hút sự chú ý. Nếu từ “này” có thể thu hút sự chú ý khi dùng độc lập thì từ “ơi” lại không thể. “Ơi” khi đứng độc lập trong phát ngôn thì không phải là một tín hiệu thu hút sự chú ý mà chỉ là một tiếng dùng để đáp lại lời gọi của người khác. Còn nếu “ơi” dùng sau từ chỉ đối tượng kêu gọi thì đó là từ dùng để kêu gọi với ý nghĩa than vãn. Ví dụ: trời ơi! Chỉ khi chúng ta dùng “ơi” kết hợp với ngôi đối đứng trước nó thì đó mới

là lời kêu gọi nhằm thu hút sự chú ý. Khoảng cách không gian giữa từ chỉ ngôi đối và “ơi” là hàm ẩn, không rõ ràng với cấu trúc: ngôi đối + ơi. Đây là

một điều lý thú của từ “ơi” trong tiếng Việt. Chính điều này đã tạo không ít khó khăn cho người nước ngoài khi không biết phải dùng từ “ơi” trong khoảng cách nào giữa các nhân vật đối thoại. “ Ơi” được dùng trong phạm vi rộng, bất luận khoảng cách giữa người đối thoại như thế nào, thậm chí không nhìn thấy mặt nhau.

Dùng ở phạm vi rất xa:

Ví dụ: - Anh Pha ơi, quan bảo anh đến mổ lợn. (NCH, BĐC) Dùng ở phạm vi tương đối gần và giáp mặt:

Ví dụ: - Cậu ơi, em Bảo sắp về chơi (KH, GĐ)

- Cô ơi, nếu cô biết bụng cho tôi. (NCH, TLL) Dùng trong trường hợp không nhìn thấy nhau:

Ví dụ: - Anh bộ đội ơi, nó trốn trong này. (NCH, ACTNBĐA) - Ếch ơi, về ăm cơm.

+ Ê: Thường được sử dụng với nét nghĩa giễu cợt, chế nhạo. Ngoài ra, “ê” còn được dùng như một từ hô gọi, với ý nghĩa không tôn trọng trong một số tình huống nhất định như: trong cuộc hội thoại giữa hai người bạn thân, cuộc thoại giữa người lớn tuổi và người nhỏ tuổi, ra lệnh làm việc, hỏi một vấn đề gì,.... Để phân biệt “ê” được dùng với nghĩa giễu cợt hay từ hô gọi ta chỉ có thể phân biệt dựa vào giọng điệu khi phát âm của người nói.

Ví dụ: - Ê, Đại úy say rượu? ( NTTL, VBLN) (giễu cợt, chế nhạo) - Ê, thằng nào đó tụi bay? (AĐ, HĐ) (hô gọi)

+ Đâu: Theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, từ “đâu” dùng để chỉ một nơi, một chỗ nào không rõ, cần được xác định, chỉ một chỗ nào đó không nói rõ vì không thể hoặc không muốn nói rõ, từ chỉ chung bất cứ nơi nào, từ dùng để chỉ một khoảng, một điều nào đó biết không được đích xác lắm; từ dùng để chỉ một cái, một điều nào đó không rõ, cần được xác định, là nguyên do hoặc kết quả, hay là điểm đạt tới của sự việc nói đến. Nhưng trong quá trình giao tiếp khi được đặt vào tình huống giao tiếp cụ thể từ “đâu”đôi lúc sẽ được người có cương vi cao gọi người có cương vị thấp để thu hút sự chú ý hoặc ra lệnh sai bảo.

Ví dụ: - Lính đâu! Mày tống cổ thằng này xuống trại. (NCH, BĐC) - Thằng Hai đâu! Ra đỡ hộ má.

- Bu mày đâu? (NC, N)

+ Ạ (à): Từ biểu thị ý kính trọng hoặc thân mật khi nói chuyện với ai,

thường đặt ở cuối câu. “Ạ” là một tín hiệu thu hút sự chú ý, thường được sử dụng theo công thức:

Ngôi đối + Ạ (À)

Ví dụ: - Con chào thầy ạ!

- Thầy bảo gì con ạ? (NC, NGHÈO) - À, ông nhà tên gì? (NCH, OĂTR)

Sử dụng từ “ạ” để thu hút sự chú ý, thể hiện sự thân mật giữ người nói và người nghe.

+ Hỡi: Là một từ biểu thị hành vi thu hút sự chú ý nhưng không dùng

nhiều trong giao tiếp hằng ngày, chủ yếu dùng trong phong cách chính luận hoặc trong văn học.

Ví dụ: - Hỡi đồng bào cả nước. (HCM, TNĐL)

- Hỡi các chiến sĩ cách mệnh! Giờ giải phóng đã đến.

(HCMTT, tr.149)

+ Một số từ ngữ khác được dùng để thu hút sự chú ý:

Bớ: đây là một tín hiệu đã cũ, ngày nay không còn được dùng nhiều. Tín hiệu này dùng để thu hút sự chú ý của số đông hoặc ở khoảng cách xa. Ví dụ: Bớ toàn sĩ tử!(NTT, LC)

Bớ chiến hữu! (QC, ĐĐBTX)

Kìa: Từ dùng để chỉ một nơi ở xa vị trí người nói, nhưng vẫn có thể nhìn thấy, nêu lên để gợi sự chú ý của người nghe.

Ví dụ: - “Kìa, anh trông, bô Hạnh ngủ gật kìa,...” (NCH, TCKHTLS)

- Kìa, cháu có tám sào thôi mà. (NCH, BĐC) - Kìa, ông giáo! Chào ông! (NC, SM)

Đây: Thường được dùng với nét nghĩa chỉ sự vật, địa điểm, nơi chốn, vị trí của người nói hoặc thời điểm đang nói; dùng để xưng hô vớ người đối thoại một cách thân mật; biểu thị ý nhấn mạnh về tính chất hiện diện, cụ thể, trước mắt, hiện thực của người hay sự vật được nói đến; biểu thị ý nhấn mạnh sự boăn khoăn của người nói về điều vừa nêu ra như để tự hỏi mình. Ngoài những nét nghĩa trên “đây” còn được sử dụng như một tín hiệu thu hút sự chú ý.

Ví dụ: - Đây, anh cho nhà, nhà đi nhé. (NCH, BĐC)

Đấy: Từ mà người nói dùng để gọi người nghe một cách thân mật hoặc trịch thượng, sỗ sàng để gây sự chú ý.

Ví dụ: - Đấy ông coi, tôi đoán có sai đâu? (KH, NCX)

Ngoài ra còn có kiểu thu hút sự chú ý sử dụng theo kiểu kết hợp ở dạng mệnh lệnh: “ Nghe đây”. Cách nói này thường thấy trong kiểu thông báo bằng loa thời xưa. Tín hiệu nhằm thu hút sự chú ý của nhiều người, nhằm thông báo hoặc tuyên truyền những nội dung từ trên xuống.

Alô: Đây là một từ du nhập từ Pháp, tiếng gọi dùng trong điện thoại hoặc khi gọi loa để gợi sự chú ý. Từ này dùng phổ biến nhất trong điện thoại, là tín hiệu đầu tiên khi nhấc máy để thu hút sự chú ý của người gọi. Ngoài ra, còn dùng khi muốn thông báo một điều gì bằng loa cho nhiều người cùng biết. Ví dụ: Khi nhấc máy: Alô Lan nghe!

Khi thông báo bằng loa: “Alô, alô! Thông báo cho toàn thể nhân dân....”

Trong dân gian còn có còn có tín hiệu hô gọi “Ối + đối tượng + ơi”, đây cũng là tín hiệu nhằm thu hút sự chú ý của nhiều người, nhằm thông báo một việc cấp bách.

Ví dụ: - Ối ông đội sếp ơi. (NCH, TĂC)

- Ối làng nước ơi! Cứu tôi với ... (NC, CP)

2.3.3 Thu hút sự chú ý bằng các từ chỉ ngôi đối

Khi sử dụng ngôi đối trong giao tiếp để thu hút sự chú ý, ngôi đối thường được sử dụng một cách độc lập không kết hợp với thành phần nào khác, nên thường hành vi thu hút sự chú ý khi dùng ngôi đối có tính chất trung hòa.

Ví dụ: - Thao ơi, tao tự tử đây. (NCH, TTT) - Bác Độ, ba ơi! Bác Độ!... (NC, ĐM)

Với cách sử dụng ngôi đối này chúng ta có thể phân thành một số loại sau: + Ngôi đối là tên riêng: dùng tên riêng để thu hút sự chú ý thường diễn ra giữa những người cùng trang lứa hoặc người vai trên nói với người vai dưới, người lớn tuổi nói với người nhỏ tuổi.

Ví dụ: - Lý Cường đâu! Tội mày đáng chết. (NC, CP) - Viển, mày vét nốt mà ăn đi. (NC, CM)

- Ngạn ơi! Con nên thương bà một tí...(NC, NNTSS)

+ Ngôi đối là từ chỉ quan hệ thân thuộc (quan hệ gia đình): “Ông, bà, cha, mẹ, chú, bác, cô, dì, v.v...” Ngoài ra một số từ chỉ quan hệ xã hội gần gũi như : “thầy, cô” cũng được sử dụng như ngôi đối để thu hút sự chú ý. Phần lớn các danh từ chỉ quan hệ thân thuộc đều có thể dùng làm lời hô gọi, khi dùng như vậy chúng có thể đứng độc lập thực hiện chức năng của mình hoặc cũng có thể kết hợp với các từ hô hiệu “thưa, bẩm, trinh, ơi, ạ,...”

Ví dụ: - Mẹ ơi!....(NC, MN)

- Bẩm bà đi chợ về!... (NC, MBN)

- Bẩm bà, con lên chơi với cháu. (NC, MBN)

- Em, em tên là thằng Cu à? (NCH, ACTNBĐA)

+ Cấu trúc “Từ chỉ quan hệ thân thuộc + tên riêng”: Tên riêng đầy đủ của người Việt thường có ba bộ phận họ, tên đệm và tên. Thường trong giao tiếp hằng ngày người ta ít dùng một cách đầy đủ cả ba bộ phận mà chỉ dùng tên không kèm theo họ và tên đệm (chữ lót). Ngoài cách thu hút sự chú ý bằng gọi tên riêng, chúng ta có thể kết hợp gọi tên kèm theo từ chỉ quan hệ thân thuộc như: “ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, chú, bác, cô, dì, v.v....”. Cách kết hợp như

vậy chỉ sử dụng khi không cần phải thể hiện sự lễ phép, lịch sự trong giao tiếp. Ví dụ: Anh Điệp, chị em hỏi gì. (NCH,TLL)

- Cô Lan, cô có biết tôi là ai không. (NCH, TLL)

- Chú Hải, chú về khi nào?

+ Ngôi đối là từ chỉ nghê nghiệp, chức tước: Tất cả những từ chỉ nghề nghiệp như: Bác sĩ, kĩ sư, y tá, thầy, cô,...; các từ chỉ chức tước: Bệ hạ, công chúa, quý phi, giám đốc,....đều có thể đứng độc lập và trở thành tín hiệu thu hút sự chú ý.

Ví dụ: - Bác sĩ, con tôi thế nào rồi. - Giám đốc, anh không sao chứ?

Để tăng thêm phần lịch sự trong giao tiếp chúng ta có thể kết hợp từ chỉ nghề nghiệp, chức tước với từ chỉ quan hệ thân thuộc ở phía trước.

Ví dụ: - Bác kĩ sư, bản vẽ này xem thế nào? - Chị y tá, cho tôi nhờ chút việc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hành vi ngôn ngữ thu hút sự chú ý trong tiếng việt (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)