Iskandar là một đặc khu kinh tế nằm trong bang Johor của Malaysia. Hơn 15 năm qua, ĐKKT Iskandar đã phát triển nhanh chóng, được đánh giá là một đô thị quốc tế hấp dẫn các NĐT đến làm việc, sinh sống và vui chơi không chỉ của đất nước Malaysia và cả khu vực Đông Nam Á.
3.2.3.1. Bối cảnh hình thành Đặc khu kinh tế Iskandar
Từ những năm 1990, Chính phủ Malaysia đã đưa ra chính sách tự do hóa kinh tế, nới lỏng luật lệ và cải tiến chính sách về đầu tư, khuyến khích tư nhân tham gia phát triển kinh tế. Theo đó, Chính phủ Malaysia đã thực hiện một kế hoạch dài hạn trong vòng 30 năm (1990 - 2020) gọi là “Chương trình
phát triển mới” hay “Tầm nhìn 2020” với mục tiêu đưa Malaysia trở thành
một nước phát triển vào năm 2020. Trong tiến trình đó, theo Kế hoạch 5 năm lần Thứ 9 (giai đoạn 2006 - 2010) nhằm phát triển 5 khu vực kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng quốc gia, và Vùng kinh tế Nam Johor (SJER) được coi là một hành lang phát triển phía Nam Malaysia.
ĐKKT Iskandar chính thức ra đời vào năm 2006. Khu vực kinh tế này sau đó được gọi là Khu vực Phát triển Iskandar hay Iskandar - Malaysia.
Hình 3.5. Đặc khu kinh tế Iskandar - Malaysia
3.2.3.2. Quá trình xây dựng và phát triển Đặc khu kinh tế Iskandar - Định hình một khung khổ pháp lý
Cơ quan Phát triển vùng Iskandar (IRDA) được thành lập năm 2007 theo một luật mới - Đạo luật IRDA 2007 (hay Đạo luật 664), nhằm tạo điều kiện thúc đẩy việc hoạch định, triển khai và phát triển CSHT của Đặc khu kinh tế Iskandar.
Việc phát triển mô hình ĐKKT tại Malaysia trong thời gian này được phân cấp cho các cơ quan phát triển kinh tế địa phương dưới sự điều phối của Ban Phát triển Công nghiệp Malaysia (MIDA). MIDA có vai trò điều phối tất cả các tổ chức có liên quan và điều tiết lĩnh vực công nghiệp, phê duyệt các ưu đãi và cấp giấy phép sản xuất kinh doanh.
- Thiết kế mô hình, lựa chọn ngành nghề và triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng.
Iskandar - Malaysia được phát triển với mục tiêu để trở thành “Thành
phố thông minh” bao gồm 6 khía cạnh: Kinh tế thông minh; Quản trị thông
minh; Môi trường thông minh; Di động thông minh; Con người thông minh và Cuộc sống thông minh. Đây là điều đáng tự hào của Iskandar về thành tích đã tạo ra chương trình thí điểm cho thành phố thông minh này trên toàn Malaysia và trong khu vực [84].
Ngoài ra, Iskandar - Malaysia còn phát triển mô hình các khu chuyên sâu nhằm phát triển một số lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế như khu Multimedia Super Corridor (MSC) chuyên phát triển CNTT và truyền thông và Trung tâm Phát triển Iskandar (Iskandar Development Region) nhằm cạnh tranh với Singapore.
Thương hiệu ĐKKT Iskandar được xây dựng trở thành thương hiệu và hình ảnh một trung tâm kinh tế hiện đại có vị trí chiến lược, kết nối toàn cầu nhằm thu hút NĐT và người lao động chất lượng cao đến đầu tư, sinh sống và làm việc.
Các NĐT nước ngoài chiếm đa số ở Iskandar hiện nay đến từ Singapore, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản,…và xu hướng này vẫn đang tiếp tục phát triển. Các NĐT tập trung vào các lĩnh vực mà Iskandar khuyến khích như: Điện và điện tử, dầu khí, chế biến nông sản và thực phẩm; Dịch vụ hậu cần; Du lịch, y tế, giáo dục, tài chính và các ngành công nghiệp sáng tạo [84].
Cư dân sinh sống trong khu vực đang phát triển này có thu nhập ổn định. Nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao, tạo ra giá trị gia tăng cao, nguồn nhân lực có khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt. ĐKKT Iskandar - Malaysia mong muốn cho người dân trở nên giàu có hơn, mong muốn người dân được hưởng thu nhập cao hơn dẫn đến chất lượng sống tốt hơn và có được tài sản để tạo ra nhiều của cải hơn.
- Lựa chọn địa điểm
Địa điểm được lựa chọn để phát triển ĐKKT Iskandar có vị trí chiến lược. Iskandar chạy dọc theo một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới, cũng như gần với trung tâm trung chuyển quốc tế Singapore và các thị trường lớn khác như Indonesia, Trung Quốc và Ấn Độ.
Iskandar chỉ cách sân bay quốc tế Changi của Singapore khoảng 50 phút lái xe và liền kề sân bay Johor Senai của Malaysia nên rất thuận lợi cho hoạt động giao thương, du lịch đường không. Hệ thống đường cao tốc trong khu vực đã được hoàn tất và đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa và du lịch bằng đường bộ của Iskandar. Hoạt động giao thương bằng đường thủy thuận lợi vì xung quanh khu vực này có nhiều cảng biển lớn.
Ngày nay, ĐKKT Iskandar không chỉ đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của bang Johor, mà còn trở thành khu vực phát triển nhanh nhất Malaysia.
3.2.3.3. Bài học kinh nghiệm từ Đặc khu kinh tế Iskandar
Thứ nhất, tầm nhìn, mục tiêu. Từ ngày đầu thành lập năm 2006,
Malaysia đưa ra tầm nhìn phát triển cho ĐKKT Iskandar sẽ trở thành một khu vực năng động mang lại lợi ích về KT-XH và phát triển bền vững cho Malaysia. Ngày nay, sau hơn mười lăm năm thành lập, Iskandar đã đi đúng hướng để hiện thực hóa tầm nhìn này. Đặc khu kinh tế Iskandar ngày nay thực sự trở thành sự lựa chọn đầu tiên để mọi người đến: Đầu tư, làm việc, sinh sống và vui chơi [84].
Thứ hai, yếu tố qui mô. Được xây dựng trên khu vực có diện tích 2.217
km2 (gấp khoảng 3 lần Singapore), Iskandar là dự án quan trọng bậc nhất của Malaysia với mục tiêu thu hút hơn 100 tỷ USD vốn đầu tư trong vòng hai thập kỷ (từ 2006 - 2025). Mục tiêu của dự án phát triển thành phố Iskandar là hợp nhất các thị trấn, cảng biển và sân bay hiện nay của Malaysia với các dự án mới đang được triển khai [23].
Thứ ba, địa điểm và tính liên kết. Địa điểm được lựa chọn phát triển
Đặc khu kinh tế Iskandar có vị trí chiến lược. Iskandar - Malaysia chạy dọc theo một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới, cũng như gần với trung tâm trung chuyển quốc tế Singapore và các thị trường lớn khác như Indonesia, Trung Quốc và Ấn Độ.
Chính phủ Malaysia đã tận dụng vị trí địa lý giáp với Singapore để tập trung nguồn lực phát triển mạng lưới giao thông nội vùng hiện đại kết nối với cả Singapore tạo ra động lực mạnh mẽ cho giao thương và vận tải phát triển, kéo theo các ngành kinh tế khác.
Thứ tư, tập trung ngành nghề. Xác định các ngành kinh tế mũi nhọn để
phát triển, chứ không phát triển tràn lan. Đặc biệt, Đặc khu kinh tế này đã tận dụng nguồn tài nguyên du lịch, định hướng phát triển du lịch xanh và bền vững.
Thứ năm, cơ sở hạ tầng cứng và mềm. Chính phủ Malaysia cho xây dựng hệ thống đường cao tốc trong khu vực tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa và du lịch bằng đường bộ của Iskandar. Xung quanh khu vực này cũng được phát triển thêm nhiều cảng biển lớn tạo điều kiện giao thương bằng đường thủy thuận lợi.
ĐKKT Iskandar đã xây dựng được hệ thống phúc lợi xã hội đầy đủ, chất lượng cao nên thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Iskandar - Malaysia” được xây dựng thành một thương hiệu ở cả Malaysia và Singapore với các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao mức độ nhận diện trên thế giới. Iskandar còn được xây dựng hình ảnh là một Trung tâm kinh tế hiện đại có vị trí chiến lược, kết nối toàn cầu nhằm thu hút NĐT và người lao động chất lượng cao đến đầu tư, sinh sống và làm việc [4].
Thứ sáu, khung pháp lý. ĐKKT Iskandar được phát triển với các thể
chế vượt trội, qua nhiều chính sách ưu đãi mạnh từ chính phủ, đã tạo lập một môi trường hấp dẫn NĐT như:
- Ưu đãi tài chính: Chính sách ưu đãi chung cho các ĐKKT được áp
dụng từ năm 1986, khi Luật Xúc tiến Đầu tư của Malaysia có hiệu lực. Gói ưu đãi bao gồm miễn 70% thuế trong 5 năm từ khi bắt đầu sản xuất, sau đó áp dụng mức thuế phổ thông là 27%; chiết khấu thuế đầu tư cho phép khấu trừ 60% chi phí vốn của doanh nghiệp vào thuế TNDN phải nộp. Các doanh nghiệp xuất khẩu trên 80% được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu và máy móc thiết bị chính.
Ngoài ra, các công ty đầu tư vào các hoạt động dựa vào tri thức được hưởng miễn thuế 100% trong vòng 5 năm hoặc được khấu trừ thuế đầu tư vào lợi nhuận. Trung tâm Mua sắm Công Quốc tế (International Procurement) và các Trung tâm Phân phối Vùng (Regional Distribution) được miễn thuế TNDN trong 10 năm. Các ngành khác như phần mềm và
công nghệ sinh học cũng được hưởng nhiều ưu đãi khác. Doanh nghiệp đầu tư vào các ngành tài chính và dịch vụ y tế của Iskandar được miễn thuế TNDN trong 10 năm. Đầu tư trong khu vực này doanh nghiệp còn được khấu trừ 100% các khoản chi phí chính vào lợi nhuận đối với 5 ngành kinh tế trọng điểm là: Du lịch, dầu khí, sản xuất, nông nghiệp và giáo dục. Nhân lực trong các ngành này cũng được hưởng ưu đãi về thuế TNCN.
- Ưu đãi về đất đai: Luật Đất đai của Malaysia cho phép các công ty
tư nhân, người nước ngoài hoặc người Malaysia được quyền sở hữu đất. Người nước ngoài được mua đất để đầu tư sau khi được Ủy ban Đầu tư nước ngoài chấp thuận. Trong trường hợp không được chấp thuận, doanh nghiệp buộc phải thuê đất với thời hạn tối đa từ 60 đến 99 năm.
- Về cơ sở hạ tầng: Chính phủ đầu tư CSHT thiết yếu (đường, nước,
cảng biển, sân bay, trung tâm logistics,…) và CSHT xã hội (trường học, công viên, các khu thể thao văn hoá xã hội,…) để tạo động lực thu hút đầu tư và nguồn nhân lực.
- Về an sinh xã hội: Các dự án nhà ở cho thuê giá rẻ nhằm nâng cao
đời sống của người có thu nhập trung bình và thấp. Các hoạt động hướng tới cộng đồng được khuyến khích, bao gồm các hoạt động kết nối người dân từ các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, kết nối giới thanh thiếu niên để cùng nhau chia sẻ và phát triển năng lực và kỹ năng. Thành lập các nhóm bảo đảm an ninh tình nguyện, khuyến khích người dân tham gia vào các công tác đảm bảo an ninh trong khu vực. Người già, người khuyết tật được giúp đỡ tạo việc làm thông qua các doanh nghiệp xã hội và các tổ chức hợp tác.
- Về phát triển bền vững: Xây dựng Trung tâm Phát triển Iskandar
theo tiêu chí thông minh, gồm 28 đặc trưng trong 6 lĩnh vực: Điều hành chính phủ, giao thông, đời sống, kinh tế, môi trường và con người.
- Về khởi nghiệp: Chương trình “Drop Cash” đào tạo trực tuyến cho người trẻ các kỹ năng khởi nghiệp. Các khoá học về khởi nghiệp và các chương trình cho vay cũng được tổ chức cho phụ nữ. Các chương trình đào tạo về kinh doanh và kinh doanh trực tuyến cũng được tổ chức cho các doanh nghiệp nhỏ mới thành lập để nâng cao hiệu quả bán hàng.