(i) Về cơ sở hạ tầng giao thông: Hiện nay, hàng loạt các dự án giao
thông có quy mô lớn được chính quyền Thành phố ưu tiên đầu tư phát triển trong khu vực này, điển hình như: Hệ thống hầm chui, cầu vượt trên đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7). Hai dự án trọng điểm là cầu Thủ Thiêm 3 và cầu Thủ Thiêm 4 (kết nối giữa Thành phố Thủ Đức với Quận 7) với quy mô đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, một số dự án trọng điểm khác đang được đẩy nhanh như cầu Nguyễn Khoái - Quận 7 kết nối với Quận 4 (vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng), dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành (Quận 4) dự án đường trục Bắc - Nam kết nối khu vực trung tâm với các Quận 4, Quận 7 và huyện Nhà Bè có tổng kinh phí dự trù hơn 8.500 tỷ đồng [30].
Hạ tầng giao thông thủy trong khu vực với luồng Soài Rạp mới được nạo vét cho tàu biển có trọng tải 70.000 tấn ra vào Cảng Hiệp Phước thuận tiện, kết hợp với hệ thống sông rạch trong khu vực huyện Nhà Bè dễ dàng cho việc giải tỏa hàng hóa tại các cảng khu vực Hiệp Phước về các tỉnh ĐBSCL.
Hình 4.2. Cầu vượt hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ
Nguồn: Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh (2020) [30].
(ii) Về cơ sở hạ tầng cảng biển: Khu công nghiệp Hiệp Phước có Cảng
Container Quốc Tế Trung Tâm Sài Gòn (SPCT) với công suất thông qua 1.000.000 TEUs hằng năm, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước với 2 cầu cảng có tổng chiều dài 500 m, khả năng tiếp nhận tàu chở hàng tổng hợp, tàu container có trọng tải đến 50.000 DWT [30].
Khu vực phía Nam Thành phố được nghiên cứu, có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi kết nối thuận lợi với trung tâm thành phố, thuận tiện kết nối với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được xây dựng. Đồng thời, trong khu vực có Cảng Hiệp Phước, dự báo sẽ là cảng trung tâm của khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, TP.HCM nằm ở ngã tư quốc tế các con đường hàng hải từ Bắc - Nam, từ Đông - Tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á. Điều này cho thấy, khu vực Nam TP.HCM chính là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh trong vùng
và là cửa ngõ quốc tế. Hệ thống cảng và sân bay lớn của cả nước, trong đó Cảng Sài Gòn với năng lực hoạt động 10 triệu tấn/năm [30].
Hệ thống hạ tầng cảng biển của khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược phát triển ra biển Đông và khẳng định vai trò cửa ngõ quốc tế đối với TP.HCM. Các dự án nạo vét luồng Soài Rạp để đón tàu trọng tải lớn, phát triển Cảng Hiệp Phước và Khu Đô thị Công nghiệp Cảng Hiệp Phước, di dời hệ thống cảng trong nội thành đều tập trung khu vực này.
Tuy nhiên, các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế biển của Thành phố trong thời gian qua chỉ được đặt trong tầm nhìn của một địa phương, do chưa có cơ chế để tạo động lực, khuyến khích liên kết vùng. Để giải quyết bế tắc đó, việc xây dựng và phát triển một KKT để tạo thêm sức hút cho TP.HCM trong đột phá khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển và phát triển dịch vụ logistics cho toàn khu vực.
Hình 4.3. Cảng Container Quốc tế Trung tâm Sài Gòn (SPCT)
Nguồn: Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận
(iii) Các dự án phát triển đô thị: Hiện nay, khu vực phía Nam TP.HCM có hàng loạt các khu đô thị hiện đại được mọc lên, góp phần đáng kể cho sự phát triển chung của Thành phố. Điển hình như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã chuyển mình trở thành một khu đô thị kiểu mẫu bậc nhất Việt Nam, là một trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, khoa học, văn hóa, giáo dục, giải trí,... Bên cạnh đó còn có một số dự án phát triển đô thị lớn như: Dự án GS Metrocity Nhà Bè (Zeitgeist City) là một siêu đô thị với tổng diện tích 349 ha được phát triển bởi tập đoàn GS Hàn Quốc, Dự án Saigon Peninsula diện tích 118 ha với tổng mức đầu tư hơn 6 tỷ USD,…[37].
Nhìn dưới góc độ CSHT có sẳn, phát triển KKT tại Nam Thành phố là rất phù hợp. Đó là sự phát triển các KCX, KCN, Khu đô thị tổng hợp,…được hình thành trước với điều kiện hạ tầng được đầu tư cơ bản, kết nối thuận lợi với các trung tâm, các khu vực khác.
Hình 4.4. Một góc Khu Đô thị Phú Mỹ Hưng