Rủi ro do con người

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro hoạt động tại ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu việt nam (Trang 57 - 61)

2.2.1.1. Rủi ro hoạt động do gian lận nội bộ

Thực tế những năm gần đây, tại Eximbank đã xảy ra một số sự cố RRHĐ liên quan đến vấn đề đạo đức của nhân viên. Cán bộ ngân hàng lợi dụng chức năng nhiệm vụ, sự sơ hở trong quá trình tác nghiệp đã thực hiện các hành vi lừa đảo, làm hồ sơ giả để rút tiền ngân hàng. Cụ thể năm 2011, lợi dụng hiện đang là phó phòng cá nhân Eximbank chi nhánh Vinh- Ông Đặng Nam Hải đã lợi dụng cơ chế cho vay không chặt chẽ của Eximbank, lợi dụng nhân viên cấp dưới lập khống hồ sơ vay vốn của những khách hàng có tiền gửi tiết kiệm tại chi nhánh mình, chiếm đoạt hơn

15 tỷ đồng của Eximbank. Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Đặng Nam Hải mức án 20 năm cho hành vi này.

Năm 2012, ông Đào Duy Trường- Giám đốc Eximbank chi nhánh Bình Dương đã nhờ 40 hộ dân đứng tên vay vốn tại Eximbank chi nhánh Bình Dương. Ông Trường đã chỉ đạo thuộc cấp lập hồ sơ vay vốn, việc thẩm định hồ sơ vay vốn do chính ông Trường và “bộ sậu” phê duyệt, tổng số tiền giải ngân hơn 135 tỷ đồng được ông Trường dùng vào việc đầu tư bất động sản và tiêu dùng cá nhân. Khi thị trường bất động sản lao dốc, ông Trường mất khả năng chi trả. Hiện cơ quan công an tiến hành truy nã ông Trường trong phạm vị toàn quốc về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Năm 2015, bà Huỳnh Thị Trinh- Giám đốc Eximbank chi nhánh Sài Gòn bị bắt, nguyên trước đó vào năm 2012 bà Trinh đã phê duyệt hồ sơ vay tín chấp của công ty trách nhiệm hữu hạn Gia Phát Thành (công ty chuyên nhập khẩu các mặt hàng xịn từ Italia như Gucci, Milano, D&G,...), hạn mức được cấp 150 tỷ đồng. Công ty sau đó đã bị công an TP.HCM phát hiện nhập các hàng từ Italia nhưng lại gắn tem hàng có xuất xứ từ Hong Kong- Trung Quốc để trốn thuế, và đã tịch thu toàn bộ những lô hàng của công ty này (Eximbank nhận lô hàng này làm tài sản đảm bảo). Trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, bà Trinh đã bỏ qua các quy định của Eximbank, chấp nhận báo cáo tài chính chưa được kiểm toán, không tiến hành kiểm tra và kiểm soát hàng lưu kho. Bà Trinh đã gây thiệt hại cho Eximbank hơn 160 tỷ đồng bao gồm gốc và lãi vay.

Các vụ việc này đều đã được phát hiện, nhưng nó đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngân hàng cũng như gây thiệt hại vốn cho Eximbank.

2.2.1.2. Rủi ro hoạt động do sự cẩu thả, sơ xuất của nhân viên

Rủi ro liên quan đến các sai sót trong quá trình tác nghiệp của nhân viên là loại rủi ro lớn, xảy ra hằng ngày và có nguy cơ tổn thất cao trong hoạt động của Eximbank. Các sai sót trong quá trình tác nghiệp của nhân viên bao gồm:

Sai sót trong nghiệp vụ huy động vốn: mở tài khoản khi hồ sơ của khách hàng chưa đầy đủ thông tin (không có các giấy tờ tùy thân của khách hàng như chứng minh nhân dân, Passport,...), thiếu chữ ký của chủ tài khoản trong giấy đề nghị mở tài khoản dù tài khoản đã hoạt động; sai sót trong việc kiểm tra mẫu dấu và mẫu chữ ký của khách hàng trên chứng từ giao dịch; mở tài khoản cho khách hàng dưới 18 tuổi mà không có người giám hộ; phát sinh các trường hợp lãnh đạo phòng ký tên và đóng dấu trước vào các sổ tiết kiệm trắng, các sổ tiết kiệm bị hỏng nhân viên không báo và không gửi về chi nhánh trong ngày, tất toán sổ tiết kiệm của khách hàng mà không thu hồi sổ tiết kiệm, tất toán sổ tiết kiệm sau ngày đáo hạn và mở sổ tiết kiệm mới nhưng nhân viên hạch toán lùi lại vào đúng ngày tới hạn của sổ. Năm 2014 ghi nhận trường hợp khách hàng V.T.An tại chi nhánh Chợ Lớn tất toán sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng mở sổ tiết kiệm mới nhưng bộ phận kế toán không thu hồi lại sổ tiết kiệm cũ, sau khi đoàn kiểm toán phát hiện mới tiến hành thu hồi sổ,...Có thể thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những lỗi trên là do sai sót của cán bộ trong quá trình tác nghiệp, nguyên nhân sâu sa của nó là sự ý thức chấp hành về các quy định nội của Eximbank chưa được nghiêm túc, sự thiếu trách nhiệm của giao dịch viên và kiểm soát viên trong quá trình thực hiện thao tác nghiệp vụ.

Sai sót trong nghiệp vụ chuyển tiền, kế toán giao dịch: sai sót trong việc tính các phí không đúng theo quy định, hạch toán nhầm tài khoản của người thụ hưởng, hạch toán nhầm đơn vị tiền tệ. Năm 2015 nhân viên V.T.A.Minh đã hạch toán nhầm số tiền 5,2 tỷ đồng vào tài khoản tài khoản 14011484999xxxx thay vì đúng là tài khoản 14101484999xxxx, sự việc chỉ được phát hiện sau hơn 2 giờ khi bên thụ hưởng không nhận được tiền đến, Eximbank đã kịp thu hồi số tiền hạch toán nhầm, cũng trong năm 2015 ghi nhận tại chi nhánh Chợ Lớn nhân viên hạch toán sai tài khoản số tiền 500 triệu đồng 12 ngày sau vụ việc mới được phát hiện và khắc phục, năm 2015 phòng giao dịch Lý Thái Tổ hạch toán thu phí sai loại tiền, thay vì đúng là thu 831.600 VND nhưng hạch toán 831.600 USD; ngoài ra các lỗi sai sót nghiệp vụ chuyển tiền còn có: trưởng phòng dịch vụ khách hàng giao user và password cho kiểm soát viên khi đi vắng dẫn đến việc kiểm soát và phê duyệt là

cùng một người; số tiền bằng số và bằng chữ không khớp nhau trên lệnh chuyển, chuyển tiền khi ủy nhiệm chi chưa có chữ ký của chủ tài khoản chỉ mới có đóng dấu của công ty,...Những lỗi sai sót này xuất phát từ sự chủ quan và cẩu thả của nhân viên trong ngân hàng.

Sai sót trong nghiệp vụ kho quỹ: những sai sót trong việc thu chi tiền của nhân viên không phát hiện được tiền giả, nhầm lẫn trong việc phân loại tiền và tiền mặt không được đóng gói niêm phong và sắp xếp đúng quy định. Thu/chi tiền thừa hoặc thiếu so với đề nghị của khách hàng; khách hàng nộp tiền mà nhân viên phòng ngân quỹ chỉ thực hiện kiểm đếm chi tiết với tiền lẻ, không thực hiện kiểm đếm đối với tiền nguyên bó; khi chi tiền cho khách chưa kiểm tra đối chiếu chứng minh nhân dân với lệnh chi, kiểm tra quỹ không có sự chứng kiến của lãnh đạo phòng nghiệp vụ, sử dụng tiền của ngân hàng để đầu cơ vàng, ngoại tệ,...Vụ việc ghi nhận vào năm 2012 ông N.T.Hiếu với chức danh là phó giám đốc phòng giao dịch An Đông, với nhiệm vụ chính là quản lý kho quỹ và mua bán vàng ngoại tệ, ông Hiếu đã dùng tiền của ngân hàng để tiến hành mua vàng, sau khi vàng tăng giá trong ngày thì ông Hiếu bán để kiếm lời, nếu lỗ thì ông Hiếu dùng tiền cá nhân để bù phần chênh lệch. Sự việc này kéo dài cả năm đến khi kiểm toán kiểm tra mới phát hiện sai phạm, ông Hiếu đã trục lợi hơn 80 triệu đồng. Nhìn chung các lỗi liên quan đến kho quỹ chủ yếu xuất phát từ sự cẩu thả và không tuân thủ theo quy định của Eximbank.

Sai sót trong nghiệp vụ phát hành thẻ/ATM: sai sót chủ yếu là cán bộ không chấm máy ATM hằng ngày, nạp tiền vào máy ATM không đủ cơ cấu các loại tiền, cập nhật sai số lượng tiền vào máy ATM khi tiếp quỹ; người nhận thẻ và mã pin không phải là chủ thẻ mà không có giấy ủy quyền; thiếu sự kiểm tra kiểm soát của lãnh đạo phòng về số lượng thẻ còn tồn dẫn đến có sự chênh lệch giữa số thẻ của hệ thống và thực tế; không lưu trữ đủ hồ sơ phát hành thẻ của khách hàng,... Sai sót hay gặp nhất tại Eximbank là phát hành thẻ vượt hạn mức thẩm quyền cấp tín dụng của chi nhánh, trường hợp điển hình như tại Phòng giao dịch Hồng Bàng phát hành thẻ tín dụng tín chấp vượt thẩm quyền của phòng giao dịch (hạn mức 50 triệu đồng) khách hàng T.M.Đan tại thời điểm phát hành thẻ Master hạn mức 50 triệu

đồng, khách hàng đang sử dụng thẻ Visa hạn mức 50 triệu đồng. Như vậy tổng hạn mức tín chấp của khách hàng là 100 triệu đồng, vượt thẩm quyền của phòng giao dịch. Đây chỉ là trường hợp khá điển hình trong việc cấp hạn mức thẻ tín dụng tại Eximbank. Một số chi nhánh cấp hạn mức thẻ tín dụng cho khách hàng đang vay vốn tại mình nhưng nếu tính luôn hạn mức thẻ đã vượt thẩm quyền cấp tín dụng của chi nhánh nhưng chi nhánh vẫn phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng. Ngoài ra theo kết luận của thanh tra NHNN, Eximbank cấp thẻ tín dụng cho người thân của HĐQT, ban điều hành là không đúng với các quy định hiện hành cùa NHNN.

Sai sót trong nghiệp vụ tín dụng: sai sót trong nghiệp vụ này là vấn đề tuân thủ các quy định, chính sách tín dụng nội bộ tại Eximbank như thẩm định vay vốn sơ sài, giải ngân không có chứng từ sử dụng vốn, không tiến hành kiểm tra sử dụng vốn theo quy định, định giá tài sản đảm bảo không phù hợp với giá trị thực tế, không kiểm trả kỹ tài sản dẫn đến một số trường hợp có tranh chấp, không phân loại nợ đúng theo quy định,...Năm 2011 tại chi nhánh Long An ghi nhận việc định giá sai giá trị tài sản, đất chỉ có lối vào duy nhất thuộc chủ sở hữu của người khác nhưng vẫn định giá theo giá trị của phần đất bên ngoài, khi khách hàng quá hạn đã không xử lý được tài sản gây thất thoát cho Eximbank hơn 10 tỷ đồng. Vụ việc bà Huỳnh Thị Trinh như đã nêu ở trên là hồi chuông cảnh báo cho toàn bộ ban lãnh đạo và nhân viên của Eximbank phải luôn tuân thủ theo các chính sách tín dụng nội bộ và các quy định về cấp tín dụng của NHNN.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro hoạt động tại ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu việt nam (Trang 57 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)