2.4.3.1. Môi trường pháp lý về rủi ro hoạt động chưa đầy đủ
Hiện nay, NHNN chưa ban hành các văn bản hướng dẫn mang tính chất định hướng QTRRHĐ tại các NHTM. Do đó, mức độ tổ chức, áp dụng QTRRHĐ tại các
NHTM hoàn toàn phụ thuộc vào sự quan tâm của ban lãnh đạo cũng như khả năng tiếp cận với các thông lệ quốc tế, trình độ ứng dụng CNTT của ngân hàng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế của công tác QTRRHĐ của các NHTM nói chung và đối với Eximbank nói riêng.
2.4.3.2. Ban lãnh đạo Eximbank chưa quan tâm đúng mức đến tổ chức quản trị rủi ro hoạt động
Ban lãnh đạo Eximbank đã ý thức được tầm quan trọng của công tác QTRRHĐ, đã thực hiện được các quy trình nghiệp vụ. Tuy nhiên, ban lãnh đạo chưa đưa ra các phương hướng QTRRHĐ một cách rõ ràng, thiếu sự quyết tâm trong công tác thực hiện, chủ yếu vẫn nghiêng về tổ chức và triển khai những chính sách kinh doanh hơn là công tác tổ chức QTRR, đặc biệt là QTRRHĐ, hơn nữa Eximbank chưa xây dựng được văn hóa về QTRRHĐ, chưa đánh giá đúng vai trò của QTRRHĐ trong toàn bộ hệ thống. Đến nay, ngân hàng đã thực hiện công tác nhận diện rủi ro nhưng chưa đầy đủ, việc đánh giá và đo lường RRHĐ một cách sơ sài, chưa chính xác; các bộ phận quản lý RRHĐ chưa được tổ chức một cách hợp lý, nhân sự tuy đông nhưng ở một số bộ phận, phòng ban có chất lượng kém. Ngoài ra, Eximbank chưa thiết lập được các công cụ hữu hiệu nhằm đánh giá, kiểm soát RRHĐ và đặc biệt là chưa có biện pháp tài trợ RRHĐ. Ngoài ra, Eximbank chưa xây dựng cho mình một khung QTRRHĐ thống nhất từ trên xuống dưới, các hoạt động về QTRRHĐ chỉ mang tính chất chung chung, không làm đến nơi đến chốn. 2.4.3.3. Hệ thống công nghệ thông tin và phần mềm chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị rủi ro hoạt động
Do hạn chế về công nghệ, ở Việt Nam nói chung và ở Eximbank nói riêng chưa có phần mềm chính về quản lý RRHĐ; chưa có chương trình phần mềm chiết xuất dữ liệu, các thông tin quản lý rủi ro từ hệ thống ngân hàng lõi. Các bộ phận quản lý RRHĐ thống kê các sai sót, sự cố RRHĐ, đo lường phân tích, đánh giá bằng phương pháp thủ công, quá trình tổng hợp rất khó khăn.
Ngoài ra, tính bảo mật của hệ thống CNTT của ngân hàng chưa cao, tạo nhiều kẽ hở cho cán bộ nhân viên ngân hàng và các đối tượng xấu lợi dụng.
2.4.3.4. Cơ chế phối hợp các phòng ban chưa hiệu quả
Sự phối hợp giữa các phòng ban tại hội sở, giữa hội sở và chi nhánh chưa thực sự tốt và hiệu quả. Vì chưa xây dựng được cơ chế phối kết hợp hiệu quả giữa các bộ phận và chức năng nên việc cung cấp thông tin đầu vào cho hoạt động QTRRHĐ chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của phòng quản lý RRHĐ. Quá trình này làm cho việc cung cấp thông tin không kịp thời và hiệu quả.
2.4.3.5. Trình độ chuyên môn và nhận thức về quản trị rủi ro của nhân viên còn kém Hiện nay, công tác đào tạo tại Eximbank chưa được thực hiện nghiêm túc. Mặc dù các nhân viên được tuyển vào đa phần đều có trình độ đại học nhưng việc đào tạo ban đầu chưa thật sự hiệu quả, trung tâm đào tạo đã được thành lập nhưng chủ yếu là để đào tạo các nhân viên mới tuyển dụng, việc đào tạo nhân viên cũ hầu như không thực hiện, công tác đào tạo chủ yếu tập trung vào đào tạo nghiệp vụ sản phẩm, kỹ năng bán hàng mà chưa chú trọng nâng cao trình độ nhân viên cũ và cán bộ QTRR. Theo khảo sát, hầu hết các nhân viên tại Eximbank chưa được đào tạo qua lớp QTRRHĐ.
Eximbank chưa tạo được văn hóa tuân thủ QTRRHĐ trong toàn bộ ngân hàng từ trên xuống dưới. Một bộ phận cán bộ, nhân viên trong ngân hàng chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của QTRRHĐ. Từ đó đã dẫn tới tư tưởng chủ quan, hành động thiếu cẩn trọng, công tác báo cáo chưa được quan tâm và chỉ mang tính hình thức, thậm chí một số chi nhánh còn báo cáo không trung thực trình trạng RRHĐ tại chi nhánh của mình dẫn đến tình trạng đầu vào không đầy đủ, không phản ánh đúng thực trạng RRHĐ tại ngân hàng.
2.4.3.6. Thiếu các công cụ bảo hiểm cần thiết
Hiện nay, do tại Việt Nam chưa phát triển đa dạng các sản phẩm bảo hiểm, trong nhiều trường hợp Eximbank muốn bảo hiểm cho các nghiệp vụ của mình cũng
khó khăn và không thể triển khai (ở Việt Nam chỉ mới có bảo hiểm tiền gửi, chưa có hoạt động bảo hiểm thanh toán, bảo hiểm tài trợ thương mại).
Qua quá trình phân tích thực trạng hoạt động QTRRHĐ tại Eximbank cho thấy hoạt động QTRRHĐ tại Eximbank vẫn chưa đáp ứng được một số nguyên tắc cơ bản của Ủy ban Basel đề xuất như: chưa đảm bảo tính độc lập, tính minh bạch và sự phối hợp giữa các bộ phận chức năng; chưa có các phương tiện hiện đại để thu thập dữ liệu, xem xét và phân tích các báo cáo về an toàn hoạt động, chưa xây dựng được văn hóa tuân thủ QTRRHĐ trong toàn bộ ngân hàng, từ cấp lãnh đạo đến nhân viên,...Về phía NHNN chưa hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ hoạt động QTRRHĐ tại các NHTM, các quy định về trích lập dự phòng đối với RRHĐ theo đề xuất của Basel và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Chương 2 đã giới thiệu sơ lược về Eximbank và công tác QTRRHĐ tại ngân hàng. Sau đó, chương 2 đã tập trung phân tích RRHĐ và công tác QTRRHĐ tại Eximbank. Hoạt động QTRRRHĐ bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định như đã thành lập được bộ phận chuyên trách quản lý RRHĐ, các quy trình tác nghiệp và hệ thống CNTT đã được xây dựng,...Bên cạnh đó, hoạt động QTRRHĐ tại Eximbank vẫn còn rất nhiều hạn chế về mô hình tổ chức, môi trường kiểm soát, công nghệ và nguồn nhân lực cũng như chưa xây dựng được văn hóa QTRRHĐ,...Điều này đòi hỏi Eximbank cần tiến hành nhiều biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác QTRR nói chung và QTRRHĐ nói riêng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng.
CHƯƠNG 3. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN TRỊ RỦI RO HOẠT ĐỘNG TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN
XUẤT NHẬP KHẨU VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2016-2020