Nguyên nhân thuộc về năng lực quản trị của ngân hàng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) rủi ro tín dụng tại ngân hàng TMCP ngoại thương việt nam chi nhánh nam sài gòn (Trang 62 - 65)

- Nguyên nhân xuất phát từ CBKH:

+ Chất lượng CBKH không đồng đều, bên cạnh những cán bộ làm việc lâu năm có nhiều kinh nghiệm trong công tác, còn nhiều cán bộ mới ra trường thiếu kiến thức thực tế, hạn chế về khả năng nhìn nhận, đánh giá khách hàng. Đây là thực trạng phổ biến và bình thường của các ngân hàng. Vấn đề của Chi nhánh là CBKH phải đảm đương hầu hết các khâu trong quy trình cho vay, không phân biệt bộ phận thể nhân hay doanh nghiệp, do yêu cầu về khối lượng công việc nhiều cán bộ mới ra trường phải thực hiện những khoản cho vay với độ phức tạp cao, dẫn đến chỉ thực hiện một cách máy móc, chưa đủ kinh nghiệm, khả năng, trình độ để thực hiện việc thẩm định cho vay, đánh giá đúng hiệu quả và mức độ rủi ro của phương án, dự án, chưa nhận thức được đầy đủ các yêu cầu của công tác tín dụng.

+ Ngoài nguyên nhân về năng lực chuyên môn thì vấn đề đạo đức của CBKH cũng là một nguyên nhân thường xuyên gây rủi ro cho hoạt động tín dụng. Tại chi nhánh chưa có trường hợp CBKH sa sút về phẩm chất đạo đức, cấu kết với khách hàng gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng còn tồn tại tình trạng cán bộ thiếu trách

nhiệm, thẩm định sơ sài, nhiều hồ sơ có vấn đề nhưng vẫn bỏ qua, hợp thức hóa món vay, thiếu kiểm tra kiểm soát dẫn đến phát sinh nợ xấu.

- Nguyên nhân xuất phát từ chính sách tín dụng:

+ Có thể thấy nguyên nhân rất lớn liên quan đến tình trạng nợ xấu tăng cao trong giai đoạn năm 2007-2008 là do Chi nhánh chưa có chính sách tín dụng cụ thể, việc cho vay bị cuốn theo hội chứng phong trào. Trước đây, tập trung cho vay các tổng công ty thuộc ngành xây dựng, giao thông vận tải, khi hàng loạt các công ty này làm ăn thua lỗ, mất khả năng trả nợ Chi nhánh phải gánh chịu một lượng dư nợ xấu rất lớn, như thời điểm năm 2004 nợ xấu chiếm 16% tổng dư nợ của Chi nhánh. Đến giai đoạn năm 2007-2008, tập trung cho vay đối tượng bất động sản, chứng khoán với kỳ vọng tài sản hình thành từ vốn vay sẽ có giá trị cao hơn, tuy nhiên tình trạng sốt và giảm giá nhà đất, chứng khoán nghiêm trọng trong thời gian qua đã làm cho kỳ vọng vô nghĩa. Giá bất động sản, chứng khoán sụt giảm, giá trị thế chấp không đủ bù đắp khoản vay, thanh khoản kém, dẫn đến tình trạng nợ xấu là điều tất yếu. Bên cạnh đó, Chi nhánh chưa quan tâm đến chính sách phân tán rủi ro, số liệu năm 2009 cho thấy, trong tổng số hơn 1000 khách hàng, có tổng dư nợ trên 3.500 tỷ, có 55% dư nợ tập trung vào 20 khách hàng, nên chỉ cần một vài khách hàng phát sinh nợ xấu sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của toàn chi nhánh.

+ Chi nhánh có xây dựng kế hoạch tín dụng theo một số một số tiêu chí như: cơ cấu dư nợ ngắn, trung, dài hạn, ngành, thành phần kinh tế, tuy nhiên không được tuân thủ, theo dõi và kiểm tra thường xuyên. Chỉ khi rủi ro phát sinh mới có chính sách phòng ngừa, hạn chế.

- Nguyên nhân xuất phát từ quy trình tín dụng và sự tuân thủ quy trình:

+ Về Quy trình tín dụng: hạn chế nổi bật là chưa có sự phân công, chuyên môn hóa các công đoạn, các đối tượng khách hàng khác nhau. CBKH kiêm nhiệm nhiều việc, dẫn đến chất lượng tín dụng không được đảm bảo.

+ Phương pháp phân tích tín dụng vẫn sử dụng phương pháp cổ điển dựa vào sự phán đoán cá nhân của nhân viên tín dụng, vì vậy kết quả phân tích mang nặng tính chủ quan do phụ thuộc vào trình độ và bản lĩnh người phân tích. Trong nhiều trường hợp các chỉ tiêu trong tờ trình thẩm định bị cắt giảm, hoặc làm sơ sài, dẫn đến chất lượng công tác thẩm định kém.

+ Trong nhiều trường hợp Chi nhánh không tuân thủ nghiêm túc chế độ tín dụng và điều kiện cho vay. Bỏ qua các tiêu chuẩn, điều kiện trong cho vay, thiếu quan tâm đến chất lượng khoản vay. Tuy nhiên chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát thích hợp để kịp thời phát hiện ra sai sót, phòng ngừa rủi ro.

- Chi nhánh còn quá chú trọng vào tài sản đảm bảo khi cấp tín dụng:

Hầu hết các khách hàng khi vay vốn tại Chi nhánh đều phải có tài sản bảo đảm, không có tài sản bảo đảm khách hàng đồng nghĩa với việc sẽ không được vay. Kết quả là nhân viên tín dụng quá tập trung vào việc đánh giá tài sản bảo đảm, coi tài sản bảo đảm là yếu tố mang tính quyết định khi cấp tín dụng. Thực tế cho thấy dù đã nắm giữ tài sản mà khách hàng sử dụng bảo đảm cho khoản vay, rủi ro vẫn xảy ra với ngân hàng do không xem xét kỹ hiệu quả phương án kinh doanh của khách hàng. Vấn đề định giá tài sản thế chấp cũng cần xem xét lại khi hiện nay chi nhánh chưa có quy chuẩn cho việc định giá. Việc thẩm định chủ yếu tham khảo giá trị thị trường vào lúc thẩm định chưa có tính toán đến những rủi ro biến động giá trong tương lai, kết quả định giá phụ thuộc nhiều vào chủ quan của CBKH nên dễ dẫn đến tình trạng tỷ lệ cho vay quá cao so với giá trị thật của tài sản thế chấp.

- Thiếu kiểm tra giám sát sau cho vay:

CBKH kiêm nhiệm nhiều khâu trong quá trình cho vay nên không có nhiều thời gian cho việc kiểm tra giám sát sau cho vay, việc kiểm tra sau cho vay thường chỉ mang tính hình thức, đối phó bằng cách gửi biên bảng kiểm tra cho khách hàng ký mà thực tế lại không kiểm tra tại đơn vị hoặc chỉ làm khi có sự yêu cầu của kiểm toán nội bộ, thanh tra để bổ sung sự đầy đủ của hồ sơ vay vốn. Vì vậy khi khách hàng sử dụng

vốn sai mục đích hoặc gặp khó khăn về tài chính CBKH không nắm bắt được, không nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo rủi ro để có biện pháp khắc phục kịp thời, chỉ khi khách hàng có những dấu hiệu rõ ràng trong việc chậm trả, phát sinh nợ quá hạn mới quan tâm đến tình hình hoạt động của khách hàng.

- Công tác kiểm tra giám sát nội bộ còn yếu kém:

Yêu cầu đối với bộ phận kiểm soát nội bộ là cung cấp hệ thống thông tin báo cáo để kiểm soát hoạt động quản lý, điều hành, tác nghiệp và đảm bảo tính tuân thủ nhằm hạn chế và kiểm soát rủi ro có thể phát sinh trong quy trình nghiệp vụ và hoạt động của ngân hàng. Ưu thế của kiểm toán nội bộ là nhanh chóng, kịp thời và sâu sát với những vấn đề phát sinh để khắc phục ngay, phòng ngừa hạn chế rủi ro, nếu làm tốt, bộ phận này sẽ trở thành công cụ vô cùng hữu ích nhằm hạn chế rủi ro đối với hoạt động cho vay của ngân hàng. Tuy nhiên hiện nay tại chi nhánh công tác kiểm tra giám sát nội bộ còn rất yếu kém, với số lượng 03 cán bộ thực hiện việc kiểm tra giám sát hơn 1000 khách hàng, với tổng dư nợ trên 3500 tỷ đồng. Việc kiểm tra được thực hiện sau khi cho vay vì vậy không có tính chất hỗ trợ phòng ngừa, cảnh báo khi phát khoản vay. Nội dung kiểm tra chỉ dừng lại ở tính đầy đủ của hồ sơ vay vốn, chưa quan tâm đến bản chất của khoản vay. Các báo cáo kiểm soát nội bộ không được sự quan tâm, chú ý của Ban lãnh đạo trong phòng ngừa rủi ro.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) rủi ro tín dụng tại ngân hàng TMCP ngoại thương việt nam chi nhánh nam sài gòn (Trang 62 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)