. Tổ chức thật tốt công tác chăm sóc khách hàng Tiến hành phân nhóm khách hàng, lập danh sách và phân công trách nhiệm cho cá nhân và đơn vị
3.6.1. Kiến nghị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam
Thứ nhất, BIDV hỗ trợ nguồn vốn để cho vay trung, dài hạn đối với các dự án đầu tư có quy mô lớn tại địa bàn Gia Lai của các doanh nghiệp là khách hàng truyền thống và chiến lược của BIDV Gia Lai nói riêng và BIDV nói chung để BIDV Gia Lai có đủ khả năng tự cân đối nguồn vốn cho vay các dự án đầu tư của các doanh nghiệp khác phù hợp định hướng phát triển kinh tế của Tỉnh
BIDV Gia Lai có thế mạnh về cho vay các dự án đầu tư trên địa bàn và được rất nhiều doanh nghiệp biết đến. Nhiều dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu nhằm mở rộng quy mô, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính canh tranh trên thị trường luôn được BIDV Gia Lai đáp ứng vốn cho vay và phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn. BIDV Gia Lai cũng là một đơn vị trực thuộc có chất lượng tín dụng tốt, tỷ lệ nợ xấu dưới mức bình quân chung của toàn hệ thống BIDV (năm 2010 tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống là 2,7%/tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu của BIDV Gia Lai là 1,75%), việc thu lãi cũng tốt nên kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên trong những năm gần đây việc mở rộng tín dụng cho các doanh nghiệp đặc biệt là cho vay trung, dài hạn luôn bị hạn chế bởi những cơ chế điều hành của BIDV như:
- Giới hạn tăng trưởng dư nợ tín dụng
- Tỷ lệ dư nợ cho vay Trung, dài hạn/Tổng dư nợ - Tỷ lệ dư nợ cho vay doanh nghiệp/tổng dư nợ
- Tăng trưởng tín dụng phải gắn với huy động vốn bằng cách khống hệ số Q ( Hệ số Q = Số dư huy động vốn/Dư nợ vay)
Những chỉ tiêu kế hoạch tín dụng hàng năm của Hội sở chính giao luôn khó cho BIDV Gia Lai trong việc đáp ứng tín dụng cho khách hàng nói chung và KTTN trên địa bàn nói riêng bởi những nguyên nhân:
+ Tổng nhu cầu tín dụng hàng năm của khách hàng đang có quan hệ tại BIDV Gia Lai luôn cao hơn kế hoạch của Hội sở giao, đây là áp lực cho BIDV Gia Lai về giải quyết cho vay vốn đối với khách hàng nói chung và KTTN nói riêng.
+ Nhu cầu vốn tín dụng trung, dài hạn hàng năm của khách hàng rất lớn, trong khi Hội sở chính hạn chế cho vay trung, dài hạn bằng cách giao tỷ lệ dư nợ
trung, dài hạn/Tổng dư nợ theo hướng giảm dần, do đó BIDV Gia Lai khó cho vay vốn trung, dài hạn cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân.
+ BIDV Gia Lai chưa tự chủ được toàn bộ nguồn vốn tại chỗ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng, trong khi Hội sở chính thì giao hệ số Q theo hướng giảm dần nhằm yêu cầu BIDV Gia Lai phải đẩy mạnh công tác huy động vốn.
Cách điều hành của BIDV thời gian quan phần nào đã kìm hãm khả năng đáp ứng vốn tín dụng của BIDV Gia Lai cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Để giải quyết khó khăn trên, tác giả kiến nghị BIDV hỗ trợ nguồn vốn để cho vay trung, dài hạn đối với BIDV Gia Lai theo hướng:
Đối với các doanh nghiệp là khách hàng truyền thống mang tính chiến lược đã được BIDV ký thỏa thuận hợp tác toàn diện như các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Tập đoàn Hoàng Anh, Tổng Công ty 15… đang quan hệ vay vốn tại BIDV Gia Lai thường có dự án đầu tư với quy mô lớn, nếu BIDV Gia Lai cho vay các dự án này mà dư nợ tính vào chỉ tiêu kế hoạch thì sẽ không còn đủ chỉ tiêu tín dụng và nếu còn thì rất ít để cho vay các khách hàng khác, các doanh nghiệp khu vực tư nhân có quy mô nhỏ. Do vậy, BIDV hỗ trợ BIDV Gia Lai để cho vay đối với những dự án của nhóm khách hàng này bằng cách phần dư nợ cho vay các dự án này không tính trừ vào giới hạn tín dụng, không tính vào dư nợ để tính hệ số Q, tỷ trọng dư nợ trung, dài hạn của BIDV Gia Lai hàng năm, xem đây là khoản cho vay của BIDV mà BIDV Gia Lai làm thay cho BIDV. Đối với phần cho vay còn lại BIDV Gia Lai sẽ tự cân đối nguồn vốn để cho vay theo đúng kế hoạch BIDV giao hàng năm. Với cách làm này BIDV Gia Lai mới có điều kiện để vừa thực hiện được nhiệm vụ kinh doanh của BIDV giao đồng thời đáp ứng vốn cho các doanh nghiệp lớn đã quan hệ và các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân nói riêng góp phần giải quyết nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế địa phương.
Thứ hai, BIDV cần ban hành quy trình cấp tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ theo hướng tinh gọn thủ tục, tinh gọnnội dung báo cáo đề xuất tín dụng và báo cáo đề xuất giải ngân nhưng vẫn đảm bảo đủ các thông tin đánh giá về khách hàng, phương án/dự án vay phù hợp thực tiễn của doanh nghiệp ở Việt Nam
Như đã phân tích ở chương 3 về thực trạng cấp tín dụng đối với doanh nghiệp thuộc KTTN, qua khảo sát ý kiến đánh giá của khách hàng thì thời gian xem xét giải quyết cho vay tại BIDV Gia Lai chưa đạt yêu cầu, đã ảnh hưởng đến việc mở rộng tín dụng với đối tượng này. Hiện nay BIDV ban hành Quy trình cấp tín dụng đối với doanh nghiệp áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp,không phân biệt quy mô. Nội dung thẩm định trong báo cáo đề xuất tín dụng quá nhiều về thông tin phải phân tích (như phân tích hoạt động và triển vọng khách hàng SWOT, phân tích tài chính thì quá nhiều chỉ tiêu, phân tích rủi ro nội dung yêu cầu quá nhiều…), nó chỉ phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ thì khó thực hiện và không phù hợp với điều kiện thực tiễn của các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ hiện nay. Vì vậy BIDV cần có hướng dẫn bổ sung hoặc xây dựng quy trình riêng quy định trình tự và nội dung các bước thực hiện thẩm định cho vay đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.