quả đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới
Để củng cố tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí dưới sự lãnh đạo của Đảng, một trong những vấn đề cốt yếu chính là xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Thứ nhất, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc. Đảng ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một Đảng lãnh đạo, Đảng chân chính cách mạng. Ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Đảng lãnh đạo hệ thống chính
trị, lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Như vậy, vấn đề đặt ra là phải nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Bài học của cách mạng Việt Nam 30 năm đổi mới xác định đây là khâu then chốt, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. Trong giai đoạn hiện nay, để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng nước ta, phải xây dựng Đảng trên mọi phương diện, trong đó phải tập trung vào những khía cạnh chủ yếu nhất: Một là, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng ta phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hai là, nâng cao trình độ trí tuệ, trung thành và vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn. Ba là, thường xuyên quán triệt và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đẩy mạnh tư phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Bốn là, tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao tính tiền phong, gương mẫu, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Năm là, xây dựng và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, nêu cao tinh thần quốc tế vô sản cao cả của giai cấp công nhân.
Những giải pháp trên là những vấn đề cốt lõi, có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng đảm bảo cho Đảng ta thật sự là Đảng cách mạng và khoa học, xứng đáng là một Đảng kiểu mới, một Đảng chân chính trung thành phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn dân tộc Việt Nam.
Thứ hai, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực cao, thật sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Cần phải xây dựng được hệ thống pháp lý minh bạch, rõ ràng, hợp lý, nghiêm minh. Do đó, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân cần nhanh chóng hoàn thiện và phát huy tác dụng của nó, tạo cho người dân ý thức sống và làm việc theo pháp luật, coi đó như một biện pháp quan trọng để qui tụ lòng dân. Xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng, nghiêm minh cũng chính là nhằm củng cố và tăng cường hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của đảng cầm quyền, củng cố niềm tin của nhân dân đối với hệ thống chính trị, góp phần ổn định chính trị xã hội những yếu tố quan trọng của đồng thuận xã hội. Cùng với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền là việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Phát huy dân chủ cũng gắn liền với việc xây dựng nhà nước pháp quyền, là một trong những mục đích của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Việc phát huy dân chủ góp phần đảm bảo vấn đề quyền con người, đây là yếu tố quan trọng để tạo nên sự đồng thuận xã hội một cách thực chất.
Thứ ba, xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là những bộ phận cấu thành hệ thống chính trị của xã hội ta, được hình thành theo nguyên tắc tự nguyện và hoạt động theo nguyên tắc tự quản, nhằm đáp ứng những lợi ích đa dạng của các thành viên, thu hút đông đảo nhân dân vào tham gia quản lý các công việc nhà nước, công việc xã hội, nâng cao tính tích cực của mỗi công dân. Trong xã hội ta, nhân dân thực hiện quyền lực chính trị của mình không chỉ bằng nhà nước mà còn thông qua các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội. Do vậy, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bằng các hình thức phong phú, đa dạng, thích hợp với từng giới, từng thành phần xã hội, từng địa phương, cơ sở… nhằm khơi nguồn trí tuệ, sáng kiến, phát huy mọi năng lực của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong nhân dân không thiếu những người có đức, có tài, nếu chúng ta không tập hợp được, không phát huy được tài, đức của họ là sự thiệt thòi lớn cho đất nước. Điều quan trọng là phải thu hút được thật nhiều trong các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo thì mới hình thành được Mặt trận rộng lớn. Mặt trận không chỉ đoàn kết bằng tổ chức mà còn phải đoàn kết bằng phong trào hành động chung từ thấp đến cao. Không chỉ đoàn kết ở bên trên mà cần tiếp tục hướng mạnh hoạt động về cơ sở, tới mọi địa bàn dân cư, đến từng hộ gia đình.
Nói tóm lại, việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, hoạt động hiệu quả đáp ứng được yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng là một yêu cầu khách quan trong quá trình đổi mới, tạo mọi điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trong phát triển phát triển kinh tế - xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo đảm độc lập chủ quyền quốc gia, góp phần quan trọng vào việc hội nhập quốc tế.
Quá trình xây dựng hệ thống chính trị, chính là quá trình nâng cao hiệu quả của chính trị đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đó là điểm mấu chốt để hình thành chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần vào việc giải quyết thấu đáo mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.