- Đối với sản phẩm huy động vốn dân cư:
Lãi suất huy động cần được tham khảo trước hết từ các ngân hàng lớn trên thị trường như Vietcombank, Vietinbank, Agribank nhằm đưa ra cạnh tranh so với thị trường... Đối với các sản phẩm tiền gửi tích lũy, để khuyến khích khách hàng sử dụng, cần nâng lãi suất lên tương đương lãi suất tiền gửi thông thường kỳ hạn 12 tháng vì lãi suất hiện nay đang thấp hơn tiết kiệm thông thường nên làm giảm tính hấp dẫn của sản phẩm.
Đối với sản phẩm tích lũy trẻ em, cần tích hợp một số đặc điểm dành cho trẻ em vào sản phẩm như tặng thưởng học sinh giỏi, tặng quà tết thiếu nhi… để tạo
sự khác biệt với các sản phẩm tích lũy khác; xây dựng chương trình tích lũy điểm thưởng đối với khách hàng trong hoạt động HĐV, trong đó lưu ý chăm sóc đối với các khoản tiền gửi không kỳ hạn và ngoại tệ.
Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các chương trình phần mềm hỗ trợ bên ngoài để đảm bảo sản phẩm được tung ra thị trường đúng thời điểm dự kiến, đồng thời phải đảm bảo chất lượng của chương trình để giảm thiểu lỗi trong quá trình sử dụng.
Bộ phận nghiên cứu sản phẩm tại Hội sở chính cần thường xuyên rà soát danh mục sản phẩm tiền gửi hiện tại của BIDV, so sánh và đánh giá với đối thủ cạnh tranh để nâng cấp tính năng sản phẩm hoặc bổ sung sản phẩm mới vào danh mục. Đồng thời cần thu thập ý kiến phản hồi từ cán bộ đầu mối sản phẩm tại chi nhánh và từ khảo sát trực tiếp khách hàng nhằm hoàn thiện danh mục sản phẩm tiền gửi, cũng như xây dựng các sản phẩm huy động đón đầu thị trường.
- Đối với sản phẩm tín dụng bán lẻ: Cần đơn giản thủ tục, quy trình, tăng tiện ích và tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận sản phẩm một cách nhanh chóng, chẳng hạn:
Đối với cho vay cầm cố giấy tờ có giá, cần đơn giản hóa các bước trong quy trình xét duyệt cho vay, không yêu cầu người vay phải chứng minh phương án vay vốn, cho phép giải ngân trước khi nhập kho tài sản cầm cố để rút ngắn thời gian giải ngân.
Đối với cho vay hỗ trợ nhà ở, cần đa dạng hóa dòng sản phẩm tùy theo nhu cầu của khách hàng, liên kết với chủ đầu tư các công trình xây dựng nhà ở; BIDV cần nghiên cứu phát triển sản phẩm mới như mua hàng trả góp bằng cách liên kết với các siêu thị, cửa hàng ô tô, xe máy…
Phát triển kênh bán hàng online bằng cách tích hợp ứng dụng gửi đơn vay vốn trực tuyến, tư vấn vay vốn tại website BIDV.
Xây dựng các sản phẩm tín dụng bán lẻ theo phân khúc thị trường, vùng miền, đặc điểm tập quán kinh doanh như cho vay tiểu thương, cho vay nông sản...
Cần khắc phục các lỗi kỹ thuật, nâng cấp đường truyền, bảo trì chương trình phần mềm thường xuyên để giảm thiểu sự cố liên quan đến dịch vụ BSMS, IBMB, ATM, POS, thanh toán hóa đơn online, thanh toán hóa đơn tự động…
Cần tăng cường liên kết với các đơn vị chấp nhận thẻ trên phạm vi cả nước để đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá hấp dẫn cho chủ thẻ; đa dạng hóa hình thức nhận tiền Western Union như: giao tiền tận nhà có tính phí, nhận tiền qua máy ATM, SMS.
Đối với dịch vụ Mobile banking, cần làm việc với nhà thầu để xây dựng ứng dụng BIDV Mobile có khả năng tương thích với tất cả các dòng điện thoại và hệ điều hành nhằm đơn giản hóa việc cài đặt ứng dụng, mở rộng đối tượng khách hàng. Đối với dịch vụ Mobile Bankplus, cần nghiên cứu bổ sung thêm dịch vụ chuyển tiền ngoài hệ thống, dịch vụ thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền internet...
- Ngoài ra, BIDV cần thiết kế các gói sản phẩm tích hợp nhiều sản phẩm như huy động vốn, tín dụng bán lẻ, thẻ, BSMS, IBMB, chuyển tiền tự động…nhắm đến từng phân đoạn khách hàng cá nhân như quan trọng, thân thiết, phổ thông và các doanh nghiệp đang có quan hệ vay, gửi, trả lương qua BIDV để tranh thủ tiếp cận người lao động tại các doanh nghiệp đó.
- Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng chương trình phân tách thu nhập – chi phí theo dòng sản phẩm để có căn cứ đánh giá hiệu quả triển khai sản phẩm và có các biện pháp thúc đẩy hoặc dừng triển khai đối với các sản phẩm không hiệu quả.