Nguyên tắc quản lý ngân sách sử dụng

Một phần của tài liệu Quản lý thu chi ngân sách sử dụng tại báo quân đội nhân dân – tổng cục chính trị quân đội nhân dân việt nam (Trang 29 - 32)

1.3. Quản lý ngân sách sử dụng ở đơn vị dự toán trong quân đội

1.3.4. Nguyên tắc quản lý ngân sách sử dụng

1.3.4.1. Nguyên tắc quản lý theo dự toán

Lập dự toán là khâu mở đầu của một chu trình quản lý NS. Những khoản chi một khi đã được ghi vào dự toán chi và đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt được coi là chỉ tiêu pháp lệnh. Xét trên góc độ quản lý, số chi đã được ghi trong dự toán thể hiện sự cam kết của các cơ quan chức năng về quản lý TC nhà nước với các đơn vị thụ hưởng NS. Từ đó, làm nảy sinh nguyên tắc quản lý chi theo dự toán.

Sự tôn trọng nguyên tắc quản lý theo dự toán đối với các khoản chi ngân sách được nhìn nhận qua các góc độ sau:

Mọi nhu cầu chi dự kiến cho năm kế hoạch nhất thiết phải được xác định trong dự toán kinh phí từ cơ sở, thông qua các bước xét duyệt của các cơ quan có thẩm quyền từ thấp đến cao. Quyết định cuối cùng cho dự toán chi của NSNN cho lĩnh vực QP-AN thuộc về Quốc hội. Vì thế các ngành, các cấp, các đơn vị phải có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ tiêu thuộc dự toán chi đã được cấp trên phê duyệt cho cấp mình.

Trong quá trình tổ chức thực hiện dự toán chi, mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi đơn vị phải căn cứ vào dự toán kinh phí đã được duyệt mà phân bổ, sử dụng cho các khoản, mục chi và phải hạch toán theo đúng mục lục NSNN đã quy định.

Định kỳ, theo chế độ quyết toán kinh phí đã quy định, các ngành, các cấp, các đơn vị khi phân tích đánh giá kết quả thực hiện của kỳ báo cáo phải lấy dự toán làm căn cứ đối chiếu so sánh. Muốn vậy, dự toán chi đã được xác lập theo các chỉ tiêu nào, theo khoản, mục nào thì quyết toán chi cũng phải được lập như vậy.

1.3.4.2. Nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả

Tiết kiệm, hiệu quả là một trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu của quản lý kinh tế, tài chính, bởi: nguồn lực thì luôn có giới hạn nhưng nhu cầu thì không có mức giới hạn nào. Do vậy, trong quá trình phân bổ và sử dụng các nguồn lực khan hiếm đó luôn phải tính toán sao cho với chi phí ít nhất nhưng vẫn đạt hiệu quả tốt nhất.

Nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả chỉ có thể được tôn trọng khi quá trình quản lý chi NSSD phải làm tốt và làm đồng bộ một số nội dung sau:

- Phải xây dựng được các định mức, tiêu chuẩn chi tiêu phù hợp với từng đối tượng hay tính chất công việc; đồng thời lại phải có tính thực tiễn cao. Chỉ có như vậy các định mức, tiêu chuẩn chi ngân sách mới trở thành căn cứ pháp lý xác đáng phục vụ cho quá trình quản lý chi.

- Phải thiết lập được các hình thức cấp phát đa dạng và lựa chọn hình thức cấp phát áp dụng cho mỗi loại hình đơn vị, hay yêu cầu quản lý của từng nhóm mục chi một cách phù hợp.

- Biết lựa chọn thứ tự ưu tiên cho các loại hoạt động hoặc theo các nhóm mục chi sao cho với tổng số chi có hạn nhưng khối lượng công việc vẫn hoàn thành và đạt chất lượng cao. Để đạt được điều này, đòi hỏi phải có được các phương án phân phối và sử dụng kinh phí khác nhau. Trên cơ sở đó mà lựa chọn phương án tối ưu nhất cho cả quá trình lập dự toán, phân bổ và quá trình sử dụng kinh phí. Có thể nói tiết kiệm, hiệu quả là hai mặt của nguyên tắc có mối quan hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, khi xem xét đến vấn đề tiết kiệm các khoản chi NS phải đặt trong sự ràng buộc của tính hiệu quả và ngược lại.

- Khi đánh giá tính hiệu quả chi NS phải có quan điểm toàn diện. Phải xem xét mức độ ảnh hưởng của mỗi khoản chi tới các mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội khác và phải tính đến thời gian phát huy tác dụng của nó. Vì vậy, khi nói đến hiệu quả chi NS ở đơn vị dự toán QĐ người ta hiểu đó là những lợi ích về kinh tế, chính trị, xã hội mà toàn xã hội được thụ hưởng.

1.3.4.3. Nguyên tắc chi qua Kho bạc Nhà nước

Kho bạc Nhà nước là cơ quan có chức năng quản lý quỹ NSNN nhằm đảm bảo và kiểm soát quá trình chi tiêu NS đối với tất cả các đơn vị thụ hưởng NSNN, trong đó có các đơn vị DTQĐ. Do đó, việc chi trực tiếp qua kho bạc đối với các đơn vị DTQĐ là yêu cầu bắt buộc và là nguyên tắc quan trọng quản lý chi NSQP trong đó có NSSD. Nguyên tắc này được thể hiện trên các nội dung chủ yếu sau:

Tất cả các khoản chi NS phải được kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ trước, trong và sau quá trình cấp phát, thanh toán. Các khoản chi phải có trong DTNS được giao, đúng chế độ tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và được thủ trưởng đơn vị sử dụng kinh phí NS hoặc người được uỷ quyền quyết định chi.

Tất cả các đơn vị DTQĐ phải mở tài khoản tại KBNN; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan TC và KBNN trong quá trình lập dự toán, phân bổ dự toán, cấp phát, thanh toán, hạch toán và QTNS.

Đơn vị dự toán cấp trên có trách nhiệm duyệt DTNS của các cơ quan, đơn vị cấp dưới; kiểm tra phương án phân bổ và giao dự toán của các đơn vị dự toán cấp dưới, nếu không đúng DTNS được giao, không đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức thì yêu cầu điều chỉnh lại. Định kỳ, sau khi nhận được báo cáo quyết toán của các đơn vị dự toán cấp dưới trực thuộc, đơn vị dự toán cấp trên có trách nhiệm thẩm định các báo cáo quyết toán đó để tổng hợp số liệu vào quyết toán chi NS ở đơn vị cấp mình.

KBNN có trách nhiệm kiểm soát các hồ sơ, chứng từ, điều kiện chi và thực hiện cấp phát, thanh toán kịp thời các khoản chi NS đúng quy định cho các đơn vị dự toán theo yêu cầu nhiệm vụ và đặc điểm chi NS của các đơn vị QĐ.

Do đặc thù hoạt động quân sự của QĐ nên quá trình kiểm soát chi NSSD (NSQP nói chung) có những quy định cụ thể theo luật NSNN và Nghị định có liên quan của Chính phủ.

Đối với các khoản chi có độ mật cao (như tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, tiền ăn, ra quân, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật quân sự…), KBNN cấp phát, thanh toán cho đơn vị sử dụng NS, thực hiện kiểm soát lệnh chuẩn chi của thủ trưởng đơn vị thụ hưởng NS; không kiểm soát chế độ tiêu chuẩn, định mức và các chứng từ có liên quan, cả trong trường hợp đơn vị cấp trên cấp kinh phí thuộc NSNN cho các đơn vị dự toán cấp dưới thông qua tài khoản DTNS hoặc tài khoản tiền gửi đơn vị dự toán bằng giấy rút DTNS, séc hoặc Ủy nhiệm chi. Các đơn vị dự toán phải tự tiến hành kiểm soát và chịu trách nhiệm về nội dung của các khoản chi này và thực hiện việc chuẩn chi đúng chế độ tiêu chuẩn, định mức. Cơ quan TC đơn vị dự toán các cấp thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm tất cả các khoản chi NS của đơn vị mình phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện chi NS.

Một phần của tài liệu Quản lý thu chi ngân sách sử dụng tại báo quân đội nhân dân – tổng cục chính trị quân đội nhân dân việt nam (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(124 trang)
w