8. Cấu trúc luận văn
1.2. Một số khái niệm cơ bản của đề tài
1.2.4. Đánh giá kết quả học tập theo tiếp cận năng lực
Đánh giá kết quả học tập của người học luôn được xã hội quan tâm và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục trong nhiều năm nay.
Theo tác giả Đỗ Công Tuất, việc đánh giá kết quả học tập của người học nhằm các mục đích sau:
(1) Làm sáng tỏ mức độ đạt được và chưa đạt được về các mục tiêu dạy học, tình trạng kiến thức, kĩ năng, kỉ xão, thái độ của người học so với yêu cầu của chương trình; phát hiện những sai sót và nguyên nhân dẫn tới những sai sót đó, giúp người học điều chỉnh hoạt động học tập của mình.
(2) Công khai hóa các nhận định về năng lực, kết quả học tập của cá nhân người học và cả tập thể lớp, tạo cơ hội cho các em có kĩ năng tự đánh giá, giúp các em nhận ra sự tiến bộ của mình, khuyến khích động viên và thúc đẩy việc học tập ngày một tốt hơn.
(3) Giúp giáo viên có cơ sở thực tế để nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của mình, tự điều chỉnh, hoàn thiện hoạt động dạy, phấn đấu nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học.
Như vậy việc đánh giá kết quả học tập của người học nhằm:
• Nhận định thực trạng, định hướng điều chỉnh hoạt động học tập của người học. • Tạo điều kiện nhận định thực trạng, định hướng điều chỉnh hoạt động giảng dạy của giáo viên.” [21]
Trong cuốn tài liệu “Đánh giá kết quả học tập ở Tiểu học”, tác giả Vũ Thị Phương Anh, Hoàng Thị Tuyết cho rằng, “Đánh giá kết quả học tập là thuật ngữ chỉ quá trình hình thành những nhận định, rút ra những kết luận hoặc phán đóan về trình độ, phẩm chất của người học hoặc đưa ra những quyết định về việc dạy học dựa trên cơ sở những thông tin đã thu thập được một cách hệ thống trong quá trình kiểm tra.” [1]
Theo tác giả Trần Kiều: “có thể coi đánh giá kết quả học tập của HS là xác định mức độ đạt được về kiến thức, kỹ năng và thái độ của người học đối chiếu với mục tiêu của chương trình môn học” [7]
Theo tác giả Hoàng Đức Nhuận và Lê Đức Phúc, “Đánh giá kết quả học tập là quá trình thu thập và xử lý thông tin về trình độ, khả năng thực hiện mục tiêu học tập của HS, về tác động và nguyên nhân của tình hình đó nhằm tạo cơ sở cho những quyết định sư phạm của giáo viên và nhà trường, cho bản thân HS để họ học tập ngày một tiến bộ hơn.” [11]
Từ những nghiên cứu trên, chúng tôi cho rằng, “Đánh giá kết quả học tập của HS là đưa ra những nhận định, những phán xét về mức độ thực hiện mục tiêu giảng dạy đã đề ra của HS. Từ đó đưa ra các giải pháp điều chỉnh phương pháp dạy của thầy và phương pháp học của trò, đưa ra các khuyến nghị góp phần thay đổi các chính sách giáo dục.” [19]
Đánh giá theo năng lực là một quá trình thu thập, phân tích, diễn giải chứng cứ và đưa ra kết luận về một người theo chuẩn năng lực đã đề ra.
Đánh giá theo tiếp cận năng lực về cơ bản là các phương pháp đánh giá tham chiếu tiêu chí. Nghĩa là năng lực của người học trong việc thực hiện một nhiệm vụ nào đó được xác định thông qua việc đối chiếu năng lực thực hiện của họ với một tập hợp các tiêu chí cho trước để xác định mức độ đáp ứng tiêu chí của người học trong nhiệm vụ đó. Để đánh giá năng lực thực hiện của người học so với một tập hợp các tiêu chí cho trước, nghĩa là các mục tiêu, chuẩn đầu ra..., một hướng dẫn cho điểm thường được xây dựng, trong đó nêu rõ những tiêu chí cần thiết đối với nhiệm vụ và các mức độ thực hiện phù hợp cho mỗi tiêu chí.
Như vậy, đánh giá theo tiếp cận năng lực là một quan điểm về đánh giá, tập trung vào kết quả đầu ra là hệ thống các năng lực cần đạt, trong đó chú trọng vào năng lực làm, năng lực vận dụng của người học và những tiêu chí cho việc đo lường các năng lực đó. Đánh giá kết quả học tập theo tiếp cận năng lực thực chất là một quá trình thu thập thông tin, bằng chứng và đưa ra nhận định xem người học đã đạt được những năng lực cần thiết chưa. Kết quả học tập chính là hiện thực hóa năng lực của người học. Thông qua kết quả này mà người học có thể đánh giá các năng lực của họ.
Theo hướng nghiên cứu của đề tài, chúng tôi quan niệm: đánh giá kết quả học tập theo tiếp cận năng lực là quá trình tập hợp và phân tích thông tin nhằm đưa ra những nhận định, phán đoán về việc vận dụng tích hợp tri thức, kĩ năng, thái độ của
người học để giải quyết các nhiệm vụ dạy học trong một tình huống thực tế hoặc bối cảnh giả định để đáp ứng mục tiêu về năng lực đặt ra.
Các kết quả đánh giá sẽ chỉ rõ năng lực hay mức độ phát triển kỹ năng của người học. Đánh giá theo năng lực có các chức năng sau:
+ Đánh giá chẩn đoán (giúp xác định nhu cầu giáo dục/học tập);
+ Đánh giá tiến trình (cung cấp phản hồi về cách HSSV sẽ tiến triển hướng tới đạt được các năng lực);
+ Đánh giá tổng kết (đánh giá kết quả học tập để xác nhận năng lực);
+ Công nhận năng lực hiện tại/kết quả học tập trước đây (để xác định xem một người nào đó đã tích lũy được năng lực thông qua học tập chính quy hoặc không chính quy và kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc).