Vị trí, vai trò, chức năng của đánh giá kết quả học tập

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả học tập của sinh viên tại trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh đại học thái nguyên theo tiếp cận năng lực​ (Trang 28 - 29)

8. Cấu trúc luận văn

1.3. Một số vấn đề lý luận về đánh giá kết quả học tập

1.3.1. Vị trí, vai trò, chức năng của đánh giá kết quả học tập

1.3.1.1. Vị trí, vai trò của đánh giá kết quả học tập

Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập là một trong những thành tố cơ bản và rất quan trọng của quá trình dạy học. Đánh giá kết quả học tập nhằm cung cấp thông tin, bằng chứng để đánh giá chất lượng và hiệu quả của quá trình dạy học.

Ở các trường đại học, đánh giá là hoạt động được quan tâm chú trọng bởi muốn biết quá trình dạy học có đạt chất lượng, hiệu quả hay không và đạt đến mức độ nào, người giảng viên phải tiến hành đánh giá kết quả học tập của người học. Quá trình đánh giá sẽ cung cấp thông tin phản hồi đối với giảng viên và sinh viên. Đó là các bằng chứng về khả năng nhận thức, mức độ thành thạo các kĩ năng của sinh viên đáp ứng mục tiêu học tập. Trên cơ sở đó, người dạy và người học sẽ nắm bất được thực trạng học tập và nguyên nhân dẫn đến kết quả học tập đó. Đây là cơ sở quan trọng để giảng viên điều chỉnh hoạt động dạy và sinh viên điều chỉnh hoạt động học. Như vậy, có thể nói kết quả đánh giá sẽ là tiền đề cho một chu trình dạy học tiếp theo với chất lượng và hiệu quả cao hơn.

1.3.1.2. Chức năng của đánh giá kết quả học tập

Đánh giá KQHT của sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học nói chung và các nhà trường đại học sư phạm nói riêng có một số chức năng cơ bản sau:

* Chức năng định hướng

Đánh giá KQHT của người học trước khi tiến hành giảng dạy sẽ giúp giảng viên nắm được thông tin về kiến thức, kĩ năng, thái độ học tập môn học của sinh viên, qua đó dự kiến kết quả mà họ có khả năng đạt được trong quá trình học tập, đồng thời xác định được ưu, khuyết điểm của họ. Từ đó, giảng viên sẽ có biện pháp hướng dẫn sinh viên có cách học phù hợp với trình độ, khả năng nhận thức của bản thân để quá trình học tập có hiệu tốt nhất.

Thông qua quá trình đánh giá KQHT, giảng viên có thể xác định mục tiêu, thiết kế nội dung, lựa chọn phương pháp, phương tiện, hình thức dạy học v.v... phù hợp với từng đối tượng sinh viên. Đối với sinh viên, qua đánh giá này sẽ nhận biết được năng lực hiện tại của bản thân, biết được những kiến thức, kĩ năng đã nắm vững, những kiến thức, kĩ năng còn thiếu sót để lập hoạch học tập phù hợp hơn.

* Chức năng xác nhận

Chức năng này được thể hiện thông qua việc xác định mức độ đạt được sinh viên so với các mục tiêu học tập ban đầu, cung cấp thông tin cho người học biết họ đạt hay chưa đạt yêu cầu của môn học, khóa học. Qua đó làm căn cứ cho các quyết định phù hợp như cho hoàn thành môn học, chưa hoàn thành môn học, cấp bằng hay buộc thôi học v.v... Chức năng này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, đặc biệt là mặt xã hội bởi nó phản ánh chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục.

Đánh giá xác nhận cũng thực hiện chức năng xếp loại người học theo mục tiêu nào đó nhằm phân biệt trình độ khác nhau giữa các sinh viên để xếp hạng hay tuyển chọn sinh viên.

* Chức năng hỗ trợ

Với chức năng này, đánh giá KQHT của sinh viên cung cấp những thông tin phản hồi có ích cho giảng viên và sinh viên. Thông qua kết quả đánh giá, giảng viên và sinh viên sẽ xác định được những thiếu sót của bản thân, từ đó tự điều chỉnh cách dạy, cách học cho phù hợp. Nói cách khác, thông tin về kết quả đánh giá là căn cứ đề ra những quyết định phù hợp có liên quan đến việc điều chỉnh, cải tiến hoạt động dạy học để nâng cao chất lượng dạy học.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả học tập của sinh viên tại trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh đại học thái nguyên theo tiếp cận năng lực​ (Trang 28 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)