2. Ba bình diện: Kết học, nghĩa học và dụng học trong nghiên cứu ngôn ngữ
2.1. Bình diện kết học
Kết học (syntax) là phương diện liên kết tín hiệu với tín hiệu để tạo ra một thông điệp. Tuy nhiên, trong một hệ thống tín hiệu, không phải các tín hiệu liên kết với nhau theo bất kì qui tắc nào cũng cho ta một thông điệp có thể lĩnh hội được. Vì vậy, kết học là lĩnh vực của các qui tắc hình thức kết hợp tín hiệu thành một thông điệp. Nói tóm lại, kết học là lĩnh vực nghiên cứu quan hệ giữa tín hiệu với tín hiệu trong thông điệp.
Trong ngôn ngữ học, tương ứng với kết học là lĩnh vực ngữ pháp, đặc biệt là cú pháp. Cú pháp là sự nghiên cứu các mối quan hệ giũa các hình thái ngôn ngữ, xem xét chúng được được sắp xếp như thế nào trong chuỗi lời nói và những chuỗi nào được coi là tổ chức tốt nhất, Diệp Quang Ban trong công trình “Câu tiếng Việt và các bình diện nghiên cứu câu” cũng diễn giải: kết học là bộ môn nghiên cứu những mối quan hệ giữa các kí hiệu ngôn ngữ trong chuỗi lời nói và nói chung là trong trình tự trước sau về thời gian của chúng. Trong ngôn ngữ, các kí hiệu đó trước hết là các từ. Kết học trong phạm vi nghiên cứu câu được gọi là cú pháp và gồm có cú pháp câu và cú pháp cụm từ.
Nguyễn Thị Lương cũng có một quan điểm tương tự: “Bình diện ngữ
pháp câu nghiên cứu các qui tắc, cách thức liên kết các từ thành cụm từ (gọi là cú pháp cụm từ) và thành câu, các kiểu câu (gọi là cú pháp câu)”.
Nghiên cứu dưới góc độ kết học, từ chủ yếu được xem xét ở nội dung: vị trí, khả năng kết hợp và chức vụ ngữ pháp. Như vậy, trên bình diện kết học, từ chủ yếu được xem xét như là một đối tượng mang tính ổn định, dựa trên mô hình cấu trúc có sẵn.
Trong thơ Xuân Diệu tín hiệu thẩm mĩ “gió” không chỉ nằm trong cấu trúc có sẵn mà còn xuất hiện ở những vị trí mà thông thường không thuộc về nó, đảm nhận vai trò ngữ pháp vốn có không thuộc về nó đã tạo nên những
kết hợp bất thường trong diễn đạt. Đó là những đóng góp nổi bật của Xuân Diệu và cũng là một trong những đặc điểm làm nên sức hấp dẫn kì lạ cho thơ.