Bình diện dụng học (pagmatics)

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU TÍN HIỆU THẨM MĨ “GIÓ” TRONG THƠ XUÂN DIỆU TRƯỚC CÁCH MẠNG TRÊN BA BÌNH DIỆN: KẾT HỌC, NGHĨA HỌC, DỤNG HỌC LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN (Trang 32 - 39)

2. Ba bình diện: Kết học, nghĩa học và dụng học trong nghiên cứu ngôn ngữ

2.3. Bình diện dụng học (pagmatics)

Ch.W.Morris định nghĩa “Dụng học nghiên cứu quan hệ giữa tín hiệu

với người lí giải chúng”. Về sau, Morris nhận thấy rằng định nghĩa ban đầu

của mình đã tách rời ba lĩnh vực kết học, nghĩa học và dụng học, coi kết học và nghĩa học là tiền dề của dụng học. Nhưng thực tế cho thấy, trong kết học và nghĩa học đã có những yếu tố của dụng học. Do đó, khi xem xét ngôn ngữ dưới góc độ tín hiệu học ông định nghĩa như sau: “Ngôn ngữ theo cách hiểu

hoàn toàn tín hiệu học là mọi tập hợp liên chủ thể những tín hiệu mà cách sử dụng bị quyết định bởi các qui tắc kết học, nghĩa học, dụng học”. Định nghĩa này cho thấy mầm mống của tư tưởng thống hợp ba lĩnh vực. Trên cơ sở đó, ông đã sửa đổi định nghĩa về dụng học đó là: Dụng học là bộ môn của tín

hiệu học nghiên cứu nguồn gốc cách dùng và tác dụng của tín hiệu trong khuôn khổ hành vi, nghĩa học nghiên cứu ý nghĩa của tín hiệu xét theo mọi góc độ của nó, kết học nghiên cứu sự tổ hợp các tín hiệu mà không quan tâm tới ý nghĩa riêng biệt hay quan hệ của chúng với hành vi trong đó chúng xuất hiện (Cơ sở ngữ dụng học, tr.58). Ông cũng khẳng định đúng đắn rằng có những qui tắc thuần túy ngữ dụng trong ngôn ngữ.

Như vậy, dụng học được hiểu là bộ môn nghiên cứu việc sử dụng ngôn ngữ trong mối quan hệ với ngữ cảnh xã hội, đặc biệt là những ý nghĩa của phát ngôn xuất hiện trong các tình huống.

- Bình diện dụng học của tín hiệu thơ: Thơ là hình thức đối thoại trữ tình trực tiếp của nhà thơ với cuộc đời. Điều này lí giả tại sao trên bình diện giao tiếp xã hội - nghệ thuật, nó là tiếng nói gặp gỡ, đồng cảm với nhiều công chúng nhất.

Tính đối thoại của thơ hay là sự tương tác của các vai giao tiếp trong thơ là thuộc tính không dễ thấy, không tường minh trên ngôn bản. Thông thường chỉ có nhà thơ - chủ thể trữ tình phát ngôn là luôn hiện diện trực tiếp trong thơ và dường như là ở một phía, còn phía người tiếp nhận là độc giả, công chúng yêu thơ. Giao tiếp trong thơ cũng thuộc loại hình giao tiếp bằng ngôn ngữ nên nó cũng có sự tham gia, chi phối bởi các yếu tố: nhân vật giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp.

+ Nhân vật giao tiếp: Nhân vật giao tiếp là những người tham gia vào cuộc giao tiếp bằng ngôn ngữ. Nhân vật giao tiếp là một nhân tố quan trọng chi phối hoạt động giao tiếp. Trong giao tiếp nghệ thuật, nhân vật giao tiếp gồm nhà văn và bạn đọc. Tùy từng đối tượng bạn đọc (có thể là tri thức, nông dân…) mà tư tưởng của nhà văn gửi gắm các thông điệp khác nhau sao cho phù hợp với từng đối tượng như vậy. Vai trò của độc giả rất quan trọng, vì độc giả không chỉ xuất hiện ngay khi tác phẩm đã ra đời mà có mặt ngay trong quá trình sáng tác. Đúng với nhận định của I. Lalich: “Cái bóng của độc giả đang

cúi xuống sau lưng nhà văn khi nhà văn ngồi trước tờ giấy trắng. Nó có mặt ngay cả khi nhà văn không muốn thừa nhận sự có mặt đó. Chính độc giả đã ghi lên trên tờ giấy trắng cái dấu hiệu không thể tẩy xóa được của mình”.

+ Hoàn cảnh giao tiếp: Hoàn cảnh giao tiếp bao gồm hoàn cảnh rộng và hoàn cảnh hẹp. Hoàn cảnh rộng là bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội chung của cả cộng đồng. Hoàn cảnh hẹp là không gian, thời gian cụ thể thông điệp xuất hiện. Hoàn cảnh chi phối nhất định đến cuộc giao tiếp.

Do sự chi phối của thời đại, ở các giai đoạn khác nhau, ý nghĩa của tác phẩm này được đánh giá theo những tiêu chí khác nhau, dẫn đến việc tạo nên nhiều cách đánh giá về nó.

Hoàn cảnh hẹp trong tác phẩm văn học chính là ngữ cảnh của đối tượng được xét. Vấn đề ngữ cảnh bắt đầu được quan tâm trong các công trình

nghiên cứu ý nghĩa của câu trên thế giới vào những năm 1970. Ở Việt Nam ngay từ những năm 1975 Hoàng Phê đã nhìn ra vấn đề khi ông viết: “Nghiên cứu ngữ nghĩa của từ… việc cần thiết quan trọng là phải đặt nghĩa của từ vào trong việc sử dụng, gắn liền với những quan hệ ngữ nghĩa sinh động, đa dạng, cụ thể. Đó là việc tìm hiểu nghĩa của từ trong các tổ hợp từ, trong câu, trong văn bản và cả liên văn bản”. Từ đó đến nay không có công trình nào

nghiên cứu về ngữ nghĩa, ngữ dụng lại không nghiên cứu đến ngữ cảnh.

Đối với Nguyễn Thiện Giáp đã phân biệt ngữ cảnh với hoàn cảnh giao tiếp khi ông viết: “Ngữ cảnh là những từ bao quanh hay đi kèm theo một từ,

tạo cho nó tính xác định về nghĩa. Hoàn cảnh nói năng là cái tình huống, bối cảnh phi ngôn ngữ mà từ xuất hiện: ai nói, nói bao giờ, nói ở đâu, nói với ai, vì sao nói…”.

Còn theo Đỗ Hữu Châu, ngữ cảnh “là bối cảnh ngoài ngôn ngữ của

một phát ngôn hay là những thông tin ngoài ngôn ngữ góp phần tạo nên nghĩa (của phát ngôn)”.

Hay nói đơn giản hơn, ngữ cảnh là toàn bộ thế giới môi trường chi phối đến hoạt động bên ngoài lẫn bên trong của hệ thống tín hiệu ngôn ngữ. Nó không là cái hạn định liên tục mở ra không gian và thời gian. Tùy thuộc vào biên độ lớn hoặc nhỏ của môi trường được xét mà nó có thể là rất rộng như quan niệm của Đỗ Hữu Châu hay hẹp hơn như cách hiểu của Nguyễn Thiện Giáp.

Văn học là nghệ thuật của ngôn từ có sự tham gia của nhiều nhân tố: nhà văn, tác phẩm, bạn đọc. Nội dung tư tưởng hay thông điệp của cuộc giao tiếp nghệ thuật này để đến được với bạn đọc phải được mã hóa trong văn bản nghệ thuật. Người đọc có nhiệm vụ giải mã tìm ra thông điệp, khi đó cuộc giao tiếp mới có kết quả.

Thông qua các tín hiệu nghệ thuật mà ý đồ của tác giả đã được mã hóa. Như tín hiệu thẩm mĩ “gió” trong thơ Xuân Diệu đã được thi sĩ mã hóa và độc

giả là người phải giải mã thông điệp đó. Bởi vậy, nó cũng chịu sự chi phối của các nhân tố giao tiếp, đó là: Nội dung giao tiếp, mục đích giao tiếp, phương tiện và cách thức giao tiếp.

+ Nội dung giao tiếp: là hiện thực, thực tế khách quan được các nhân vật giao tiếp đưa vào cuộc giao tiếp. Trong văn bản nghệ thuật, nội dung giao tiếp đã được mã hóa trong tác phẩm, dưới các hình thức nghệ thuật. Thơ Xuân Diệu trước Cách Mạng tháng Tám nội dung chủ đạo là khát vọng mãnh liệt đến với cuộc đời, giao cảm với đời. Cảm hứng về tình yêu là cảm hứng nổi bật trong thơ Xuân Diệu.

+ Mục đích giao tiếp: là ý đồ, ý định mà các nhân vật giao tiếp đặt ra trong một cuộc giao tiếp nhất định. Đích giao tiếp là yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động giao tiếp, nó gần như chi phối toàn bộ việc lựa chọn các yếu tố còn lại, toàn bộ cách thức tiến hành giao tiếp. Còn trong văn bản nghệ thuật, mục đích giao tiếp chính là tư tưởng mà tác giả thông qua tác phẩm gửi đến bạn đọc.

Mục đích của Xuân Diệu khi sáng tác thơ không chỉ bộc lộ khát vọng sống, khát vọng yêu mà còn giãi bày tâm tư, tình cảm hay giãi bày tâm trạng cô đơn, bế tắc trong tình yêu cũng như trong thời cuộc lúc bấy giờ. Chính Xuân Diệu vào giai đoạn cuối cùng trước năm 1945 cũng đã buồn bã thừa nhận: “Những năm 1943 - 1944, cái xã hội Việt Nam thật bế tắc, mình cảm

thấy ngột ngạt, tâm hồn đau buốt” (Trả lời phỏng vấn báo Đất Việt). Ẩn sau tâm hồn nồng nàn si mê của Xuân Diệu là một nỗi cô đơn thăm thẳm.

+ Phương tiện và cách thức giao tiếp: là hệ thống tín hiệu (ở đây là ngôn ngữ) và cách truyền tín hiệu mà các nhân vật giao tiếp sử dụng trong quá trình giao tiếp. Hệ thống tín hiệu được sử dụng thường xuyên nhất là ngôn ngữ. Đối với văn bản nghệ thuật thì phương tiện giao tiếp chính là văn bản nghệ thuật dưới dạng viết. Trong văn bản nghệ thuật, ngoài nghĩa tường

minh được nói ra trực tiếp trên câu chữ còn có nghĩa hàm ẩn không được nói ra trực tiếp mà chỉ được suy ra từ nghĩa trực tiếp. Nghĩa hàm ẩn này chứa đựng các thông tin liên cá nhân, thông tin ngữ dụng - những thông tin trọng yếu đối với tác phẩm văn học.

Bởi thế để đạt được hiệu quả giao tiếp tối ưu trong văn bản nghệ thuật thì nhà văn phải sử dụng biện pháp nghệ thuật như: lối nói gián tiếp, ẩn dụ, hoán dụ, phúng dụ, biểu trưng, biểu tượng,… một cách tốt nhất.

Không những sử dụng các thủ pháp nghệ thuật mà còn sử dụng từ ngữ có chọn lọc, khéo léo sao cho phù hợp với lối diễn đạt, văn phong và đạt được mục đích cao nhất. Đặc biệt trong văn bản thơ lối dùng từ đa nghĩa, tượng trưng, cách diễn đạt mơ hồ luôn tạo ra sự lôi cuốn đối với độc giả.

Xuân Diệu với phong cách thơ kì lạ, mới mẻ đầy sức sáng tạo đã thực sự lôi cuốn được rất nhiều độc giả, đặc biệt là tầng lớp thanh niên yêu thơ.

Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam” cũng đã nói về phong cách thơ Xuân Diệu: “Ngay lời thơ Xuân Diệu cũng có vẻ chơi vơi. Xuân Diệu viết văn

tựa trẻ con học nói hay như người ngoại quốc mới võ vẽ tiếng Việt. Câu văn tuồng bỡ ngỡ. Nhưng cái dáng bỡ ngỡ ấy chính là chỗ Xuân Diệu hơn người. Dòng tư tưởng quá sôi nổi không thể đi theo những con đường có sẵn. Ý văn xô đẩy, khuôn khổ các câu văn phải lung lay. Nhưng xét trông ra, cái náo nức, cái xôn xao của Xuân Diệu cũng là cái náo nức, xôn xao của thanh niên Việt Nam bấy giờ. Sự đụng chạm với phương Tây đã làm tan rã bao nhiêu bức thành kiên cố”. Nên chính lối diễn đạt Tây quá của Xuân Diệu thời bấy

giờ cũng có nhiều người khen nhưng không ít người chê. Nhưng việc khen chê là lẽ thường tình vì đó là quan điểm của mỗi cá nhân, còn Xuân Diệu thì vẫn là Xuân Diệu, nếu vì chê mà không dám thể hiện cái tôi trữ tình chân thật của mình thì ngày nay đã không có Xuân Diệu “mới nhất trong các nhà thơ

Dựa trên những lí thuyết trên, luận văn tiến hành tìm hiểu về tín hiệu thẩm mĩ “gió” với tư cách là một trong những phương tiện giao tiếp được Xuân Diệu sử dụng trong thơ trước Cách mạng qua hai tập “Thơ Thơ” và “Gửi hương cho gió”. Chúng tôi hi vọng luận văn sẽ thể hiện được phần nào vai trò của phương tiện giao tiếp này trong việc thể hiện nội dung, mục đích giao tiếp của tác giả dựa trên những ngữ cảnh (hoàn cảnh giao tiếp hẹp) khác nhau, góp phần đánh giá đúng giá trị của nó trong cuộc giao tiếp nghệ thuật và phần nào thể hiện được ý đồ nghệ thuật mà tác giả gửi gắm đến bạn đọc.

Tiểu kết chương 1

Ở chương này, những vấn đề lí thuyết cơ bản làm cơ sở cho việc giải quyết những yêu cầu, nhiệm vụ mà luận văn đặt ra, đó là:

Các lí thuyết về tín hiệu thẩm mĩ sẽ giúp luận văn nhìn nhận đúng đắn, sâu sắc hơn về đối tượng mà luận văn nghiên cứu. Thông qua đó, luận văn sẽ tìm ra phương pháp tiếp cận đối tượng này một cách hiểu quả nhất. Dựa trên mối quan hệ giữa tín hiệu tự nhiên và tín hiệu thẩm mĩ để làm nền tảng giúp luận văn tìm hiểu tín hiệu thẩm mĩ “gió” đi từ cội nguồn là tín hiệu tự nhiên. Bên cạnh đó, những tính chất của tín hiệu thẩm mĩ giúp luận văn có định hướng tìm ra giá trị của tín hiệu thẩm mĩ “gió” trong những tác phẩm thơ của Xuân Diệu trước Cách mạng.

Lý thuyết về ba bình diện trong nghiên cứu ngôn ngữ là vấn đề chủ chốt trong việc thực hiện đề tài. Nắm được lý thuyết này thì việc tìm hiểu tín hiệu thẩm mĩ “gió” sẽ đi đúng hướng. Bình diện kết học sẽ nghiên cứu tín hiệu thẩm mĩ này liên kết hay kết hợp với các tín hiệu thẩm mĩ khác theo các kiểu quan hệ. Bình diện nghĩa học sẽ thông qua các kiểu kết hợp như vậy để tìm hiểu nghĩa của “gió” trong tổ hợp. Bình diện dụng học sẽ tìm hiểu giá trị của tín hiệu thẩm mĩ “gió” thông qua những ý nghĩa mà nó thể hiện.

Như vậy, để tìm hiểu tín hiệu thẩm mĩ “gió” trong thơ Xuân Diệu trước Cách mạng thì các vấn đề cơ bản về lý thuyết trên đây đóng vai trò rất quan trọng, nó là kim chỉ nam để giúp luận văn đi đúng hướng và nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn.

Chương 2

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU TÍN HIỆU THẨM MĨ “GIÓ” TRONG THƠ XUÂN DIỆU TRƯỚC CÁCH MẠNG TRÊN BA BÌNH DIỆN: KẾT HỌC, NGHĨA HỌC, DỤNG HỌC LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN (Trang 32 - 39)

w