2. Ba bình diện: Kết học, nghĩa học và dụng học trong nghiên cứu ngôn ngữ
2.2. Bình diện nghĩa học
Nghĩa học (semantics) là phương diện của những quan hệ giữa tín hiệu và hiện thực được nói tới trong thông điệp, nói đúng hơn là giữa tín hiệu với vật được qui chiếu trong thông điệp. Đây là lĩnh vực của chức năng miêu tả, của những thông tin miêu tả, thông tin sự vật. Không nên đồng nhất nghĩa học của tín hiệu học với ngữ nghĩa học thông thường. Nghĩa học của tín hiệu học chỉ bao gồm nội dung miêu tả, tức là nội dung có thể đánh giá theo tiêu chí đúng sai của logic. Còn ngữ nghĩa học của ngôn ngữ học bao gồm tất cả nội dung tinh thần mà đơn vị ngôn ngữ có thể gợi ra ở người sử dụng. Như vậy, ngữ nghĩa học rộng hơn nghĩa học của tín hiệu học.
Bình diện ngữ nghĩa của từ gọi chung là ý nghĩa của từ. Tuy nhiên, có nhiều cách hiểu về ý nghĩa của từ. Cách hiểu phổ biến hiện nay là: “Ý nghĩa
của từ là một cấu trúc gồm một số thành phần nhỏ hơn, mỗi thành phần trong cấu trúc ý nghĩa đó tương ứng với một chức năng của từ”. Chẳng hạn, từ có
chức năng gọi tên sự vật, hiện tượng và tương ứng với chức năng biểu thị quan hệ của từ với các từ khác là thành phần ý nghĩa ngữ pháp của từ. Như vậy, có hai phạm trù ý nghĩa của từ: ý nghĩa từ vựng và ý nghĩa ngữ pháp. Mỗi phạm trù ý nghĩa lại bao gồm một số thành phần nghĩa nhỏ hơn. Xét về phạm trù ý nghĩa từ vựng, người ta phân biệt các thành phần nghĩa như sau: ý nghĩa biểu vật, ý nghĩa biểu niệm, ý nghĩa ngữ dụng.
- Ý nghĩa biểu vật: Đó là thành phần ý nghĩa liên quan đến các sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan. Nhưng ý nghĩa biểu vật của từ mang tính khát quát, nó được trừu tượng hóa khỏi những biểu hiện cụ thể của sự vật, hiện tượng. Sự khái quát của nghĩa biểu vật trở nên xác định khi từ được sử dụng. Khi sử dụng, nghĩa biểu vật của từ tương ứng với những sự vật, hiện
tượng, tính chất… cụ thể, xác định. Sự tương ứng giữa nghĩa của từ với sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan được gọi là sự chiếu vật, hay sự hiện thực hóa nghĩa của từ trong sử dụng. Song, ngay cả khi sử dụng nghĩa của từ vẫn chứa những đặc điểm khái quát. Chính vì vậy, để có được tính hình tượng, hình ảnh câu cho câu văn, từ ngữ trong văn chương phải nêu được cái biểu hiện cụ thể, chi tiết của sự vật, hiện tượng cũng như của hành động, tính chất… được nói đến trong tác phẩm.
Rất phổ biến trong văn chương là hiện tượng sử dụng đa nghĩa, tức cách dùng một từ tương ứng với nhiều nghĩa khác nhau.
Chẳng hạn như: “Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân” (Vội vàng - Xuân Diệu)
“Nắng hạ” và “xuân” vừa chỉ những mùa thực trong năm, vừa chỉ các giai đoạn tuổi tác trong đời người.
- Ngoài thành phần nghĩa biểu vật, trong nghĩa của từ còn có thành phần nghĩa biểu niệm. Đó là thành phần ý nghĩa liên quan đến ý niệm hay khái niệm về sự vật, hiện tượng. Nhưng thành phần ý nghĩa này không trùng với khái niệm trong logic học vì đó là ý niệm hay khái niệm gắn liền với đặc điểm của ngôn ngữ. Cho nên, chỉ cần dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, có hiểu biết đủ để dùng từ cho đúng vì ý nghĩa biểu niệm có chức năng công cụ, tổ chức lời nói, nó còn có tính dân tộc.
- Ý nghĩa ngữ dụng: Đó là thành phần ý nghĩa liên quan đến hoạt động của từ trong các tình huống giao tiếp. Cho nên, chúng ta phải dựa vào ngữ cảnh để xác định thành phần ý nghĩa này.
Ví dụ: Từ “vịt giời” trong tiếng Việt, ngoài ý nghĩa “loài chim sống
hoang dã trong tự nhiên, cùng với vịt nhà”, còn có ý nghĩa là “con gái”.
Trong văn chương, cá tác giả thường sử dụng ý nghĩa biểu niệm khác nhau bằng cách dùng những từ ngữ khác nhau ứng với một ý nghĩa biểu vật đồng nhất. Mục đích dùng như vậy để thể hiện những cách nhìn khác nhau, cách đánh giá khác nhau về một sự vật, hiện tượng trong những hoàn cảnh khác nhau là rất phổ biến. Vì điều đó cho thấy được thái độ của tác giả đối với nhân vật hay quan điểm của tác giả về sự vật, hiện tượng được nói tới.
Tiếng Việt là một ngôn ngữ không biến hình, nên ý nghĩa ngữ pháp của từ không được thể hiện trong nội bộ hình thức của từ mà chỉ có thể xác định được thông qua quan hệ của từ với những từ khác khi sử dụng. Ý nghĩa từ vựng là cơ sở để xác định ý nghĩa ngữ pháp cũng như chi phối hoạt động ngữ pháp trong cụm từ và trong câu. Mặt khác, ý nghĩa hoạt động ngữ pháp của từ lại là căn cứ để xác định ý nghĩa từ vựng. Cho nên, để tạo ra những kết hợp bình thường về ý nghĩa khi sử dụng, ý nghĩa từ vựng của từ chi phối hoạt động ngữ pháp. Sự phá vỡ những qui tắc kết hợp sẽ tạo ra những tổ hợp bất thường về nghĩa. Song, để gây ra những bất ngờ trong cách hiểu tăng tính hình tượng của câu văn, các nhà nghệ thuật ngôn từ rất ưa tạo ra những tổ hợp bất thường về nghĩa buộc người giải mã, người đọc phải tìm những cách lí giải khác về nghĩa của từ trong tổ hợp. Đây chính là điểm thành công của nghệ thuật dùng từ trong văn chương.
Chẳng hạn như: Từ điển giải thích từ “gió” - không khí chuyển động. Đối với danh từ “gió” thường kết hợp với các từ chỉ hướng “Bắc, Đông, Nam,
Tây” hay các danh từ khác như: “trăng, máy, bụi…” hay các động từ: “lùa, thốc, thổi, cuốn,…” nhưng Xuân Diệu độc đáo hơn khi kết hợp với tính từ: “thơm, đào, lướt thướt…” và các động từ nhân hóa như: “ kêu, than, chạy, tắt thở…”. Trong giao tiếp bình thường không ai sử dụng kết hợp như vậy,
nhưng trong văn chương thì điều đó lại được chấp nhận và trở thành tài năng của nhà thơ trong việc sử dụng nghệ thuật ngôn từ.
Nói tóm lại, nghĩa của từ là một thể hợp nhất. Tất cả cách thành phần hợp với nhau để tạo thành một giá trị biểu đạt nhất định.