Tài năng sử dụng biến hóa tín hiệu“gió” về mặt ngôn từ

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU TÍN HIỆU THẨM MĨ “GIÓ” TRONG THƠ XUÂN DIỆU TRƯỚC CÁCH MẠNG TRÊN BA BÌNH DIỆN: KẾT HỌC, NGHĨA HỌC, DỤNG HỌC LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN (Trang 112 - 116)

3. Cách sử dụng tín hiệu“gió” biểu hiện tài năng của Xuân Diệu

3.2.Tài năng sử dụng biến hóa tín hiệu“gió” về mặt ngôn từ

Xét trên một phương diện nào đó, đặc điểm quan trọng nhất của ngôn từ là tính cấu trúc F. de. Saussure khẳng định: “Trong ngôn ngữ, tất cả đều

lấy quan hệ làm cơ sở” Nhưng trong nghệ thuật, cấu trúc đó không ngừng bị

phá vỡ và cấu tạo lại. Phá vỡ cấu trúc thông thường để làm cho ngôn từ bộc lộ ra ý mới mẻ, làm cho ngôn từ có hiệu quả “lạ hóa”, Xuân Diệu là nghệ sĩ

thiên tài về khả năng sáng tạo ngôn từ, ông đã cải cách lối diễn đạt chuẩn mực thành những cách diễn đạt mới mẻ, giàu hình ảnh.

“Gió” trong các kết hợp của Xuân Diệu được biến hóa khá linh hoạt và

có khả năng kết hợp rộng rãi. “Gió” có thể đứng vị trí trước và sau các danh từ, động từ, tính từ, giữ chức năng làm định ngữ cho danh từ, bổ ngữ cho động từ, tính từ, “gió” có thể ở vị trí chủ ngữ hoặc vị ngữ trong câu. Tài năng của Xuân Diệu trong việc tạo dựng các kiểu kết hợp trên và làm nên giá trị biểu đạt nghĩa phong phú đã được chúng tôi phân tích khá cụ thể ở các phần trên.

Tín hiệu “gió” nằm trong cấu trúc ngữ cố định trong thơ Xuân Diệu trước Cách mạng không nhiều. Tuy nhiên, Xuân Diệu sử dụng cấu trúc ngữ cố định khá là độc đáo, chủ yếu là để mô tả tâm hồn của chính nhà thơ, đó là:

- Ruộng gió đồng trăng (1)

- Lòng trăng ý gió (2)

- Trăng thu gió hè (3)

- Gió nọ - nguyệt kia (4)

Trong các kết hợp (1) (2) (3), nghĩa biểu trưng của thành ngữ chủ yếu được tạo nên từ giá trị biểu trưng của hình ảnh. Xét về mặt từ loại có thể thấy, các kết hợp (1) (2) (3) thành phần đóng vai trò trung tâm là danh từ, trong cấu tạo của tổ hợp không có sự đối xứng từ loại. Trong các kết hợp còn lại, tất cả đều theo qui luật, giá trị nghĩa của các yếu tố tương đối cân bằng, không có sự phân biệt chính - phụ.

Đối với trường hợp (4) cấu tạo của hai vế là tương đồng và mỗi yếu tố trong kết hợp đều mang một nghĩa độc lập. Tuy nhiên, nếu tách riêng ra thành hai vế thì giá trị nghĩa không trọn vẹn, chỉ khi có sự kết hợp của cả hai vế thì mới tạo thành một tổ hợp mang đầy đủ khả năng diễn đạt và có hiệu quả biểu trưng.

Trong tổ hợp cố định thì giữa các vị trí 1 và 3, 2 và 4 có những mối liên hệ ý nghĩa.

Xét mối quan hệ ý nghĩa giữa các danh từ trong một tổ hợp

- Ruộng - đồng; gió - trăng - Lòng - ý; trăng - gió - Trăng - gió; thu - hè - Gió - nguyệt.

Để làm nên nghĩa chung cho tổ hợp, các cặp danh từ trên đây cùng được sử dụng để chỉ đối tượng trong mỗi tổ hợp. Nghĩa chiếu vật của hai yếu tố thuộc cùng từ loại danh từ trong một cặp là tương đồng. Do đó, ý nghĩa mà chúng biểu thị không phải là ý nghĩa bản nguyên mà là ý nghĩa biểu trưng. Đó là giá trị chung của các danh từ trong các tổ hợp. Ở mỗi tổ hợp, giá trị biểu trưng của mỗi yếu tố là không đồng nhất.

Trong cùng một tổ hợp cố định, các cặp thuộc từ loại khác không phải là danh từ cũng có mối quan hệ ý nghĩa, như:

(4) nọ - kia

Đây là các cặp từ ghép đẳng nghĩa, mỗi yếu tố trong từ ghép phân nghĩa này đều có giá trị tương đồng hoặc gần gũi với yếu tố còn lại. Như vậy, về mặt cấu tạo, các tổ hợp này được tạo nên bởi sự kết hợp bởi các hình ảnh cùng mang một nghĩa biểu trưng và việc tách mỗi yếu tố trong cấu tạo của một từ ghép đẳng nghĩa thành một đơn vị độc lập để kết hợp với nó. Giá trị của phép tách từ cùng các kết hợp chêm xen đã tạo nên hiệu quả lạ hóa thông qua sản phẩm là các tổ hợp có chung một mô hình cấu tạo. Đây cũng được đánh giá là một sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của Xuân Diệu. Trong thực tế, mô hình và qui tắc cấu tạo này đã và đang được sử dụng khá rộng rãi làm phong phú thêm các hình thức diễn đạt của tiếng Việt.

Gió trong thơ Xuân Diệu là một tín hiệu ngôn ngữ giàu giá trị. Do có

tính đa nghĩa và sự phong phú trong giá trị biểu trưng, ý nghĩa ẩn dụ nên việc xác định nghĩa của “gió” trong những trường hợp là khá phức tạp và chưa thể đi đến một cách hiểu thống nhất.

“Gió” trong thơ Xuân Diệu là một tín hiệu nghệ thuật giàu ý nghĩa.

Ngoài việc sử dụng tín hiệu “gió” như một tín hiệu với ý nghĩa bản nguyên, phần lớn “gió” trong thơ Xuân Diệu được dùng để biểu đạt ý nghĩa biểu trưng, hàm ẩn. Các ý nghĩa này cũng rất phong phú: gió - nguồn cảm xúc dồi dào của thi nhân, gió - chất xúc tác của tình yêu, gió - mang lại niềm vui sự sống, gió - chỉ sự tàn phai (diễn tả nỗi đau thương, cô đơn), gió - vận động thời gian, gió - chỉ cuộc đời gian truân.

Với việc sử dụng tín hiệu “gió”, Xuân Diệu đã có những đóng góp quan trọng trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ thể hiện tài năng của ông. Tài năng trong việc sử dụng “gió” tín hiệu đa nghĩa và tài năng sử dụng biến hóa tín hiệu “gió” về mặt ngôn từ. Điều này thể hiện chủ yếu trong biện pháp tách từ và chêm xen hình ảnh tạo nên một kiểu cấu tạo cụm từ mới mà sản phẩm là những tổ hợp có cấu trúc và giá trị nghĩa tương đương với một thành ngữ.

Như vậy, với tài năng thiên bẩm về thơ ca của mình, cộng với một tâm hồn rộng mở đầy cảm xúc, Xuân Diệu đã thổi hồn vào những con chữ để chúng nói lên được những rung động, sâu xa thầm kín mà chỉ có ngôn ngữ nghệ thuật mới làm được điều đó. “Gió” là một tín hiệu nghệ thuật cho nên nó có khả năng biểu hiện những giá trị về nghĩa mà thông qua các kết hợp trong một ngữ cảnh nhất định để bộc lộ điều đó. Xuân Diệu đã thành công khi sử dụng tín hiệu “gió” để chuyển tải ý đồ nghệ thuật của mình.

“Gió” trong thơ Xuân Diệu là một tín hiệu nghệ thuật có sự xuất hiện với mật độ tương đối dày đặc. Xem xét “gió” trên bình diện: kết học, nghĩa học, dụng học, chúng tôi nhận được một số kết quả đáng lưu ý:

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU TÍN HIỆU THẨM MĨ “GIÓ” TRONG THƠ XUÂN DIỆU TRƯỚC CÁCH MẠNG TRÊN BA BÌNH DIỆN: KẾT HỌC, NGHĨA HỌC, DỤNG HỌC LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN (Trang 112 - 116)