Cách sử dụng tín hiệu“gió” và tài năng sử dụng tín hiệu đa nghĩa

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU TÍN HIỆU THẨM MĨ “GIÓ” TRONG THƠ XUÂN DIỆU TRƯỚC CÁCH MẠNG TRÊN BA BÌNH DIỆN: KẾT HỌC, NGHĨA HỌC, DỤNG HỌC LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN (Trang 107 - 112)

3. Cách sử dụng tín hiệu“gió” biểu hiện tài năng của Xuân Diệu

3.1. Cách sử dụng tín hiệu“gió” và tài năng sử dụng tín hiệu đa nghĩa

Nhìn một cách toàn diện, tính đa nghĩa của tín hiệu “gió” thể hiện trước hết ở sự phong phú trong các vấn đề mà nó biểu hiện. Trong văn chương, tính đa nghĩa là một trong những điểm quan trọng làm nên giá trị của những sản phẩm loại hình nghệ thuật này. Đối với văn chương, giá trị không nằm ở tính chính xác tuyệt đối như sản phẩm của khoa học tự nhiên. Từ trước tới nay, loại hình nghệ thuật này vẫn đề cao tính mơ hồ, đa nghĩa. Càng đa nghĩa, hình tượng văn chương càng giàu sức gợi. Nhờ đó, giá trị của nó luôn luôn được mở rộng, không ngừng phát triển. Vì thế, với mỗi người đọc, tác phẩm được hiểu theo một khía cạnh riêng và ngay với mỗi người đọc, ở mỗi lần tiếp nhận tác phẩm khác nhau lại tìm ra những giá trị của nó.

Trong thơ Xuân Diệu trước Cách mạng, tín hiệu thẩm mĩ “gió” xuất hiện

với tần số khá cao: với 118 lần. Đáng lưu ý là với mỗi lần xuất hiện ấy, “gió” đã thể hiện được nhiều nội dung khác nhau và diễn đạt được nhiều xúc cảm thẩm mĩ đáng ghi nhận của người đọc.

Như đã phân tích ở phần trên, “gió” trong thơ Xuân Diệu là một tín hiệu thẩm mĩ giàu giá trị biểu đạt.

- Điểm thứ nhất thể hiện tài năng tín hiệu đa nghĩa, đó là : Cùng một vỏ âm thanh, hay nói cách khác, cùng một cách biểu đạt nhưng trong các trường hợp cụ thể, “gió” thể hiện những cái được biểu đạt khác nhau.

Đây là một đóng góp trong việc sử dụng tín hiệu nghệ thuật này. Tuy nhiên, nó vẫn chưa phải là đặc điểm đặc sắc. Bởi lẽ, trong các bài thơ của Xuân Diệu, “gió” xuất hiện với các kiểu nghĩa khác nhau làm nên giá trị biểu đạt về nghĩa. Hơn thế, trong văn học truyền thống “gió” vốn là hình ảnh có

khả năng thể hiện nghĩa phong phú.

Chẳng hạn như: Trong văn học dân gian, “gió” vừa là người yêu, vừa là không gian để tả tình, là đại diện cho sức mạnh, cho lối sống…

- Đố ai quét sạch lá rừng

Để anh khuyên gió, gió đừng rung cây Rung cây, rung cội, rung cành

Rung sao cho chuyển lòng anh với nàng” - Gió lùa bụi chuối sau hè

Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ - Mưa thuận gió hòa

Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Trãi khai thác những tác động của “gió” đối với sự vật khác, nét cường độ được chú ý hơn trường độ, nhưng cũng có khi “gió” biểu trưng cho sức mạnh, cho quá khứ hào hùng thổi về: “Tráng hoài gọi gió nổi, buồm căng nửa cánh” (Quá hải). “Gió” biểu trưng cho sự

nhàn tản, thanh thản, sự khoan khoái của tâm hồn mà thiên nhiên ưu đãi con người. Nguyễn Trãi tiếc “gió thổi qua bậc thềm, không ai về thưởng thức

nữa”. Nét biểu trưng này khá phổ biến trong “Quốc âm thi tập”, “gió” vốn gần gũi với đời sống con người, cho nên các thi sĩ dù ở thời kì nào cũng rất nhạy cảm với sự đổi thay của “gió”. Sự chuyển động của “gió” có ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của con người, vì thế

“gió” không thể thiếu trong thơ ca các thời đại với những nghĩa biểu trưng

khá phong phú. Nói như vậy để thấy rằng sự đa dạng trong nội dung biểu đạt của tín hiệu thẩm mĩ “gió” không phải chỉ có thơ Xuân Diệu mới có. Nhưng cái đáng lưu ý hơn trong thơ Xuân Diệu, “gió” không chỉ biểu đạt nghĩa chung thống nhất mà còn mang những nghĩa của riêng Xuân Diệu, đó là: gió

yêu kiều, gió phụ phàng, gió câm, gió đào, gió thơm, gió đau, gió kêu,…

những cơn gió mang tâm trạng và tâm hồn của chính nhà thơ, đó là những kết hợp rất độc đáo và lạ lùng. Mỗi kết hợp như vậy thể hiện một nội dung khác nhau và mang những tâm trạng riêng của Xuân Diệu trước Cách mạng cũng như của thanh niên thời bấy giờ. Đây có thể là một đóng góp của Xuân

Diệu, nó không chỉ cho thấy khả năng bao quát và thể hiện đời sống rộng lớn mà quan trọng hơn nó cho thấy cái tình của Xuân Diệu trước cuộc đời. Ông trân trọng và yêu thương mãnh liệt với cuộc sống thực tại, trần thế, cũng bởi vì thế mà xót xa, đau đớn trước cảnh đất nước rơi vào bế tắc, lầm than. Con người không được tự do thể hiện quyền được yêu, quyền được sống với những cảm xúc mà bản thân đang có, mà chế độ xã hội hà khác đã khiến Xuân Diệu rơi vào cô đơn, đau thương. Xuyên suốt tác phẩm thơ của Xuân Diệu là nói về tình yêu, ca ngợi tình yêu, bởi thế “gió” xuất hiện ở đâu cũng thấy đó là cơn gió gợi tình, có thể đó là tình mãnh liệt, song đó cũng có thể là tình cảm đau thương.

- Điểm thứ hai thể hiện tài năng tín hiệu đa nghĩa là sự phong phú về nghĩa thể hiện ngay trong nội bộ cấu tạo.

Như: Gió + động từ, tùy theo nghĩa của động từ trong kết hợp mà

“gió” có giá trị riêng. Khi động từ là những từ chỉ hành động, trạng thái của

con người (rên, tắt thở, kêu, than, chạy,…) “gió” là đối tượng được nhân cách hóa. Khi đó “gió” được nói đến không phải như một sinh thể tự nhiên vô tri, vô giác mà nó trở thành một thành viên trong thế giới hữu cảm, hữu tình. “Gió” tồn tại như một cơ thể con người với những cảm nhận rất người. Xét trên bề mặt ngôn từ, sự kết hợp này rõ ràng mang hình bóng của phép nhân hóa. Tuy nhiên, nhìn vào bề sâu, giá trị của “gió” còn được tạo nên bởi tính biểu trưng của chính tín hiệu này. Vì “gió” biểu trưng cho sự lụi tàn, hủy

hoại cho nên nó cũng là tác nhân gây hại đến con người, Xuân Diệu gọi gió là

những cơn gió đau thương, tang tóc: gió phụ phàng, gió rủi, gió câm… đều là những cơn gió không tốt lành, mang đến sự tàn phai, rơi rụng. Bên cạnh đó, động từ miêu tả trạng thái có thực của “gió” thì giá trị nhân hóa không còn tồn tại nữa như: gió cuốn, gió thốc, gió thổi, gió cuồng,… nhưng hình ảnh ẩn dụ mà Xuân Diệu muốn gửi gắm trong những cơn gió lại mang giá trị tạo

nghĩa hàm ẩn. Những động từ: “cuốn, thốc, thổi, cuồng,..” mô tả những cơn

gió mạnh, không nhẹ nhàng, mát mẻ. Nó có thể mang lại những điều không

tốt đẹp đối với vạn vật, gây ra sự chết chóc, tàn phai, rơi rụng. Điều đó cho thấy tâm trạng đau thương của chính nhà thơ cũng gửi qua những cơn gió như vậy. Nhưng đôi khi lại có những cơn gió trở thành tác nhân chuyển tải cảm xúc, thông tin đến với người đọc như: gió lùa.

Kiểu kết hợp: Động từ + gió lại mang một kiểu nghĩa khác. Các động từ như: mang, buộc, gửi, quên, …lại không mô tả về “gió” mà là các động từ ngoại động khiến “gió” trong những trường hợp này luôn ở thế bị động.

“Gió” trở thành đối tượng chịu tác động bởi ý muốn của đối tượng khác. Vì

thế, ý nghĩa của “gió” không phải do chính gió bộc lộ mà là do đối tượng chủ động tác động đến gió thể hiện, như “Tôi muốn buộc gió lại” (Vội vàng) thì ý muốn của nhân vật “tôi” là “buộc gió”, thể hiện sự khát khao muốn níu giữ.

Tương tự như vậy, ở trong nội bộ của mỗi kiểu kết hợp ý nghĩa của “gió” lại được bộc lộ khác nhau. Gió + tính và tính từ + gió hoặc gió + danh từ, danh từ + gió cũng cho ra các kiểu ý nghĩa thông qua yếu tố mà “gió” kết hợp.

Như vậy, theo phân tích ở trên, tài năng sử dụng tín hiệu đa nghĩa thể hiện trong cùng một kiểu kết hợp nhưng ở những vị trí khác nhau, các từ kết hợp khác nhau cũng đều cho ra các kiểu ý nghĩa khác nhau.

Sự phong phú về nghĩa không chỉ ở thể hiện thông qua nội bộ của các kiểu kết hợp mà ngay trong một kiểu kết hợp nhưng ở những trường hợp khác nhau, các từ kết hợp khác nhau cũng đều có khả năng thể hiện những giá trị nghĩa không giống nhau. Như:

(1) Gió qua rồi còn lưu lại tiếng ngân Cây bên đường trụi lá đứng tần ngần.

Khắp xương nhánh chuyển một luồng tê tái; Và giữa vườn im, hoa run sợ hãi

Bao nỗi pha phôi, khô héo, rụng rời

(Tiếng gió) (2) Gió qua, như một khách thừa lương

Lay nắng trên mình lá loáng sương Hoa cúc dường như thôi ẩn dật, Hoa hồng có vẻ bận soi gương.

(Lạc quan)

Với kết hợp “gió qua” ở trường hợp (1) thì mang nghĩa chỉ sự tàn phai, khô héo, rụng rời. Cơn gió (1) không hề tốt lành, mang nghĩa tiêu cực. Còn ở trường hợp (2) thì “gió” lại “như một khách thừa lương” mang đến niềm vui, sự sống cho muôn loài, “gió” ở đây lại mang nghĩa tích cực.

Hoặc với kết hợp “mưa gió” cũng vậy. Ở các trường hợp như: - Gió mưa, mưa gió âm u (Bụi mưa mờ cũ)

- Đêm qua mưa gió lạnh lùng trời (Hết ngày hết tháng) - Trời mưa gió hôm nay ta đóng cửa (Riêng tây)

Thì “mưa gió” mang nghĩa tiêu cực, mở ra một không gian của nỗi cô đơn, lạnh lẽo, đó là một không gian “âm u” và “lạnh lùng” thể hiện tâm trạng nhớ nhung, cô đơn, buồn thương, là tâm trạng luôn thường trực trong lòng của thi nhân.

Với “mưa gió” trong trường hợp:

“ Vườn mưa gió còn nghe chim rộn rã Anh lại còn yêu bông lựu, bông trà

(Tình thứ nhất)

Thì “mưa gió” xuất hiện cùng với từ “vườn” chỉ khu vườn tình ái, đẹp và đầy ắp cản xúc yêu đương.“Gió” được hiểu là sự thể hiện những cảm xúc yêu đương rạo rực trong tâm hồn nhà thơ, cho nên kết hợp trên mang nghĩa tích cực.

Như vậy, có thể thấy rằng dù cùng sử dụng một kết hợp nhưng tính đa nghĩa đã mang lại những giá trị ý nghĩa khác nhau ở các trường hợp khác nhau. Sự khác nhau về ý nghĩa này chủ yếu dựa trên ngữ cảnh tu từ, môi trường ngôn ngữ mà kết hợp xuất hiện.

Việc sử dụng tín hiệu với tính đa nghĩa không phải là một vấn đề mới mẻ và xa lạ trong văn chương. Tùy vào tài năng người sử dụng và tùy vào khả năng cảm thụ, tiếp nhận văn bản của người đọc mà các lớp nghĩa đa dạng nằm sâu trong ngôn ngữ như hàng ngàn lớp trầm tích ấy mới được lộ thiên, được khám phá.

Trong tác phẩm thơ Xuân Diệu, việc sử dụng tín hiệu đa nghĩa “gió” đã góp phần không nhỏ làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Bản thân tín hiệu

“gió” vốn đã là đa nghĩa bởi ý nghĩa biểu trưng gắn liền với nó gần như trở

thành một quy ước nghệ thuật: “gió” là sức mạnh. Tuy nhiên, không tự bó hẹp trong một giá trị ấy, việc sử dụng linh hoạt tín hiệu này trong các hoàn cảnh khác nhau đã làm phong phú thêm các ý nghĩa của nó. Chính việc mở rộng phạm vi hoạt động của từ (trong khả năng kết hợp, tạo nên những mối tương quan về nghĩa với các tín hiệu khác…) đã là một biện pháp quan trọng làm nên các ý nghĩa đa dạng của tín hiệu này. Điều này chứng tỏ khả năng sử dụng ngôn từ của Xuân Diệu. Ông không chỉ sử dụng ngôn từ với những giá trị vốn có của nó mà còn phát triển thêm, làm giàu thêm cho chính nó, rồi để nó tự bộc lộ giá trị của mình.

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU TÍN HIỆU THẨM MĨ “GIÓ” TRONG THƠ XUÂN DIỆU TRƯỚC CÁCH MẠNG TRÊN BA BÌNH DIỆN: KẾT HỌC, NGHĨA HỌC, DỤNG HỌC LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN (Trang 107 - 112)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w