2. Ngữ nghĩa của tín hiệu thẩm mĩ “gió” trong thơ Xuân Diệu trước Cách mạng
2.2.1. “Gió” nguồn cảm xúc dồi dào của thi nhân
Thế Lữ đã nói về Xuân Diệu: “Thơ của ông không phải là “văn
chương” nữa, đó là lời nói, là tiếng reo vui hay năn nỉ, là sự chân thành của cảm xúc, hoặc là những tình ý rạo rực biến lẫn trong những thanh âm. Xuân Diệu, nhà thi sĩ của tuổi xuân, của lòng yêu và của ánh sáng”. Xuân Diệu
dường như chạy theo cảm xúc, ghi vội những rung động, thoáng hiện, nắm bắt kịp thời phút lóe sáng bằng những câu chữ xuất thần và diễn tả đúng cảm xúc, một dạng cảm xúc mang đậm dấu ấn Xuân Diệu. Cảm xúc là động lực duy nhất - đây cũng chính là chỗ mạnh của nhà thơ, để tứ thơ lan tỏa, để câu chữ vọt trào như mạch suối đổ ào, tuôn chảy.
Nhưng cảm xúc đó xuất phát từ đâu, Xuân Diệu luôn khao khát giao cảm với đời, trong thơ Xuân Diệu hình ảnh thơ hiện lên không phải từ trí tưởng tượng phong phú, xa lạ mà lại rất đỗi quen thuộc và đời thường. Có lẽ, Xuân Diệu muốn tận hưởng những hương nhụy trần thế để làm rung động trái tim luôn thèm thuồng tình yêu đời thực. Đứng giữa đất trời để cảm thấy mình nhỏ bé như “cây kim mà vạn vật là muôn đá nam châm”, cho nên thiên nhiên luôn có sức hút đối với tâm hồn rộng mở của Xuân Diệu. Bởi thế mà Xuân Diệu quan niệm:
(15) Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây Để linh hồn ràng buộc với muôn dây Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến
Trong cụm động từ với kết hợp “ru với gió”, “gió” trong kết hợp này như người bạn thơ đồng hành cùng thi sĩ, không chỉ có “gió” mà còn có “trăng”, “mây” kèm theo đó là các động từ đi kèm như: mơ, vơ vẩn là những trạng thái không tỉnh táo, sống theo mạch cảm xúc. Các sự vật như: gió,
trăng, mây,...chỉ tồn tại trong tự nhiên chứ không tham gia vào hoạt động của
con người. Xuân Diệu lấy các sự vật đó là nguồn cảm xúc cho mình. Có thể nói không chỉ Xuân Diệu mà các nhà thơ nói chung đều là những con người có tâm hồn khác với người bình thường. Bởi thế mà họ có thể coi thiên nhiên là những người bạn tâm giao, tri kỷ. Bác Hồ của chúng ta cũng coi “trăng” như một người bạn để gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình: “Trăng vào cửa sổ
đòi thơ/ Việc quân đang bận xin chờ hôm sau” (Tin thắng trận) hoặc “Người
ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ” (Ngắm trăng). Nói chung, là thi sĩ trước hết phải có tâm hồn, họ thả hồn mình theo
gió, theo mây, theo trăng,...để “ràng buộc với muôn dây” và “chia sẻ bởi trăm tình yêu mến”. Họ làm thơ không chỉ để thưởng thức một mình mà họ
muốn chia sẻ, giãi bày tâm tư, cảm xúc đến với mọi người. Thi sĩ là những con người mơ mộng, lãng mạn, có một tâm hồn dồi dào cảm xúc nên lúc nào họ cũng muốn ban tặng, chia sẻ với mọi người, với thiên nhiên cỏ cây, hoa lá. Và “gió” trong kết hợp này chính là nguồn cảm xúc dồi dào của thi nhân, tạo cảm hứng để tâm hồn thi sĩ rung lên những giai điệu nhạc đầy trữ tình như vậy.
“Gió” là nguồn cảm hứng nhiều nhất đối với những rung động về tình
yêu và khao khát ái ân của Xuân Diệu:
(16) Chỉ là gió, nhưng lòng tôi thả bướm, Thêm phất phơ cho hơi thở vừa hiền.
(Chỉ ở lòng ta) Hay:(17) “Gió sáng bay về thi sĩ nhớ”
(Buồn trăng)
Bằng kết hợp “trợ từ (chỉ là) +gió” ở ngữ cảnh (16) Xuân Diệu dường như nhấn mạnh hơn về cảm xúc khao khát ái ân của mình. “Gió” thoáng qua nhưng cũng đủ để khơi dậy trong lòng thi sĩ những rung cảm yêu đương “lòng tôi thả bướm”. Và kết hợp “gió sáng” trong cụm danh từ ở trường hợp (17) kèm theo đó là động từ “bay về” khơi nguồn cho cảm xúc nhớ nhung của thi sĩ khiến “thi sĩ nhớ”.
Bên cạnh đó, với kiểu kết hợp: gió thổi, gió bay về, gió lùa đem tỏa
khắp, gió chải + cảm xúc, “gió’ lại là tác nhân khơi gợi cảm xúc hay là
phương tiện chuyển tải cảm xúc.
(18) Tôi là con chim đến từ núi lạ, Ngứa cổ hót chơi,
Khi gió sớm vào reo um khóm lá, Khi trăng khuya lên ủ mộng trời xanh. ...
Gió đã thổi, cho nên buồn phải dậy;
Hồn vu vơ, tội ấy ở mây đèo! ....
Thơ tôi đó gió lùa đem tỏa khắp! Và lòng tôi, mời mọc bạn chia nhau
(Lời thơ vào tập gửi hương) (19) Tôi là một kẻ làm thơ… thẩn,
Đi hỏi tình yêu giữa cảnh trời.
Gió chải trong đầu không biết lược
Mây vờn qua mắt chứa xa khơi. (Đi dạo)
Gió xuất hiện “gió đã thổi” không chỉ khơi nguồn cho cảm xúc yêu đương mà gây nên tâm trạng nao nao buồn của thi sĩ “buồn phải dậy”, đó là một cái buồn vu vơ “hồn vu vơ”. Cái buồn này cũng giống như cái buồn trong bài “Chiều” của Xuân Diệu: “Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu
vì sao tôi buồn”, đó là cái buồn không nguyên do, thi sĩ đành phải đổ tội cho
mây đèo: “tội ấy ở mây đèo”. Kết hợp “gió lùa” trong cụm danh từ kèm theo đó là động từ “đem”, gió trở thành tác nhân chuyển tải cảm xúc, mang cảm xúc của thi sĩ “tỏa khắp” mọi nơi. Nhờ “gió” mà những tâm tư, tình cảm của mình được chia sẻ tới tất cả bạn đọc yêu thơ. Thi sĩ muốn gửi thơ của mình - gửi tình ý của mình để mời mọc bạn chia sẻ, để có thể thực hiện cái điều mà suốt đời nhà thơ vẫn luôn khao khát đó là giao cảm với đời: “Và lòng tôi, mời
mọc bạn chia nhau”
Ở ngữ cảnh (19) kết hợp “gió chải” trong quan hệ C -V, gió giống như chiếc lược của thi sĩ, vuốt ve mái tóc bồng bềnh khiến tâm trí thoải mái, cảm xúc dâng tràn. Bởi là thi sĩ nên Xuân Diệu “đi tìm tình yêu giữa cảnh trời”, lấy mây, gió,...làm nguồn cảm xúc để kết thành những vần thơ tuyệt đẹp, độc đáo tạo nên nét riêng cho thơ ông.
Như vậy, “gió” không chỉ là phương tiện chuyển tải nguồn cảm xúc đến mọi nơi mà “gió” còn là tác nhân khơi gợi cảm xúc. Vì “gió” mà thi sĩ “buồn phải dậy”, “thi sĩ nhớ” hay “lòng tôi thả buồm”… “gió” mang cảm xúc của thi nhân tới tất cả mọi người, gửi những dòng tâm sự đầy tình ý để “mời mọc bạn chia nhau”. Bởi Xuân Diệu luôn thiết tha gắn bó với cõi đời này, do đó không lạ gì khi hình ảnh thơ ông lại là những hình ảnh rất đời thực.