Những kết quả đạt được

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện quyền tự chủ trong quản lý tài chính tại trường đại học nông lâm thuộc đại học thái nguyên (Trang 84 - 88)

5. Bố cục của luận văn

3.3.1. Những kết quả đạt được

a. Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho nhà trường

Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với ĐVSN công lập đã cơ bản khắc phục được những tồn tại của Nghị định số 10/2002/NĐ-CP. Nghị định số 43/2006/NĐ-CP phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính có chức năng quản lý Nhà nước và ĐVSN có chức năng cung cấp dịch vụ công, từ đó có cơ chế phù hợp với lĩnh vực HĐSN, xoá bỏ tình trạng "hành chính hoá" HĐSN.

Ngoài việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế, điểm nổi bật nhất của Nghị định số 43/2006/NĐ-CP là mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho nhà trường được quyền quyết định các khoản thu, mức thu đối với các hoạt động sản xuất cung ứng dịch vụ; được chủ động sử dụng nguồn kinh phí NSNN cấp bảo đảm hoạt động thường xuyên, nguồn thu sự nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhà trường cũng được quyền quyết định các mức chi quản lý, nghiệp vụ thường xuyên cao hơn hoặc thấp hơn mức chi do Nhà nước quy định; được chi thu nhập tăng thêm nếu hoạt động hiệu quả. Nghị định cũng cho phép trường tự quyết định việc chi trả cho người lao động theo nguyên tắc người nào có hiệu suất lao động cao được trả thu nhập cao hơn và ngược lại. Việc trao quyền tự chủ giúp trường từng bước mở rộng hoạt động, chủ động khai thác nguồn lực tài chính, đặc biệt là nguồn tài chính ngoài NSNN để chi cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu và Nhà nước không can thiệp sâu vào hoạt động nội bộ của trường.

Cơ chế tự chủ cũng tạo điều kiện cho trường thực hiện việc kiểm soát chi tiêu nội bộ, phát huy tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của người lao động; nâng cao kỹ năng quản lý, chất lượng hoạt động sự nghiệp; bước đầu rà soát lại chức năng nhiệm vụ của ĐVSN, từng bước giảm sự can thiệp của cơ quan quản lý cấp trên; yêu cầu về công khai, minh bạch trong tổ chức sắp xếp công việc, nhân sự, chi tiêu tài chính được thực hiện, tạo không khí đoàn kết, phấn khởi trong nội bộ đơn vị.

Phát huy quyền tự chủ tự chủ để thực hiện quản lý tài chính đạt hiệu quả cao đối với nguồn thu từ NSNN cấp và nguồn thu sự nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm đã thông qua các quy định cụ thể tại quy chế chi tiêu nội bộ và các chính sách hợp lý về tài chính và nhân sự. Trên cơ sở nguồn lực tài chính hiện có, trường đã xây dựng các định mức thu, chi; quy định cụ thể việc chi trả thu nhập, khen thưởng, phúc lợi trong quy chế chi tiêu nội bộ. Việc quản lý hiệu quả nguồn lực tài chính góp phần tích cực trong việc đảm bảo hoạt động cho đơn vị.

b. Nguồn thu sự nghiệp của trường có xu hướng tăng lên

Mặc dù nguồn thu sự nghiệp của trường phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu học phí - một nguồn thu chịu sự ảnh hưởng rất lớn bởi các chính sách quy định của Nhà nước, nhưng cũng cần phải thấy rằng nguồn thu sự nghiệp của trường đang có xu hướng tăng lên rõ rệt và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tổng nguồn kinh phí được tự chủ của trường. Năm 2014 so với năm 2012, tổng thu sự nghiệp của trường tăng 16,61% (từ 69,528 tỷ đồng lên 81,074 tỷ đồng).

Chính sách trao quyền tự chủ đã giúp nhà trường chủ động và tích cực trong việc khai thác nguồn thu nhất là mở rộng các loại hình đào tạo không chính quy, liên kết đào tạo… nên nguồn thu sự nghiệp không ngừng tăng lên, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong việc đảm bảo nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng. Trong số thu sự nghiệp khác của đơn vị, mặc dù còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thu sự nghiệp, nhưng đã xuất hiện một số nội dung thu mới: thu từ cho thuê cơ sở vật chất, thu từ các hợp đồng đào tạo ngắn hạn…

Việc thay đổi khung và mức thu học phí, lệ phí cũng thể hiện rõ chủ trương của Nhà nước, tạo điều kiện nâng cao khả năng tự chủ về tài chính cho các trường đại học và nhằm huy động sự đóng góp của xã hội để phát triển các hoạt động sự nghiệp giáo dục, từng bước giảm dần bao cấp từ NSNN.

c. Góp phần đa dạng hóa lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học

Trên cơ sở sử dụng các nguồn lực sẵn có của đơn vị như điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ thầy cô giáo, trang thiết bị phương tiện hiện có, nhà trường đã thực hiện mở rộng, đa dạng hoá loại hình đào tạo, tổ chức nhiều hình thức đào tạo chính quy, vừa làm vừa học… Nhà trường cũng được chủ động mời chuyên gia nước ngoài vào giảng dạy các hệ đào tạo, các chương trình liên kết trong trường. Nhờ đó chất lượng đào tạo được nâng lên, đặc biệt là các chương trình liên kết, chương trình tiên tiến…

Để phát triển hoạt động khoa học trong đơn vị, trên cơ sở phát huy năng lực đội ngũ cán bộ và máy móc thiết bị hiện có, hàng năm nhà trường đã chủ động tổ chức các đoàn công tác đến làm việc với các Sở Khoa học và Công nghệ của các tỉnh triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học. Riêng năm 2010 trường có 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh với tổng kinh phí được cấp là 4,5 tỷ đồng; năm 2011 có 5 đề tài với kinh phí được cấp 6,1 tỷ đồng. Nghiên cứu khoa học sinh viên cũng được chú trọng và đổi mới nhờ sự ưu tiên kinh phí từ nguồn thu sự nghiệp của trường.

d. Từng bước cải thiện cơ sở vật chất và tăng thu nhập của cán bộ viên chức

Qua phân tích thực trạng sử dụng nguồn lực tài chính tại trường đại học Nông lâm cho thấy, nguồn tài chính ngày càng được trường sử dụng hợp lý hơn theo hướng ưu tiên kinh phí cho đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, nhờ đó từng bước cải thiện cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu giảng dạy và học tập ngày càng tăng. Trường cũng đã tạo điều kiện cho các đơn vị trong trường chủ động về kinh phí một số lĩnh vực: khoán văn phòng phẩm, điện thoại, vật tư phục vụ thực hành thực tập …

Một kết quả không thể không đề cập trong quá trình thực hiện tự chủ về tài chính tại trường đại học Nông lâm, đó là việc tăng thu nhập cho người lao động. Điều 2 mục 2.1 Nghị định 43/2006/NĐ-CP nêu rõ mục tiêu thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là: “tăng nguồn thu nhằm từng bước giải quyết thu nhập cho người lao động”. Trường đại học Nông lâm bước đầu đã đạt được mục tiêu này, đây là mộtthành quả đáng kể. Sơ đồ sau cho thấy kết quả thực hiện trong 3 năm:

Biểu đồ 3.5: Thu nhập bình quân của cán bộ viên chức giai đoạn 2012-2014

(Nguồn: báo cáo công khai thu chi tài chính của trường ĐH Nông lâm các năm 2012- 2014)

Tuy thu nhập bình quân nói trên của cán bộ viên chức trường đại học Nông lâm chưa cao so với một số ngành nghề khác, nhưng so với mặt bằng chung của các trường đại học công lập thuộc các ngành nông lâm nghiệp thì đây lại là một một thành quả rất đáng khích lệ của nhà trường. Mặc dù tình hình kinh tế và giá cả thị trường có nhiều biến động phức tạp và NNSN cấp cho chi thương xuyên của nhà trường càng ngày càng giảm. Tuy nhiên, Trường Đại học Nông lâm cũng vẫn đảm bảo khả năng chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ viên chức từ ở mức 0,25 lần lên 0,35 lần so với lương cơ bản ngạch bậc.

e. Tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng gọn nhẹ và hoạt động hiệu quả

Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, trường đã chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế và thực hiện hợp đồng lao động theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Quy mô và các loại hình đào tạo của trường tăng, nguồn thu sự nghiệp tăng dần qua từng năm, nhưng số cán bộ hành chính của trường hầu như không thay đổi. Hiện tại số cán bộ hành chính, phục vụ của trường chỉ chiếm 30% tổng số cán bộ trong toàn trường. Nhà trường thực hiện khoán công việc một số lao động giản đơn (bảo vệ, vệ sinh); hạn chế nhân sự quản lý để tăng hiệu quả lao động và tăng thu nhập cho cán bộ viên chức; thực hiện ký kết hợp đồng lao động phù hợp với khối lượng công việc và khả năng nguồn tài chính nhằm giảm số lượng biên chế và nâng cao hiệu quả công việc.

Đội ngũ cán bộ kế toán làm công tác quản lý trực tiếp tài chính của trường cũng được quan tâm đầu tư nâng cao trình độ, tham mưu tốt cho Ban Giám hiệu trong công tác quản lý tài chính của trường. Áp dụng triệt để các công nghệ thông tin trong quá trình quản lý: sử dụng phần mềm kế toán, thanh toán thu nhập qua thẻ, trao đổi thông tin và thông báo các khoản thanh toán qua hộp thư cá nhân …

f. Khuyến khích kịp thời, đúng đối tượng cho người học

Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, nhằm động viên khuyến khích kịp thời những sinh viên nghèo, những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có kết quả học tập tốt, ngoài các khoản học bổng theo quy định của Nhà nước, nhà trường còn thành lập quỹ học bổng và quỹ khen thưởng dành cho những sinh viên nghèo vượt khó. Trường cũng huy động kinh phí từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ học bổng cho sinh viên. Mỗi năm có khoảng 2000 lượt sinh viên được nhận các khoản học bổng này. Khoản kinh phí này đã động viên hỗ trợ kịp thời cho sinh viên, đặc biệt phát huy hiệu quả tích cực đối với một trường thuộc khu vực miền núi trung du có nhiều sinh viên diện chính sách và con em dân tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện quyền tự chủ trong quản lý tài chính tại trường đại học nông lâm thuộc đại học thái nguyên (Trang 84 - 88)