5. Bố cục của luận văn
3.3.2. Những tồn tại trong quản lý tài chính
- Nguồn thu của trường còn thấp, chưa đa dạng và nhỏ về quy mô
Qua phân tích thực trạng các nguồn lực tài chính của trường đại học Nông lâm cho thấy, nguồn thu của trường qua các năm có tăng lên nhưng vẫn còn thấp, chưa đa dạng chủ yếu thu từ NSNN cấp và thu sự nghiệp (học phí và lệ phí) các khoản thu khác từ nghiên cứu khoa học, hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ và hỗ trợ, tài trợ của doanh nghiệp, đóng góp của nhà hảo tâm là rất thấp. Nguồn thu sự nghiệp của trường phụ thuộc chủ yếu vào số thu phí, lệ phí đơn vị được để lại sử dụng theo quy định của Nhà nước, trong đó học phí là nguồn thu quan trọng nhất đối với nhà trường, là nguồn lực tài chính cơ bản để duy trì hoạt động và phát triển của trường. Tuy nhiên, nguồn thu này lại chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi khung học phí và số lượng người học.
Thực hiện chính sách tự chủ tài chính, Nhà nước sẽ trao quyền tự chủ từng phần, tiến tới trao quyền tự chủ hoàn toàn về tài chính cho các trường, điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước giảm dần NSNN cấp chi thường xuyên để các trường tự tìm nguồn tài chính đảm bảo nhu cầu chi tiêu thường xuyên. Trên thực tế việc này đã gây khó khăn cho trường trong việc đảm bảo nguồn tài chính để duy trì hoạt động và phát triển đào tạo. Mặc dù mức học phí có tăng theo quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP nhưng vẫn ở mức thấp, trong khi tỷ lệ lạm phát cùng với lương tối thiểu các năm qua đã tăng nhiều lần.
Tại Trường Đại học Nông lâm, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ, liên doanh liên kết, lãi ngân hàng… chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng nguồn thu. Số thu từ hoạt động của các trung tâm quá ít, mức trích nộp trường từ các trung tâm không đáng kể, chỉ đủ bù đắp chi phí của trường cho các trung tâm về điện, nước, trang thiết bị cơ sở vật chất…; ký túc xá không thu hút được sinh viên dù giá thu thấp; thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ không có.
- Chi cho hoạt động NCKH còn ở mức thấp và hiệu quả chưa cao
Trong những năm vừa qua, nhà trường đã quan tâm ưu tiên đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học vẫn chủ yếu từ ngân sách cấp và có một phần nhỏ từ nguồn thu học phí. Nhà trường chưa thu hút được nguồn kinh phí đầu tư từ bên ngoài cho nghiên cứu khoa học. Do hạn chế nguồn kinh phí nên hoạt động nghiên cứu khoa học của trường hiện nay chưa được đẩy mạnh, chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học của trường còn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số kinh phí hoạt động. Bên cạnh đó các cán bộ trong trường lại chưa phát huy hết hiệu suất sử dụng các cơ sở thiết bị phòng thí nghiệm hiện có để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
Khoản chi về nghiên cứu khoa học chưa được kiểm soát chặt chẽ: Hầu hết các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học được giao cho nhà trường, khi thực hiện sẽ được giao cho các chủ đề tài, chủ công trình nghiên cứu do vậy kinh phí cũng do chủ đề tài, chủ công trình nghiên cứu khoa học này phân bổ cho những người thực hiện. Các đề tài, các công trình nghiên cứu khoa học được triển khai, phê duyệt kinh phí không có sự tham gia của bộ phận quản lý tài chính của trường, vì vậy việc lập dự toán kinh phí các đề tài còn mang tính hình thức, dẫn đến việc các khoản chi phí cho đề tài đôi khi không đúng với thực tế, lãng phí và không phù hợp với hiệu quả công việc.
- Công tác quản lý tài sản chưa hiệu quả, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu.
Với chủ trương của Nhà nước và các ban ngành liên quan ưu tiên đầu tư cho các trường đại học công lập thông qua các dự án và chương trình mục tiêu, cơ sở vật chất của nhà trường những năm gần đây nhìn chung đã được đầu tư nâng cấp đáng kể, đặc biệt là các trang thiết bị phòng thí nghiệm. Tuy nhiên tần suất sử dụng các phòng thí nghiệm chưa cao, chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư. Nhà trường cũng chưa tận dụng tốt lợi thế về đội ngũ giảng viên, tài sản và cơ sở vật chất hiện có để khai thác tăng nguồn thu. Công tác quản lý tài sản cố định chưa được thực hiện tốt, chỉ mới dừng lại ở việc theo dõi và lập báo cáo, việc thực hiện kiểm kê thực tế hàng năm vẫn còn mang tính hình thức.
Nhà trường có số lượng sinh viên trên 1 giảng viên với tỷ lệ cao, như vậy bình quân một giảng viên phải tham gia giảng dạy và hướng dẫn học tập cho nhiều sinh viên, điều này ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Quy mô đào tạo không ngừng tăng lên trong khi số lượng giảng viên thì hạn chế nên khối lượng giờ lên lớp của giảng viên tăng lên gấp nhiều lần số giờ giảng theo quy định. Bên cạnh đó lượng giảng viên trẻ trong trường hiện nay chiếm tỷ lệ khá cao, vì vậy họ chịu áp lực công việc giảng dạy lớn cùng với việc phải nâng cao trình độ học vấn (lên thạc sỹ, tiến sỹ), làm cho giảng viên bị quá tải không có thời gian cập nhật kiến thức mới hay nghiên cứu khoa học do đó ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
- Cán bộ quản lý chưa bắt nhập kịp với cơ chế tự chủ và hoạt động kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả thấp.
Cán bộ làm quản lý trong trường đa số đều trưởng thành từ giáo viên. Họ thường là những giáo viên giỏi trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Tuy nhiên, trước khi được bổ nhiệm, rất nhiều người trong số này không được bồi dưỡng các kiến thức nghiệp vụ cơ bản về quản lý. Một số cán bộ quản lý vẫn mang nặng tư tưởng hành chính, bao cấp trong giải quyết công việc, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng tài chính và quá trình phối hợp triển khai các hoạt động nhằm tạo nguồn thu cho trường.
Hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ của trường chưa được tiến hành thường xuyên, các thành viên làm công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ thường là kiêm nhiệm nên hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ tài chính, do đó việc kiểm tra quá trình thu chi, phân phối chênh lệch hàng năm cũng như quản lý tài sản của trường chủ yếu mang nặng tính hình thức và hiệu quả thấp.
- Thu nhập của cán bộ, giảng viên còn thấp
Do hạn chế về nguồn thu sự nghiệp nên khả năng tài chính để đáp ứng phục vụ hoạt động của trường nói chung và thu nhập của cán bộ nói riêng cũng bị ảnh hưởng. Qua phân tích thực trạng cho thấy, mặc dù trường đã có nhiều cố gắng trong việc cải thiện thu nhập của cán bộ viên chức nhưng nhìn chung vẫn còn thấp và còn nhiều bất cập, đặc biệt đối với giảng viên làm công tác giảng dạy. Đội ngũ giảng viên là những người có trình độ cao trong xã hội, phải tham gia giảng dạy với khối lượng giờ giảng lớn nhưng thu nhập họ nhận được tương đối thấp so với thu nhập của những người có cùng trình độ làm việc trong lĩnh vực kinh doanh hay khu vực có liên doanh với nước ngoài. Tại trường đang có hiện tượng sau khi được đi học tập đào tạo về, một số cán bộ, giảng viên xin chuyển công tác. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường đại học công lập hiện nay, gây khó khăn cho trường trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học của trường trong tương lai.