- Đặc biệt, hiện đang còn thiếu sự nghiên cứu một cách có hệ thống, bài bản và sâu sắc về cơ sở lý luận và thực tiễn của FDI tại CHDCND Lào Cho đến nay,
2.1.1. Quan niệm về đầu tư trực tiếp nước ngoà
Có nhiều quan niệm khác nhau về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mỗi quan niệm đều cố gắng khái quát hóa bản chất và nhấn mạnh đến một khía cạnh nào đó của FDI. Có thể thấy rõ điều đó qua một số quan niệm của FDI đã được các nhà nghiên cứu đưa ra.
- Theo Synthia Day, Wallace, ĐTNN là việc thiết lập hay giành được quyền sở hữu đáng kể trong một loạt công ty ở nước ngoài hay sự gia tăng khối lượng của một khoảng ĐTNN nhằm đạt được quyền sở hữu đáng kể.
Quan niệmnày nhấn mạnh đến quyền sở hữu của nhà đầu tư khi tham gia đầu tư ở nước ngoài. Đây là quan niệm ĐTNN theo nghĩa rộng.
- Ủy ban Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTED) định nghĩa đầu tư trực tiếp nước ngoài là một khoản đầu tư bao gồm mối quan hệ trong dài hạn, phản ánh lợi ích và quyền kiểm soát lâu dài của một thực thể thường trú ở một nền kinh tế, (nhà ĐTNN hoặc công ty mẹ nước ngoài) trong một doanh nghiệp thường trú ở một nền kinh tế khác với nền kinh tế của nhà ĐTNN, (doanh nghiệp ĐTNN trực tiếp, doanh nghiệp liên doanh hoặc chi nhánh nước ngoài). Quan niệm này đề cập đến lợi ích và quyền kiểm soát của chủ thể ĐTNN trong những doanh nghiệp trong nền kinh tế ở nước ngoài mà họ đầu tư.
- Trong báo cáo cán cân thanh toán hàng năm, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra định nghĩa khác về FDI, là: "đầu tư có lợi ích lâu dài của một doanh nghiệp tại một nước khác (nước nhận đầu tư), không phải tại nước mà doanh nghiệp đang hoạt động (nước đi đầu tư), với mục đích quản lý một cách có hiệu quả doanh nghiệp". Quan niệm này chủ yếu là nhấn mạnh hai yếu tố như: (1) tính lâu dài của hoạt động đầu tư; (2) và động cơ đầu tư là giành quyền trực tiếp kiểm
soát theo dõi trong hoạt động quản lý điều hành các hoạt động sử dụng vốn đầu tư mà họ tự bỏ ra tại các cơ sở sản xuất doanh nghiệp ở nước khác.
- Tổ chức Thương mại Thế giới đưa ra định nghĩa như sau về FDI như sau: FDI xảy ra khi một nhà đầu tư từ một nước (nước chủ đầu tư), có được một tài sản ở một nước khác (nước thu hút đầu tư), cùng với quyền quản lý tài sản đó. Phương diện quản lý là thứ để phân biệt FDI với các công cụ tài chính khác. Trong phần lớn trường hợp, cả nhà đầu tư lẫn tài sản mà người đó quản lý ở nước ngoài là các cơ sở kinh doanh. Trong các trường hợp đó, nhà đầu tư thường hay đựoc gọi là "công ty mẹ" và các tài sản được gọi là "công ty con" hay "chi nhánh công ty ".
- Các nhà kinh tế Trung Quốc định nghĩa: đầu tư trực tiếp nước ngoài là người sở hữu tư bản tại nước này mua hoặc kiểm soát một thực thể kinh tế của nước khác. Đó là một khoản tiền mà nhà đầu tư trả cho một thực thể kinh tế của nước ngoài để có ảnh hưởng quyết định đối với thực thể kinh tế ấy hoặc tăng thêm quyền kiểm soát trong thực thể kinh tế ấy.
- Luật ĐTNN của Việt Nam (năm 1996) định nghĩa: "Đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc nhà ĐTNN đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền hoặc bất kỳ tài sản nào để tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật này" [51]. Quan niệm này muốn chỉ rõ phương thức đầu tư và sử dụng vốn của nhà ĐTNN ở Việt Nam.
Năm 2005, Luật Đầu tư của Việt Nam định nghĩa ĐTNN được như sau: "Đầu tư nước ngoài là việc nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền và các tài sản hợp pháp khác để tiến hành hoạt động đầu tư" [52].
Khác với Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài (1996), Luật Đầu tư năm 2005 không đề cập cụ thể đến khái niệm đầu tư trực tiếp nước ngoài, mà chỉ đưa ra quan niệm ĐTNN. Theo đó, có thể hiểu, ĐTNN bao gồm cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp của các nhà ĐTNN. Hai quan niệm, đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài, được hiểu đều là hình thức đầu tư của nhà ĐTNN. Trong đó, đầu tư trực tiếp là hình thức đầu tư do nhà đầu tư bỏ vốn bằng các loại tài sản hữu hình và vô hình để hình thành tài sản, tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Theo Luật này, đầu tư
trực tiếp là hình thức đầu tư do nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý điều hành trực tiếp trong hoạt động đầu tư. Theo Luật này, "đầu tư gián tiếp là hình thức đầu tư thông qua việc mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, quỹ đầu tư chứng khoán và thông qua các định chế tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư" [52].
- Theo Luật Đầu tư (khuyến khích và quản lý đầu tư) nước ngoài của CHDCND Lào (20/6/1994 và bổ sung thêm 22/10/2004): Chính phủ CHDCND Lào khuyến khích cho tư nhân và pháp nhân nước ngoài đầu tư tại CHDCND Lào dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi và hoạt động theo pháp luật của CHDCND Lào [54, tr.21].
Người đầu tư nước ngoài được phép thực hiện sự sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực của nền kinh tế như: nông - lâm nghiệp, công nghiệp, khai thác mỏ, giao thông vận tải, xây dựng, du lịch, dịch vụ và thương mại [54, tr.22].
Mọi của cải, tài sản trong sự đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại CHDCND Lào sẽ được giữ gìn và bảo vệ theo nguyên tắc và luật pháp của CHDCND Lào như: không được trực thu, không được giữ lại hay nhường cho Nhà nước. Nhưng nếu có việc sử dụng dưới hình thức vì lợi ích công cộng, thì người đầu tư nước ngoài sẽ được nhận bồi thường lại một cách hợp tình, hợp lý và theo thực trạng hiện hành [54, tr.22].
Như vậy, mặc dù có nhiều quan niệm khác nhau về FDI nhưng chúng đều thống nhất ở các điểm như: FDI là hình thức đầu tư quốc tế, cho phép các nhà đầu tư tham gia điều hành hoạt động đầu tư ở nước tiếp nhận đầu tư tuỳ theo mức góp vốn của nhà đầu tư. Nói tóm lại, từ những quan niệm trên, có thể hiểu vốn FDI là biểu hiện bằng tiền hoặc bất kỳ tài sản do tổ chức hoặc cá nhân người nước ngoài mang vào nước khác (nước tiếp nhận đầu tư) để thực hiện kinh doanh theo luật pháp của nước đó nhằm thu được lợi nhuận. Các nhà đầu tư có quyền điều hành doanh nghiệp tuỳ theo tỷ lệ góp vốn của mình.
Những phân tích trên đây cho phép tác giả định nghĩa đầu tư trực tiếp nước ngoài như sau:
Đầu tư trực tiếp nước ngoài là loại hình kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn bằng tiền hoặc bất kỳ tài sản nào đó để thiết lập các cơ sở sản xuất
kinh doanh ở nước tiếp nhận đầu tư, nhờ đó họ có quyền sở hữu và trực tiếp tham gia quản lý, điều hành đối tượng mà họ bỏ vốn đầu tư nhằm mục đích thu được lợi nhuận từ những hoạt động đầu tư đó.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài là quá trình kinh tế trong đó các nhà đầu tư di chuyển bất kỳ tài sản như vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý vào nước tiếp nhận đầu tư để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận cao trên phạm vi toàn cầu. Tài sản trong quan niệm này, theo thông lệ quốc tế, FDI có thể là tài sản hữu hình bao gồm: máy móc, thiết bị, bất động sản, quy trình công nghệ, các loại hợp đồng và giấy phép có giá trị…, tài sản vô hình như là: quyền sở hữu trí tuệ, bí quyết và kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, hoặc tài sản tài chính như: cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, giấy ghi nợ…
Tóm lại, FDI là việc đưa vốn từ nước ngoài vào chính nước nhận vốn đầu tư để góp vốn vào đầu tư kinh doanh mà nhà đầu tư có một phần quyền sở hữu, có quyền trong việc quản lý và điều hành. Việc kinh doanh đó bao gồm cả quyền quyết định trong hoạt động kinh doanh theo mức độ được hưởng lợi như: nguồn vốn, kiến thức về kỹ thuật chuyên môn, khả năng trong sản xuất có hiệu quả, kinh nghiệm trong quản lý hành chính doanh nghiệp đó. FDI được thể hiện các quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư phù hợp với chính sách thu hút FDI của nước tiếp nhận đầu tư. Như vậy, có thể nói, FDI là sự gặp gỡ về nhu cầu của hai bên và cả hai bên cùng có lợi, một bên có lợi nhuận là nhà đầu tư và còn một bên có lợi nhuận và lợi ích khác là nước tiếp nhận đầu tư.