Các nhân tố bên ngoài cũng chính là cơ hội cũng như nguy cơ, các mối đe dọa trong kinh doanh, trên cơ sở đó doanh nghiệp xác định mục tiêu, lựa chọn chiến lược quản trị chất lượng dịch vụ để phát triển kinh doanh lĩnh vực xăng dầu.
* Yếu tố thị trường kinh tế
Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 188 nước trên thế giới và thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường trên toàn thế giới. Hội nhập kinh tế khu vực và thế giới đã tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tại Việt Nam như: đổi mới về công nghệ sản xuất, kinh nghiệm quản trị nhưng cũng kèm theo không ít các nguy cơ, đe dọa. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu trong thời gian xác định phải cạnh tranh với các tập đoàn kinh doanh xăng dầu đa quốc gia có nhiều kinh nghiệm và lớn mạnh tại thị trường nội địa như: ESSO, TOTAL, … Các doanh nghiệp lớn này có tiềm lực tài chính mạnh và nắm rõ xu hướng của thị trường, sẵn sàng đầu tư nhiều vào vấn đề quản trị chất lượng dịch vụ tốt hơn dẫn đến sự cạnh tranh trên thị trường xăng dầu ngày càng khốc liệt.
* Yếu tố ảnh hưởng từ thị trường xăng dầu thế giới
Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc khai thác và xuất khẩu dầu thô, còn chủ yếu lượng lớn xăng dầu tiêu thụ nội địa (dầu đã được qua tinh luyện) chủ yếu là nhập khẩu từ các nước như: Nga, Trung Đông, Singapore, Trung Quốc,
Hàn Quốc, Thái Lan. Trong khi đó, thị trường xăng dầu lại có biến động giá liên tục. Theo các chuyên gia phân tích, giá cả xăng dầu ngoài việc phụ thuộc vào nguồn dầu thô khai thác mà còn chịu sự tác động của chính sách dự trữ của Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu, tình hình chính trị ở Trung Đông v.v…. Khi giá xăng dầu thế giới biến động ảnh hưởng mạnh đến giá xăng dầu trong nước, tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cũng như tác động đến quản trị chất lượng dịch vụ cung cấp xăng dầu.
* Yếu tố chính phủ
Chính phủ thực hiện tác động đến môi trường ngành xăng dầu thông qua chính sách quản lý phân bổ hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu tối thiểu cho các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối (quota nhập khẩu xăng dầu).
Theo hướng dẫn của Nghị định 83/2014/ND-CP quy định thương nhân phân phối xăng dầu được phép mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối thông qua Hợp đồng mua bán xăng dầu.Thương nhân được kinh doanh xăng dầu theo hình thức bên giao là đại lý cho các đại lý đó. Đồng thời, thương nhân được kinh doanh xăng dầu theo phương thức nhượng quyền thương mại cho thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu theo quy định của pháp luật. Thương nhân phân phối xưng dầu chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng, giá cả xăng dầu bán ra trên toàn bộ hệ thống phân phối của doanh nghiệp thương nhân theo đúng quy định pháp luật. Thương nhân phân phối có trách nhiệm thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Về giá bán xăng dầu, Nghị định 83 cũng nên rõ: giá bán xăng dầu thực hiện theo cơ chế thị trường và có sự quản lý của Nhà nước. Thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn. Thương nhân đầu mối và thương nhân phối xăng dầu được điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo nguyên tắc,
trình tự quy định. Thương nhân đầu mối có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được nhà nước bù đắp lại các chi phí khi tham gia bình ổn giá. Thời gian giữa hai lần bình ổn giá được quy định tối thiểu là 15 ngày với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ theo bản kê khai giá hoặc văn bản đăng ký giá và quyết định điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối gửi, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
* Hệ thống pháp luật
Hành lang pháp lý tại Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn thiện để phù hợp với thông lệ quốc tế và thích nghi với thị trường kinh doanh. Song, tiến độ còn chậm, chưa thông thoáng, còn chồng chéo, chưa thật sự trở thành hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp. Việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, còn mang nặng phong cách quản lý hành chính. Đặc biệt, chất lượng xăng dầu, đo lường… xử lý chưa nghiêm minh là yếu tố ảnh hướng rất lớn đến việc quản trị chất lượng dịch vụ xăng dầu.
* Yếu tố dân số, văn hóa xã hội và địa lý kinh tế
Năm 2019, dân số Việt Nam hơn 96 triệu người (Theo số liệu của Tổng cục thống kê ngày 19/12/2019). Dân số tăng trung bình là 1,14% năm (Giai đoạn 2009 – 2019). Trong đó, thành thị chiếm 34.7%, nông thôn chiếm 65.3%. Theo thống kê, Việt Nam có hơn 45 triệu chiếc xe máy được lưu hành. Thêm vào đó, mỗi năm lượng xe máy bán ra trên thị trường và được đăng kí lưu hành khoảng 3,2-3,3 chiếc/năm. Từ đó, các chuyên gia dự đoán lượng xe máy hiện đang lưu hành tại Việt Nam vào khoảng hơn 51-52 triệu chiếc. Xét về tỉ lệ xe máy/dân số, Việt Nam xếp cao thứ hai thế giới (hơn 5 chiếc/10 người dân) chỉ sau Đài Loan (7 chiếc/10 người dân). Cũng theo thống kê sơ
bộ, khoảng 85% dân số tại Việt Nam sử dụng xe máy làm phương tiện di chuyển hàng ngày. Điều này cho thấy, thị trường tiêu thụ xăng dầu còn nhiều tiềm năng và vấn đề quản trị chất lượng dịch vụ cũng là vấn đề đáng lo ngại khi phải đảm bảo dịch vụ cung cấp xăng dầu cho khối lượng lớn các phương tiện lưu thông.
* Yếu tố kỹ thuật công nghệ và môi trường
Vấn đề môi trường đang đặt ra các yêu cầu khắt khe cho tất cả các ngành nghề, đặc biệt là ngành xăng dầu, mặt hàng có tính chất lý hóa cháy nổ cao, khó kiểm soát. Các yêu cầu về phòng chống cháy, phòng chống tràn dầu đã và đang đặt ra cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải đặc biệt quan tâm nhưng chi phí đầu tư rất cao. Quản trị chất lượng dịch vụ xăng dầu như vậy cũng bao gồm bị ảnh hưởng bởi việc đảm bảo các yếu tố kỹ thuật công nghệ để đảm bảo chất lượng xăng dầu tốt nhất và cũng như đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, cháy nổ, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.