2.1.3.1. Nguyên vật liệu đầu vào
Nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu của ngành sợi là bông và polyester. Do đặc thù khí hậu và điều kiện tự nhiên của Việt Nam, sản xuất bông tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến nguồn bông của Việt Nam chủ yếu vẫn là nhập khẩu từ nước ngoài. Nguồn Polyester cũng tương tự như vậy. Polyester là chế phẩm từ dầu mỏ. Việt Nam tuy có nhiều nguồn dầu cũng như nhiều dự án khai thác dầu mỏ, nhưng sản phẩm dầu chủ yếu vẫn là dầu thô và chưa chú trọng sản xuất các chế phẩm như hạt như PE phục vụ cho sản xuất sợi Polyester. Điều này khiến cho sợi cũng là nguyên liệu chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Theo báo cáo ngành dệt may của Tổng cục dệt may, 60% sợi Polyester đến từ nguồn nhập khẩu. Hiện tại các công ty sản xuất xơ sợi hàng đầu Việt Nam là Công ty Sợi Thế kỷ, Công ty cổ phần Damsan,... Các doanh nghiệp sản xuất xơ sợi này đáp ứng một phần không ít nhu cầu về xơ sợi trong nước, đóng góp không nhỏ vào việc cung cấp nguyên vật liệu cho chuỗi giá trị ngành dệt may của Việt Nam.
Đối với mảng nhuộm, công nghệ của Việt Nam tại khâu nhuộm vải chưa thực sự phát triển. Công nghệ in và hoàn tất vải của Việt Nam được nhận định là còn đang kém hơn các nước cùng ngành trong khu vực. Mỗi năm các doanh nghiệp dệt may chỉ đáp ứng được hơn 30% sản lượng vải nhuộm cần thiết. Nguyên nhân của tình trạng này là do kỹ thuật dệt nhuộm của Việt Nam còn kém, nguồn vốn đầu tư vào ngành dệt nhuộm còn thấp. Bên cạnh đó, việc thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành nhuộm vải cũng là một phần nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của ngành này.
2.1.3.2. Ngành vải (sản xuất vải)
Việt Nam là nước sản xuất hàng dệt may lớn, việc sản xuất vải là mắt xích quan trọng của lĩnh vực dệt may, tuy vậy, việc tiêu thụ vải trong nước vẫn phụ thuộc chủ yếu từ nguồn hàng vải nhập khẩu. Cụ thể, theo báo cáo dệt may của Tổng cục dệt may, nguồn cung vải có đến 66% sản lượng là sản phẩm ngoại nhập. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các công xưởng thực hiện các đơn hàng gia công nước ngoài, nguồn nguyên vật liệu phải được lựa chọn theo chỉ định của các nhà đặt gia công và khách hàng, điều này khiến cho các đơn vị dệt may Việt Nam không thể chủ động trong việc đặt nguyên vật liệu từ các doanh nghiệp cung cấp sợi hoặc vải tại Việt Nam.
2.1.3.3. Khâu cắt may
Khâu cắt may là khâu có giá trị gia tăng thấp nhất của chuỗi cung ứng. Việt Nam
chủ yếu mới chỉ dừng lại ở khâu cắt may theo đơn hàng đặt sẵn, với phương thức thực hiện chủ yếu là CMT, loại hình thấp nhất của các hình thức dệt may, còn các hình thức cao hơn như OEM hay ODM cũng mới chiếm khoảng hơn 30%.
2.1.3.4. Phân phối và Marketing
Hoạt động phân phối của các doanh nghiệp Việt Nam chưa quá phát triển và vẫn có phần phụ thuộc vào các nhà buôn nước ngoài. Với đặc thù sản xuất các đơn hàng gia công, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự tiếp cận với lớp khách hàng cuối cùng mà chủ yếu chỉ tham gia vào khâu thực hiện sản xuất các đơn hàng theo hợp đồng. Với hàng dệt may trong nước, hoạt động phân phối và Marketing hàng dệt may chủ yếu vẫn đang được thực hiện bởi một vài thương hiệu khá phổ biến với người tiêu dùng như NEM, Elise, Canifa, Ivy Moda,...Còn với các thương hiệu nhỏ lẻ, các doanh nghiệp chưa có nhiều phương pháp cụ thể để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng.